14/01/2025

Cải cách kinh tế, chống tham nhũng

Hội nghị trung ương IV Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 20 đến 23-10 được kỳ vọng sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể về cải cách kinh tế và chống tham nhũng.

 

Cải cách kinh tế, chống tham nhũng

Hội nghị trung ương IV Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 20 đến 23-10 được kỳ vọng sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể về cải cách kinh tế và chống tham nhũng.

Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang - Ảnh: Reuters
Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang – Ảnh: Reuters

Các biện pháp bao gồm quyết định về số phận của cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.

Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, pháp trị trở thành chủ đề chính của Hội nghị trung ương Trung Quốc. Tân Hoa xã đưa tin dự kiến hội nghị lần này sẽ thông qua “quyết định quan trọng về việc thúc đẩy toàn diện pháp trị trong cả nước”.

Hội nghị tập trung vào việc “lấy luật trị nước” nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế, xây dựng chính quyền trong sạch, xã hội công bằng.

Theo đó, tất cả biện pháp cải cách kinh tế và chống tham nhũng sẽ được đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Báo Văn Hối bình luận việc thúc đẩy pháp trị sẽ giúp giải quyết các khúc mắc trong kinh doanh và sự mập mờ các quy định của nhà nước, giảm sự rủi ro cho doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc quy định chặt chẽ giới hạn quyền lực của nhà nước cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia các hoạt động kinh tế.

Động lực cho doanh nghiệp tư nhân

Dự báo của Ngân hàng BofA Merrill

Báo cáo của ngân hàng Mỹ BofA Merrill dự báo Hội nghị trung ương IV của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xoay quanh bốn vấn đề lớn.

Thứ nhất là cải cách tư pháp với mục tiêu tách tòa án khỏi chính quyền địa phương.

Thứ hai là cải cách hộ khẩu và đất đai.

Thứ ba là lập một hệ thống kiểm tra kỷ luật đảng độc lập hơn.

Thứ tư là cải cách tài khóa theo hướng minh bạch hóa ngân sách.

Viện trưởng Viện Cải cách và phát triển Trung Quốc Trì Phúc Lâm nhận định: “Đẩy mạnh pháp trị, điều cơ bản trong nền kinh tế thị trường, sẽ khuyến khích những đột phá trong lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng và sáng kiến kinh doanh”.

Theo ông Trì, tới năm 2020 nếu pháp trị có thể trở thành nền tảng trong mọi hoạt động của Trung Quốc thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữ vững tăng trưởng hằng năm ở mức 7%.

Tân Hoa xã cũng đánh giá các doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, rất mong mỏi cải cách pháp trị sẽ đem lại một môi trường kinh doanh công bằng và cởi mở.

Chính quyền Bắc Kinh đưa ra nhiều cải cách kinh tế kể từ khi kết thúc Hội nghị trung ương III. Dù vậy, việc thực hiện các biện pháp cải cách này vẫn chưa đủ nhanh. Sau Hội nghị trung ương IV, chính quyền được kỳ vọng sẽ tăng tốc hoàn thiện quy định pháp luật trong các lĩnh vực chứng khoán, thương mại và Internet.

Reuters dẫn lời một đặc sứ châu Âu có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết chính quyền Trung Quốc đã nhận thấy nếu không củng cố pháp trị, các cải cách kinh tế mà họ mong muốn thực hiện sẽ không thể thành công.

Thời Báo Hoàn Cầu cho biết các lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách tách tòa án địa phương ra khỏi quyền quản lý của chính quyền địa phương và đặt các tòa án này dưới quyền cơ quan tư pháp cao hơn.

Sẽ quyết định số phận Chu Vĩnh Khang

Giới truyền thông cũng nhận định Hội nghị trung ương IV sẽ đưa ra quyết định về số phận của “con hổ lớn” Chu Vĩnh Khang. Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra thời gian qua. Dư luận cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn dùng vụ án của ông Chu để thể hiện sự quyết tâm thực thi pháp trị của mình.

Việc khai trừ các nhân vật cấp cao thường được đưa ra tại các hội nghị trung ương. Năm 1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua báo cáo điều tra bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hi Đồng trong Hội nghị trung ương IV. Một năm sau, ông Trần bị khai trừ khỏi Đảng. Năm 1999, bí thư Tỉnh ủy Ninh Ba Hứa Vận Hồng bị khai trừ khỏi Đảng trong Hội nghị trung ương IV. Năm năm sau đó, cựu bộ trưởng đất đai và tài nguyên Điền Phượng Sơn cũng bị khai trừ.

“Theo quy trình của Đảng, kết quả điều tra các cán bộ cấp cao như Chu Vĩnh Khang sẽ được thảo luận tại cuộc họp ở cấp độ này” – báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời ông Chương Lập Phàm, nhà bình luận lịch sử và chính trị ở Bắc Kinh. Dù vậy, theo nhà phân tích này, hội nghị lần này sẽ không đề cập đến các cáo buộc cụ thể đối với ông Chu Vĩnh Khang.

Giáo sư Steve Tsang, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Nottingham (Anh), cho biết theo cách truyền thống, hội nghị sẽ khai trừ ông Chu vì vi phạm kỷ luật Đảng, sau đó giao vụ án trên cho bên công tố. Chuyên gia Trung Quốc Trịnh Vĩnh Niên đánh giá Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ nghĩ đến nhiệm kỳ của mình mà còn nghĩ đến vấn đề của 30 năm sau. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa ông Tập và những người tiền nhiệm.

Việc ông Chu và hơn 50 quan chức cấp thứ trưởng bị điều tra thời gian qua cho thấy quyết tâm tái thiết nhân sự của ông Tập. Nhiều dự đoán cho rằng phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang sẽ được đưa ra xét xử công khai như trường hợp cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai.