29/12/2024

Hội chứng con cưng

Người mẹ phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như chậm nói, đánh mẹ, luôn muốn điều khiển cha mẹ… nên đưa trẻ đi khám.

 

Hội chứng con cưng

Người mẹ phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như chậm nói, đánh mẹ, luôn muốn điều khiển cha mẹ… nên đưa trẻ đi khám.

 

Minh họa: DAD

Bác sĩ xác định đây là những dấu hiệu của hội chứng con cưng.

Một bé trai 2 tuổi, nhà ở TP.HCM, được đưa đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám với lý do chậm nói.

“Tháp tùng” bé đi khám bệnh là cả một đại gia đình gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, ba và mẹ bé.

Chưa cần đã có

Sẵn sàng tấn công bạn

Tại hội thảo “Bé đến trường ăn ngoan – học giỏi” do báo Sức Khỏe Và Đời Sống tổ chức giữa tháng 10-2014, nhiều giáo viên mầm non tại TP.HCM than rằng nhiều cháu có biểu hiện hội chứng con cưng do được gia đình nuông chiều quá mức. Khi những trẻ này đến trường luôn muốn làm theo ý, mình sẵn sàng tấn công các bạn khác làm các giáo viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Bé trai được mẹ bồng trong lòng và ánh mắt của các thành viên trong gia đình đều đổ dồn vào bé.

Bé chỉ cần quay đầu sang trái, lập tức bà ngoại vội vàng lấy sữa cho bé uống, bé nhìn sang phải bà nội khom lưng đưa khăn lau miệng cho bé…

Quan sát cách gia đình chăm sóc bé, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng nguyên nhân khiến bé chậm nói là do bé được cưng chiều quá mức.

Chưa cần tỏ ý muốn gì bé đã được gia đình cung phụng đầy đủ, vì vậy không thể kích thích bé tập nói.

Cũng chiều con từng chút một nhưng cuối cùng chị T. vẫn phải dẫn con gái 13 tuổi đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám với lý do gần đây con nhìn chị với ánh mắt hằn học, căm ghét, luôn gây sự và đôi lần còn nói muốn tự tử.

Với gương mặt thẫn thờ, mệt mỏi, chị T. kể trong nước mắt: “Tôi cưng chiều con từ nhỏ. Con đòi bất cứ thứ gì tôi đều đáp ứng để mong con được vui vẻ, hạnh phúc. Khi con lớn hơn tôi tạo mọi điều kiện cho con học tập. Tôi cho con học ở trường quốc tế dù phải đóng rất nhiều tiền. Gần đây, ba cháu bị ung thư giai đoạn cuối, kinh tế gia đình một tay tôi lo liệu, có lúc tôi không thể đáp ứng được những đòi hỏi của cháu. Vậy là cháu giận dỗi…”.

Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận nhiều trẻ 2 tuổi chưa nói được, trẻ 6 tuổi vẫn không thể tự xúc ăn, 16 tuổi vẫn bám riết lấy mẹ…

Khoa cũng tiếp nhiều bậc phụ huynh đau khổ, bất lực trước những hành vi bất thường của trẻ như đánh, cắn mẹ, ném đồ chơi hay đồ vật, ăn vạ, đòi tự tử, dễ dàng bùng nổ khi yêu cầu không được giải quyết ngay, luôn muốn điều khiển người khác…

Bác sĩ Quỳnh Trang cho biết đây là những dấu hiệu của hội chứng con cưng.

Dễ rơi vào trầm cảm

TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết hội chứng con cưng là một rối nhiễu tâm lý.

Khi trẻ luôn được cưng chiều quá mức, không hình thành được các giới hạn về hành vi, không muốn tuân thủ các chuẩn mực xã hội, khi gặp khó khăn sẽ không kiểm soát được cảm xúc và có những hành vi bất thường.

Những trẻ này sẽ phát triển theo hai xu hướng: mất tự tin, nhút nhát hoặc hay gây hấn người khác.

Trái với suy nghĩ của các bậc cha mẹ là con mình sẽ hạnh phúc khi được cưng chiều, những trẻ được chiều chuộng quá mức khi lớn lên đều có sức chịu đựng kém, khó khăn trong giao tiếp, dễ rơi vào trầm cảm, khó thành công, hạnh phúc trong cuộc sống.

Bác sĩ Quỳnh Trang cũng cho rằng những trẻ được cưng chiều quá mức không sung sướng, hạnh phúc như nhiều bậc cha mẹ mong muốn.

Cũng không phải là trẻ cố ý hư lì mà những trẻ này rất đáng thương, bởi trẻ cần được yêu thương tích cực để lớn lên thay vì được đáp ứng mọi yêu cầu, có khi không cần thiết sẽ làm chúng không lớn nổi. Bảo bọc quá mức, cha mẹ đã tước mất quá trình khám phá thế giới của trẻ.

Thay vì trẻ cần tập đi để bước vững vàng trên đôi chân của mình thì người lớn lại luôn bế trẻ trên tay; trẻ cần tập xúc ăn thì người lớn lại luôn đút cho trẻ ăn; trẻ té vì những chướng ngại vật để tập dần với những khó khăn trong cuộc sống thì người lớn lại “đánh” các chướng ngại vật, đổ lỗi cho chướng ngại vật đã làm trẻ té ngã mà không dạy trẻ biết cách tránh để không bị té đau; trẻ cần được tập xa dần vòng tay của cha mẹ thì cha mẹ lại luôn ôm chặt trẻ trong vòng tay của mình…

Theo bác sĩ Quỳnh Trang, trẻ bị hội chứng con cưng có xu hướng tăng khi gia đình ngày càng ít con.

Trẻ được cưng chiều quá mức thường là con trai, cháu đích tôn trong gia đình, con quý (điều trị vô sinh mãi mới có con).

Thực tế cho thấy không chỉ những gia đình giàu có mới cưng con mà nhiều gia đình điều kiện kinh tế trung bình cũng cưng con quá mức, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước đây thiếu thốn vất vả, không có điều kiện học hành nên muốn con có được mọi thứ để bù đắp.

Bác sĩ Quỳnh Trang cho rằng cần khám và điều trị tâm lý cho cả gia đình trẻ bị hội chứng con cưng, giúp cha mẹ nhận biết vai trò quan trọng của mình về việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Cha mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng, chiều cao của trẻ, mà cần chú ý đến khả năng hiểu biết, ngôn ngữ diễn đạt cũng như khả năng chơi đùa, kết bạn và thích nghi với môi trường mới lạ.

Cha mẹ cần đặt ra những giới hạn và giải thích cho trẻ biết những điều không được làm và khuyến khích điều trẻ được phép làm, từ đó giúp trẻ thay thế những hành vi không phù hợp bằng những hành vi phù hợp để học hỏi vượt qua những thử thách của lứa tuổi.

“Yêu thương trẻ đúng cách sẽ giúp trẻ cảm thấy luôn an toàn, khám phá, tự lập học hỏi và thích nghi tốt để lớn lên” – bác sĩ Quỳnh Trang nhấn mạnh.