13/01/2025

Để gần hơn nữa với con

Mới hôm nào còn “mẹ mẹ con con”, thoắt cái đứa con bỗng dưng trở nên lầm lì, ương bướng, cãi lý, khó gần… khiến cha mẹ không khỏi lúng túng.

 Để gần hơn nữa với con

Mới hôm nào còn “mẹ mẹ con con”, thoắt cái đứa con bỗng dưng trở nên lầm lì, ương bướng, cãi lý, khó gần… khiến cha mẹ không khỏi lúng túng.

Có một khoảng cách vô hình không dễ rút ngắn giữa cha mẹ và con cái tuổi teen.

Trong buổi to đàm “Rút ngắn khoảng cách cha mẹ – con cái” tại một trường THCS – THPT ở quận Bình Tân, TP.HCM mới đây, chị Hồng Thắm cho biết lúc trước con trai chị chuyện gì cũng tâm sự với mẹ, nhưng mấy tháng nay quay ngoắt 180 độ.

Chị chủ động hỏi chuyện trường lớp nhưng cậu bé nói “hổng có gì cả”. Lúc trước, cứ cuối tuần là ôm gối sang ngủ cùng phòng với ba mẹ, nhưng giờ thì từ chối “con chỉ thích ngủ một mình”. Hỏi trong người có gì khác lạ, con trai trả lời “bí mật của con trai nên con không nói đâu”.

Một bà mẹ khác cũng than thở chuyện cậu con trai học lớp 9 của mình chẳng những “làm mặt lạnh” mà có khi còn tỏ ra xem thường cha mẹ vì nhiều lần trước đó vợ chồng chị không giải đáp được những câu hỏi của con. Chưa hết, cậu trò bắt đầu nói dối.

Không chỉ các bà mẹ, các ông bố cũng bị con trai “tẩy chay”. Một ông bố kể biết con hay lên Facebook, anh cũng vào kết bạn, sau thời gian thì “lộ” nên con nghỉ chơi với ba trên Facebook.

Không còn cách nào khác, vợ chồng anh bèn lén xem nhật ký của con và con anh giận dữ xé nát cuốn nhật ký. “Thằng bé mở cửa đón cả thế giới vào Facebook của nó, ngoại trừ ba nó. Chắc nó thấy ba chưa thành tâm, vào với ý đồ này nọ chứ gì” – một ông bố khác bình luận.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng khoảng cách giữa cha mẹ với con tuổi teen là đương nhiên do luôn có sự chênh lệch và khác biệt về tuổi tác, vốn sống, điều kiện sống, nền tảng giáo dục được thừa hưởng…

“Giá trị sống thay đổi kéo theo sự thay đổi và khác biệt trong suy nghĩ”, bà Hồng phân tích.

Chẳng hạn người lớn có thể nghĩ rằng “học mới thành tài” nhưng con trẻ có khi không nghĩ thế, mà bằng chứng là không ít người đâu học nhiều cũng tài đấy thôi. Cho nên ngày nay thuyết phục được con trẻ không dễ, nhưng nếu áp đặt trẻ sẽ gây xung đột và tạo ra thêm khoảng cách với con.

Một yếu tố khác nối dài thêm khoảng cách cha mẹ – con cái chính là sự hấp dẫn của thiết bị công nghệ. Con người hiện đại ngày càng lệ thuộc công nghệ nên có tình trạng “gặp nhau làm ngơ” khiến ngay cả cha mẹ – con cái cũng “tuy gần mà xa”.

“Con trẻ cần gì cứ tìm trên mạng hoặc hỏi bạn bè chứ đâu nhất thiết hỏi ý kiến cha mẹ như trước”, bà Hồng nói.

Ở góc độ trực tiếp hơn, việc cha mẹ thiếu tin tưởng dẫn đến kiểm soát con trẻ cũng tạo ra khoảng cách. Thương con, lo cho con, muốn con tốt nên cha mẹ áp đặt luôn suy nghĩ, kinh nghiệm của mình chứ không hỏi ý kiến con.

Thế nhưng, có thật là cái gì của cha mẹ cũng tốt, cũng đúng? Bà Hồng phân tích: “Cha mẹ cần thận trọng, vì cái mình nghĩ là đúng có khi chỉ đúng với thời trước chứ chưa hẳn phù hợp với xã hội ngày nay”.

Nhưng gây căng thẳng kéo dài trong nhà chính là việc nhiều cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao khiến con cái phải khổ sở chạy theo cái mình không muốn.

Không chỉ vậy, nhiều cha mẹ còn mắc bệnh thành tích. Một nguyên nhân khác là việc nhiều cha mẹ không được trang bị kiến thức làm cha mẹ trước khi… làm cha mẹ nên khi gặp chuyện họ hoặc lúng túng không biết giải quyết thế nào, hoặc làm theo cách “thử và sai” khiến con cái phản ứng.

Thật ra, việc cha mẹ có khoảng cách với con tuổi teen là bình thường, nhưng vì không được trang bị kiến thức tâm lý nên họ cảm thấy bức xúc. Nếu con cái cứ bám riết cha mẹ thì mãi là trẻ con.

“Cứ để con tự bước đi, nếu có vấp ngã cũng được bài học kinh nghiệm để lớn lên, cha mẹ chỉ là người đồng hành hỗ trợ”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Bích Hồng, muốn cho con biết quan tâm người khác và cởi mở hơn với cha mẹ thì người lớn cần trở thành “người mẫu” cứ thế làm theo. Xa hơn, cần chủ động và sẵn sàng làm người bạn đáng tin cậy để con bộc bạch tâm tình.

Cha mẹ cũng cần là tấm gương sống cân bằng giữa gia đình và công việc, khi đó mới “đủ tư cách” dạy trẻ cân bằng học – chơi – làm việc nhà.

“Chất lượng hơn số lượng”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng đã cho biết như thế. Về với con, cha mẹ nên quẳng hết mọi thứ bên ngoài. Nhưng quan trọng nhất là việc định hướng giá trị.

Cha mẹ phải thống nhất: thật sự mình muốn con sau này thế nào. Không chỉ chọn lựa, cha mẹ buộc phải hành xử theo các giá trị sống tích cực đó để con noi theo. Chẳng hạn, cha mẹ không thể một mặt dạy con giá trị trung thực, mặt khác lại nói dối như cuội.

THÁI BÌNH