17/01/2025

Khổ vì bàn ghế… chuẩn

Năm học này, Sở GD-ĐT Phú Yên trang bị 500 bộ bàn ghế theo tiêu chuẩn mới cho Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Trước đó, Sở cũng đã trang bị cho 2 trường: Nguyễn Huệ (576 bộ) và Trần Quốc Tuấn (240 bộ). Tuy nhiên, các học sinh (HS) ở Trường chuyên Lương Văn Chánh cho rằng bàn ghế mới gây nhiều bất tiện.

 

Khổ vì bàn ghế… chuẩn

Rất nhiều học sinh và đại diện nhà trường ta thán về bàn ghế theo chuẩn… làm khổ học sinh.

 

Khổ vì bàn ghế... chuẩn 1
 Học sinh phàn nàn vì bất cập của bộ bàn ghế theo tiêu chuẩn mới của liên bộ – Ảnh: Đức Huy

 

Năm học này, Sở GD-ĐT Phú Yên trang bị 500 bộ bàn ghế theo tiêu chuẩn mới cho Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Trước đó, Sở cũng đã trang bị cho 2 trường: Nguyễn Huệ (576 bộ) và Trần Quốc Tuấn (240 bộ).

Tuy nhiên, các học sinh (HS) ở Trường chuyên Lương Văn Chánh cho rằng bàn ghế mới gây nhiều bất tiện. Em Dương Diễm Quỳnh, lớp 10 chuyên hoá, cho biết: “Bàn mới thấp, để chân bị vướng và mỏi. Hộc bàn thì không để được cặp sách, vì buổi sáng tụi em học 5 tiết, sách vở nhiều nên phải để cặp sách sau ghế”. Còn em Nguyễn Lê Thảo Vi, lớp 10 chuyên văn, đề nghị: Cần chỉnh sửa lại, để những đợt sau HS không phải dùng những bàn ghế khó chịu như vậy.

 

 
 

Nguyên nhân của bệnh cong vẹo cột sống

 

Theo kết quả Nghiên cứu về bệnh cong vẹo cột sống ở HS phổ thông Hà Nội – thực trạng và giải pháp can thiệp (cấp Bộ) của bác sĩ Trần Thị Mùi, Viện Nghiên cứu dân số và phát triển, Tổng cục Dân số, thì tỷ lệ mắc cong vẹo cột sống ở HS Hà Nội được nghiên cứu (tại 4 quận, huyện) là 18,9%. Đáng lưu ý, HS càng lớp trên càng bị cong vẹo cột sống nhiều hơn, cụ thể khối 1 là 17%, khối 5 là 17,6%, khối 9 là 22,2%. Bác sĩ Mùi cũng chỉ ra 2 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây cong vẹo cột sống là tư thế ngồi sai và bàn ghế không phù hợp với HS.

 

 

Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Giám đốc sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết Thông tư 26 ngày 16.6.2011 của Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn bàn ghế HS các cấp và đây là bộ chuẩn để các sở GD-ĐT tổ chức đóng. “Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện thì còn có những bất cập cần phải xem xét cho phù hợp”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, chuẩn quy định của bộ bàn ghế hiện nay đối với bậc THPT là mặt bàn rộng 50 cm, bàn cao 69 cm. Mặt bàn rộng 50 cm sẽ làm cho phòng học chật, vì phòng học hiện tại nhỏ so với tiêu chuẩn mới ban hành. Còn chiều cao của bàn chỉ 69 cm nên thấp, gây khó khăn cho các em khi viết, đặc biệt là những em cao.

Trường học phải tự thiết kế lại

Bàn ghế không đúng kích cỡ gây khó cho không ít HS và chính lãnh đạo các trường tiểu học, THCS, THPT ở Đà Nẵng. Theo lãnh đạo một trường tiểu học, mặc dù Bộ GD-ĐT lý giải trước khi thông tư này được ban hành đã được thử nghiệm và nhân trắc với HS, nhưng xem ra tiêu chuẩn mới này cũng vẫn quá lạc hậu. Điều đó dẫn đến hệ lụy là HS phải khom lưng ngồi học trên những bàn ghế được gọi là… quy chuẩn.

