Dệt may ‘lượm’ bạc cắc
Tại nội địa, dệt may luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Ra khỏi biên giới, VN là một trong 10 nước xuất khẩu dệt maylớn nhất thế giới. Nhưng bên trong “vóc dáng” hoành tráng này là một thể lực còm cõi với lợi nhuận ít ỏi và năng lực cạnh tranh ngày một kém.
Dệt may ‘lượm’ bạc cắc
Tại nội địa, dệt may luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Ra khỏi biên giới, VN là một trong 10 nước xuất khẩu dệt maylớn nhất thế giới. Nhưng bên trong “vóc dáng” hoành tráng này là một thể lực còm cõi với lợi nhuận ít ỏi và năng lực cạnh tranh ngày một kém.
|
Hưởng 20 cent trong giá bán 80 USD/sản phẩm
Tại Mỹ, châu Âu hay Nhật, một chiếc quần của các thương hiệu như Zara, H&M, Mango, Uniqlo hay Levi’s có giá bình quân từ 50 – 80 USD. Khá nhiều trong số đó được gắn nhãn “made in VN” và đây là niềm tự hào của nhiều người VN khi ra nước ngoài.
|
Thế nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất ra cái quần đó tại nội địa chỉ nhận được từ 1,6 – 2,2 USD/sản phẩm. Nhưng không phải là họ hưởng trọn. Nếu trừ đi tiền công, chi phí điện, nước, thuê đất, vận chuyển… lợi nhuận ròng mà các DN hưởng trên giá bán từ 50 – 80 USD/quần nói trên chỉ là… 20 cent. Đây là lý do, dù có thâm niên gần 2 thập niên đóng vai “người khổng lồ” trong thành tích xuất khẩu của VN nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới, dệt may VN vẫn nằm ở đáy trong chuỗi giá trị của ngành này.
Nguyên nhân của nghịch lý này là do chúng ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên vật liệu. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may được 15,5 tỉ USD nhưng nhập khẩu bông, xơ, sợi, vải và nguyên phụ liệu các loại lên đến gần 11 tỉ USD. Với “thể trạng” như vậy, 70% trong tổng số 4.000 DN dệt may hiện nay là làm gia công. Nghĩa là đối tác đưa mẫu, đưa chỉ, đưa khuy, đưa dây kéo, móc khóa, đưa vải… DN trong nước chỉ việc “ráp” lại thành quần, áo rồi trả lại người ta và nhận tiền công. Nói một cách dễ hiểu là lấy công làm lời. Số DN còn lại nói là sản xuất FOB (mua nguyên phụ liệu sản xuất theo đơn hàng) nhưng đa số cũng không được tự chủ hoàn toàn về nguồn nguyên phụ liệu nên giá trị thu về cũng chỉ cao hơn giá gia công khoảng 10%.
Đáng nói là vấn đề này đã được đặt ra hàng chục năm nay nhưng vì đủ mọi lý do, ngành dệt may trong nước đến giờ vẫn thế. Vẫn là “người khổng lổ” về thâm dụng lao động nhưng “tí hon” về giá trị gia tăng. Chính sự an phận làm gia công thuần túy của nhiều DN trong nước đã tạo thời cơ cho các DN nước ngoài nhảy vào khai thác cơ hội, lợi thế từ việc VN gia nhập các hiệp định thương mại trong khu vực và trên thế giới. Từ tỷ lệ gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trước đó, hiện nay, tỷ trọng của DN FDI trong ngành dệt may đã tăng lên khoảng 60 – 65%. Đặc biệt, trong vòng 2 năm qua, hàng loạt dự án mới hoặc mở rộng của nhiều DN đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… ồ ạt được triển khai tại thị trường nội địa. Cùng với đó là số lượng DN may trong nước đóng cửa tiếp tục gia tăng. Các DN FDI đã trở thành mối nguy cho các DN may nội trong việc cạnh tranh thu hút đơn hàng và nhân công.
Từ “rỗng” về nguyên liệu, thành tích xuất khẩu của ngành dệt may trong nước chủ yếu do các DN ngoại.
Chỉ làm cái đơn giản
Theo ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sài Gòn (Garmex) – các khách hàng nước ngoài luôn khen công nhân VN khéo tay, đảm bảo thực hiện được những sản phẩm có nhiều chi tiết, chất lượng cao, giá cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn và cũng ít bị cạnh tranh hơn. Ví dụ giá gia công áo thun đơn giản chỉ khoảng 1,5 USD/cái thì một áo jacket có giá gia công đến 5 – 7 USD/cái và thậm chí có những sản phẩm có đơn giá trên 10 USD/cái. Bởi một áo thun chỉ có vài chục chi tiết thì một áo jacket có đến 300 – 400 chi tiết, độ khó cao nên yêu cầu công nhân có tay nghề và kinh nghiệm… DN làm áo thun đơn giản thì chỗ nào cũng có nhưng số DN làm được áo jacket nhiều lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, dù có tay nghề, chúng ta lại không nắm được cơ hội này.
Lý do theo ông Hùng, những đơn hàng kỹ thuật cao yêu cầu mỗi dây chuyền phải có nhiều lao động, do đó quy mô của DN phải đủ lớn để thực hiện. Bên cạnh đó, thay vì gửi sản phẩm hoàn chỉnh khi đặt hàng như trước thì hiện nay khách hàng chỉ email gửi phác họa kèm theo thông số để DN tự làm ra sản phẩm. Vì thế, nhà sản xuất cần phải có đội ngũ kỹ thuật biết thiết kế. Nhưng đa số các DN may trong nước chỉ dừng ở quy mô vừa và nhỏ, đầu tư thiết bị hay đội ngũ kỹ thuật đều vượt quá tầm tay nên đành đứng ngoài thị phần ngon ăn này, tiếp tục kiếp gia công.
Thực tế này cũng được nhiều DN thừa nhận. DN có khát vọng thì thiếu vốn; DN có vốn thì an phận làm gia công cho “an toàn”; DN thay đổi tư duy lấy công làm lời thì gặp thời buổi khó khăn… Vì nhiều lý do, ngành dệt may vẫn chỉ tăng tốc về số lượng, kim ngạch xuất khẩu nhưng thụt lùi về lợi nhuận, giá trị gia tăng trên các sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, các công ty sản xuất hàng dệt may ở VN chỉ có mỗi việc là sản xuất theo đơn đặt hàng nên giá trị gia tăng rất thấp là điều tất yếu. Hàm lượng nội địa trong sản phẩm dệt may VN hiện chỉ khoảng 25%, nhưng nếu tham gia Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương, tỷ lệ này phải tăng lên 70%. “Để thay đổi hiện trạng của ngành dệt may, cần phải có lộ trình dài và nỗ lực liên tục để nâng cao trình độ, như tự vẽ mẫu thiết kế, tiếp thị hiệu quả, DN phải có thương hiệu, không phải cứ chấp nhận phận gia công như hàng chục năm nay”, ông Doanh phát biểu.
Sẽ khó tồn tại nếu làm gia công thuần túy
Trong một hội thảo gần đây, ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hội Dệt may VN, nhận định: Giá lao động tại VN đang trên đà tăng và có thể sẽ lên đến 500 USD/tháng/người (tính cả thưởng tết, bảo hiểm xã hội…) tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Với đà tăng đó, khả năng trong vòng 3 – 5 năm tới các DN sẽ khó tồn tại nếu chỉ làm gia công thuần túy. Vì vậy dù muốn hay không, theo xu thế, DN vẫn phải đẩy mạnh giá trị gia tăng cho hàng hóa, bằng cách đẩy mạnh FOB, hướng đến những hình thức mang lại giá trị gia tăng cao hơn…
|
Mai Phương – Trần Tâm