Chống tham nhũng chưa thoả mãn lòng dân
Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
Chống tham nhũng chưa thoả mãn lòng dân
Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.
|
Trả lời Thanh Niên xung quanh nội dung này, ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ, bày tỏ: “Muốn chống tham nhũng tốt thì phải có cán bộ tốt, nếu không thì đừng nói chống làm gì cho mệt”.
Chống tham nhũng kỳ vọng nhiều vào các lực lượng chuyên trách nhưng báo cáo của Chính phủ nhiều năm cho thấy việc phát hiện tham nhũng từ các cơ quan thanh tra, kiểm toán rất ít, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
|
Từng làm công tác thanh tra tôi biết, thanh tra cũng cố gắng tìm ra cái sai và xử lý nhưng mà không phải dễ đâu, một là do trình độ chưa đủ, thanh tra không phải chuyên sâu như điều tra, thứ nữa còn có những vướng mắc khác như thể chế, thậm chí không loại trừ cả việc móc nối, thanh tra dính vào lao lý cũng đã có rồi. Tôi cho rằng cơ quan chuyên trách chưa đủ mà phải có sự đồng thuận chung với các cơ quan khác trong xử lý vụ việc. Khi phát hiện ra một vụ tham nhũng thì cơ quan tố tụng làm gì, xử lý ra sao, bao nhiêu việc thanh tra kiến nghị lên được giải quyết ra sao, bao nhiêu vụ việc chìm xuồng, chìm ở cơ quan nào, chuyện này là có. Vậy ngoài cơ quan chức năng ra thì người dân cần làm gì? Nhiều đời tổng bí thư nói rồi, toàn dân tích cực tham gia chống tham nhũng. Điều này là đúng rồi nhưng muốn để toàn dân tham gia thì dân phải được giám sát hoạt động các cơ quan đó, và tiếng nói của họ phải có trọng lượng thực sự. Bây giờ thử hỏi buổi tiếp xúc cử tri của các ĐB Quốc hội (QH) xuống các vùng miền khi về đến QH là bao nhiêu phần trăm, thực thi là bao nhiêu phần trăm, phải rõ được như thế.
Phải nảy mầm mới
Nhiều cơ quan cùng tham gia thì lại sợ tình trạng “cha chung không ai khóc”, thưa ông?
Bản chất câu chuyện hiệu quả trong chống tham nhũng của chúng ta hiện nay không phải là lực lượng chuyên trách mà là công tác cán bộ, tức là vấn đề con người. Nếu như tầng lớp cán bộ nào đó mà suy thoái, thiếu đạo đức, kém phẩm hạnh, không có năng lực chuyên môn thì dù có muốn dời bể thế nào cũng không chống tham nhũng được.
|
Vậy theo ông quan chức chúng ta có tốt không?
Cái đó nên để dư luận nhân dân đánh giá ai tốt ai xấu và cần làm gì cho tốt, tôi không muốn trả lời câu hỏi này nhưng có liên tưởng rằng một vườn rau khi bị sâu hại không ăn được, cho heo ăn cũng còn chê thì nên cắt đi, chăm bẵm cho tốt để nảy mầm mới, đó mới là mầm non, mầm tốt có ích.
Một số vụ tham nhũng lớn vừa được xét xử mức án cao nhất, điều đó đã đủ cho người dân thấy thái độ kiên quyết của Đảng, Nhà nước?
Tôi vẫn sợ là chưa thỏa mãn lòng dân, phải hiểu rằng sự mơ ước của dân là vô cùng, cũng là để cho xã hội tốt đẹp lên. Nhưng chính người dân cũng chưa làm tốt phần việc của mình. Tôi muốn nói về vấn đề pháp lý hai mặt ở đây, cán bộ chưa làm tốt công tác pháp luật và người dân cũng chưa thông hiểu để thực thi pháp luật cho đúng. Cho nên trách nhiệm ở cả hai phía. Người dân phải hiểu luật pháp để giám sát cơ quan công quyền, ngược lại, cơ quan công quyền phải tuyển chọn người hiểu luật pháp, thông thạo chuyên môn, có tâm có đức. Phải từ hai phía, một bàn tay vỗ không nên tiếng, một thể chế chính trị có đầy đủ luật pháp tốt nhưng người dân không hiểu luật pháp thì không thể giải quyết được vấn đề.
Chưa bầu cử đã biết ai là bí thư, chủ tịch !
Nhưng để người dân tham gia chống tham nhũng thì phải có cơ chế chính sách rõ ràng, đã có không ít người tố cáo bị trù dập, đe dọa, khen thưởng khuyến khích dân cũng chưa có?
Chúng ta đừng kỳ vọng viển vông vào những chính sách như thế, cơ chế là do con người làm ra và thực hiện. Anh có cơ chế tốt mà người thực hiện không tốt thì cũng hỏng như thường. Vấn đề cán bộ, tổ chức mới là vấn đề chính, có thể luật pháp chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, có thể dân chưa biết đi bên phải, sang đường phải nhìn bên phải trước, bên trái sau, nhưng bằng những hoạt động của công chức phải làm cho người dân hiểu rõ những điều đó. Do đó, điều tôi muốn nói là cơ quan công quyền, tổ chức cán bộ là mấu chốt của phòng chống tham nhũng, chỉ có cán bộ mới tham nhũng cho nên phải giải quyết cái đó trước. Còn người dân giữa vai trò giám sát, lên tiếng, phản đối, ví dụ 10 người xếp hàng mà 1 người chen ngang lên đưa tiền cho người bán hàng để được mua trước nhưng cả 9 người không đồng ý thì phải thôi chứ.
Giải pháp chống tham nhũng hiệu quả từ khâu cán bộ như ông nói có vẻ quá lớn, quá vĩ mô?
Chẳng có gì là lớn cả, phải coi đó là khâu đột phá, cứ làm từ phường xã, từ cơ sở đi lên, phải tăng cường giám sát người dân, bầu cử như thế nào, không thể để cách làm hiện nay, chưa bầu cử đã biết ai là bí thư, chủ tịch.
Chúng ta phải hiểu nếu làm không tốt để xã hội xáo trộn thì đó là lỗi của chúng ta, kẻ thù chúng ta sẽ ủng hộ chuyện đó. Để ngăn chặn, chúng ta phải đảm bảo ổn định chính trị, không để bất đồng, giữa dân với dân, dân với chính quyền xảy ra trong xã hội, đó mới là điều quan trọng. Dân chúng đòi hỏi chúng ta nhìn nhận vấn đề đó rất nghiêm túc, nếu không hiểu điều đó mà đổ chuyện này chuyện kia thì rất khó. Dân đi tụ tập phản đối ông A, ông B, nơi này, nơi kia tham nhũng, thậm chí kéo lên T.Ư, tôi nhìn nhận đó là còn may vì họ còn có lòng tin vào Đảng, vào T.Ư, đâu đó vẫn còn người ủng hộ. Nếu dân còn tin vào T.Ư thì đó là sự may mắn để hiểu rằng dân còn có lòng tin vào sự công bằng dân chủ mà ta đang phấn đấu, xin các vị đừng phụ lòng dân.
Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13 Hôm nay 20.10, kỳ họp thứ 8, QH khoá 13 khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức tại toà nhà QH mới vừa được hoàn thiện và dự kiến diễn ra đến ngày 28.11 với 33 ngày làm việc chính thức. Theo chương trình, kỳ họp này có số lượng dự án luật, được QH thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp, nhiều nhất từ trước đến nay. Dự kiến QH sẽ dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng luật với việc xem xét thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. QH cũng sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Trong ngày làm việc đầu tiên, QH sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Bên cạnh đó, QH cũng nghe Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015, các báo cáo thẩm tra. Cùng ngày, QH sẽ nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật, tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các báo cáo liên quan. Trường Sơn |
Thái Sơn