Cách đây 2 năm, rất nhiều lãnh đạo các trường tiểu học tại Đà Nẵng đã tự “cứu” HS của mình bằng việc đóng nối thêm chân bàn, ghế để HS có thể học tập phù hợp, như trường Trần Văn Ơn, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh…

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, mặc dù đã có nhiều kiến nghị về tiêu chuẩn bàn ghế, nhưng đến nay vẫn chưa sửa đổi. Nếu sửa đổi toàn bộ hệ thống bàn ghế thì chi phí là rất lớn. Ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã nhanh chóng yêu cầu các trường học khảo sát thể trạng của HS mình và tự sửa chữa bàn ghế theo đúng kích cỡ của HS. Tuy nhiên, ông Lê Trung Chinh cũng cho hay, kinh phí sửa chữa bàn ghế này là do mỗi trường tự cân đối từ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất hằng năm.

Cũng liên quan tới bàn ghế theo chuẩn, ngày 17.10, bà Lê Thị Bích Thu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, P.3, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu, cho biết bàn quá thấp, không phù hợp với HS ngồi học. Trong đó, có một số bàn chỉ cao 1 m nên HS khi ngồi bị vướng. Năm ngoái trường sắp xếp những bàn nhỏ, thấp để HS nhỏ con ngồi phía trước. Trường cũng đôn chân khoảng 50 bộ bàn, ghế bằng sắt ở hai lớp học cho phù hợp với HS.

Không quy định cấu trúc thiết kế

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hùng Anh, Phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất trường học, Bộ GD-ĐT cho biết: Sau khi có phản ánh về việc bàn ghế theo quy chuẩn mới không phù hợp thì Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn các địa phương. Thực ra không phải quy định cứng như vậy nhưng các địa phương vận dụng tương đối máy móc, thiếu linh hoạt. Từ sau khi có công văn của Bộ, các địa phương đã vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hơn.

 

Khổ vì bàn ghế... chuẩn 2
Một số trường học tại Đà Nẵng phải tự bỏ kinh phí để sửa bàn ghế… chuẩn – Ảnh: Diệu Hiền

 

Công văn này còn nêu rõ: Không quy định cấu trúc thiết kế của ngăn bàn mà chỉ quy định. “Bàn phải bố trí chỗ để đồ dùng học tập cho phù hợp với cấu trúc của thiết kế”, vì vậy việc thiết kế ngăn bàn vướng chân HS có hai khả năng xảy ra như khoảng cách ngăn bàn với mặt bàn rộng, mặt ngăn bàn rộng bằng với mặt bàn. Khi thiết kế cần lưu ý vấn đề này.

 

Ý kiến

Thực tế, sự phát triển thể chất của một số HS nhỉnh hơn so với quy định về chiều cao bàn và ghế chuẩn. Vì vậy để phù hợp với thể trạng của HS, trường vẫn lấy quy chuẩn của Bộ, nhưng thiết kế bàn ghế có tăng đơ để có thể điều chỉnh cho các em thoải mái khi ngồi học.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM)

Lẽ ra, chỉ cần một nghiên cứu khoa học, chúng ta biết được chỉ số phát triển thể trạng của trẻ em theo chu kỳ nhất định là bao nhiêu. Khi đã có tỷ lệ cụ thể thì chúng ta dư sức đưa ra quy chuẩn mới thay cho quy chuẩn cũ lỗi thời.

Ông Trần Tâm
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Đống Đa, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Với những HS lớp 1 có chiều cao phát triển, chúng tôi cho dùng bàn ghế cỡ số II, HS lớp 2 có chiều cao phát triển tốt thì dùng cỡ số III. Vì vậy trong vài lớp bàn ghế có sự chênh lệch về kích cỡ chứ không đồng bộ hết”.

Bà Phạm Thúy Hà
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM)

B.Thanh – Minh Luân

 

 

Đ.Huy – T.Nguyễn – D.Hiền – T.T.Phong