13/01/2025

Nếu được chọn, không chọn môn văn

Chủ trương của ngành giáo dục xem môn văn là cần thiết nên bắt buộc thí sinh phải thi trong các kỳ thi quan trọng. Trong khi đó, đối với nhiều học sinh, nếu được lựa chọn sẽ không chọn môn văn.

 

Nếu được chọn, không chọn môn văn

Chủ trương của ngành giáo dục xem môn văn là cần thiết nên bắt buộc thí sinh phải thi trong các kỳ thi quan trọng. Trong khi đó, đối với nhiều học sinh, nếu được lựa chọn sẽ không chọn môn văn.

 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ học môn văn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Bắt buộc phải thi

 

 
 

Thăm dò ý kiến của học sinh lớp 12, nhiều học sinh cho rằng nếu cho em được lựa chọn môn thi để dự kỳ thi quốc gia thì không chọn môn văn

 
 
 

 

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết theo quy định, mỗi tổ hợp 3 môn xét tuyển vào ĐH phải có ít nhất một trong 2 môn bắt buộc là toán hoặc văn. Vì vậy, theo thống kê đề án tuyển sinh 2015 của hơn 300 trường ĐH, CĐ, môn thi được các trường lựa chọn nhiều nhất là toán và văn.

Trong phương án tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2015 vừa công bố, đến 15 ngành đào tạo có sự xuất hiện của môn văn, ngoài khối D cũ. Một số trường ĐH phía nam đã đưa môn văn vào xét tuyển cho các ngành kỹ thuật. Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đưa môn văn vào tổ hợp các môn để xét tuyển khoa vật lý…

Như vậy, trên thực tế các trường đã bắt đầu quan tâm đến tầm quan trọng của môn văn. Nhưng dư luận xã hội và đối tượng chính là thí sinh còn chưa thuận lòng, vẫn xem như bị ép buộc, vẫn còn nhìn môn văn với một khoảng cách…

Thăm dò ý kiến của học sinh lớp 12, nhiều học sinh cho rằng nếu cho em được lựa chọn môn thi để dự kỳ thi quốc gia thì không chọn môn văn. Nhiều học sinh chọn thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH theo khối mình chọn có yêu cầu môn văn. Học sinh chọn xét tuyển vào ĐH khối A, khối B thì hầu như quay lưng với môn văn.

Dạy văn chưa đạt, dạy ngữ cũng chưa xong

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên. Do quan niệm đã hằn in trong suy nghĩ của mọi người từ trước đến nay rằng đây là môn không khoa học, thiếu thực tế, thiếu chính xác… Vì thế cả phụ huynh và học sinh đều không xem trọng, chỉ thật sự đầu tư môn văn khi chọn khối thi vào ĐH có môn này… Với cách ứng xử như thế, môn văn chỉ được xem là môn phải học để thi chứ chưa phải là môn cần phải học vì những hữu ích cần có của nó.

Điều này cũng là hệ lụy của cả một quá trình thi cử. Trước năm 2014, đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh quá chú trọng yêu cầu làm văn, không có phần đọc hiểu (phần ngữ). Vì vậy khi dạy và học ở THPT, phần kiến thức về ngữ (tiếng Việt) ít được giáo viên và học sinh quan tâm. Hệ quả là môn văn bị đẩy ra xa hơn với thực tế cuộc sống.

Sau nhiều lần thay đổi chương trình – sách giáo khoa, môn văn vẫn chưa cho thấy được ích lợi cần thiết của nó, vẫn còn nặng về nhiều mục đích khác. Chẳng hạn 2 mục đích chính của môn văn là bồi dưỡng tâm hồn và rèn luyện kỹ năng ứng dụng xã hội chưa được phát huy triệt để. Có học sinh cho rằng thay vì học văn thì học sử thích hơn, vì nhiều bài học văn nhưng toàn bàn chuyện sử, mà không cụ thể, sinh động bằng sử. Kỹ năng ứng dụng xã hội của môn văn cũng chưa được học trò ý thức đầy đủ. Những nhắc nhở về luyện rèn chữ viết thì được ỷ lại vào công cụ bàn phím, những kỹ năng tạo lập văn bản thì có biện hộ vào mẫu sẵn…

Ngoài ra, còn những bất cập của dạy và học, giữa chương trình và sách giáo khoa, giữa văn học với cuộc sống… Bao nhiêu tác giả có tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa vẫn sống sờ sờ ra đấy mà chẳng bao giờ giáo viên và học sinh được gặp mặt. Người dạy, người học tác phẩm dường như có một khoảng cách với chính cuộc đời của tác giả. Việc học văn càng quá xa rời đời thực.    

Việc đưa môn văn là một trong những môn bắt buộc trong kỳ thi quốc gia, là môn cốt lõi để xét tuyển vào ĐH, CĐ hy vọng sẽ là động lực để thay đổi việc dạy và học, thiết kế chương trình giúp môn học này trở về đúng vị trí của nó, xóa đi những nghịch lý tồn tại lâu nay.

 

Văn học phải gắn liền với cuộc sống

 

Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát nhanh với một số học sinh lớp 12 tại Q.1, Q.4 (TP.HCM). Các học sinh đều mong muốn phải có thay đổi trong cách dạy, học môn văn.

Học sinh H.T.A, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), muốn giáo viên áp dụng công nghệ thông tin, chẳng hạn như sử dụng giáo án điện tử trong tiết dạy. Như vậy, thực tế cuộc sống sẽ được đưa vào bài giảng chứ không đơn thuần là kiến thức trong sách giáo khoa.

Lấy ví dụ cụ thể từ bài giảng, theo nhóm học sinh một trường THPT tại Q.1, từ những kiến thức cơ bản, giáo viên phải khuyến khích học sinh tư duy, truyền cảm hứng để học sinh tự suy nghĩ và làm bài văn theo cách riêng của mình. Từ những kiến thức cơ bản, giáo viên nên kết hợp  mở rộng đến các vấn đề liên quan trong cuộc sống. Ví dụ, khi học đến bài thơ nói về Việt Bắc thì giáo viên nói rõ về vùng đất này cùng với những đặc trưng của nó.

Học viên N.H.P, Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.4, thẳng thắn: “Học sinh có hào hứng với môn ngữ văn hay không phụ thuộc vào chính cách dạy của giáo viên. Nếu giáo viên cứ giảng theo kiểu máy móc, khô khan, không áp dụng thực tế thì càng làm cho học sinh khó tiếp thu”. Từ đó, học viên này cho rằng học sinh rất thích hình thức học theo nhóm. Tức là giáo viên đưa ra tác phẩm, yêu cầu học sinh tự tìm hiểu với nhau về nghệ thuật, nội dung… Có như vậy mới đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều để hiểu, để tìm ra đáp án mới biết được cái hay và hứng thú học tập…

B.THANH

 

 

Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)