Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C… tụt dốc: Tồn tại hay không tồn tại?
Nhiều nhà tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực cho rằng đã đến lúc cần “khai tử” hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C vì không thực chất, không đáp ứng yêu cầu thực tế và xu hướng phát triển của xã hội. Ngược lại cũng có nhiều ý kiến khẳng định cần duy trì hệ thống chứng chỉ này, nhưng phải có sự điều chỉnh.
Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C… tụt dốc: Tồn tại hay không tồn tại?
Nhiều nhà tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực cho rằng đã đến lúc cần “khai tử” hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C vì không thực chất, không đáp ứng yêu cầu thực tế và xu hướng phát triển của xã hội. Ngược lại cũng có nhiều ý kiến khẳng định cần duy trì hệ thống chứng chỉ này, nhưng phải có sự điều chỉnh.
|
Đi ngược xu thế chung
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ chính sách công và là giảng viên chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, thẳng thắn khẳng định: “Việc tiếp tục sử dụng những chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C là đi ngược xu thế phát triển chung. Tôi cho rằng các loại chứng chỉ này hiện đã lỗi thời, chất lượng không đáng tin cậy, cần phải bỏ hẳn”.
Theo ông Du, thực tế việc học để lấy các chứng chỉ A, B, C rất dễ. Tuy có học nhưng không ra học, có tổ chức thi nhưng không ra tổ chức thi. Điều này gây tình trạng tốn kém và lãng phí lớn về nguồn lực, cơ sở vật chất đổ ra cho các kỳ thi. Đặc biệt, điều nguy hiểm nhất là các loại chứng chỉ không đánh giá được chất lượng này đã và đang là tiêu chí xét tuyển nguồn nhân lực một cách không minh bạch. Chính điều đó rất dễ dẫn đến tiêu cực, trắng đen lẫn lộn, người giỏi cảm thấy không tâm phục khẩu phục do việc đánh giá nguồn nhân lực không dựa vào thực lực của mỗi người. Trong khi đó, trên thế giới đã có thước đo, bộ lọc mang tính chuẩn xác cao, đó là những bằng cấp tiêu chuẩn quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS… Tại sao chúng ta không sử dụng những bằng chuẩn này để giảm được tiêu cực bởi bất cứ ai muốn chứng minh trình độ ngoại ngữ đều phải trải qua gác chắn cơ bản này? Cho dù chi phí để có được những bằng cấp quốc tế như vậy khá tốn kém, nhưng thà như vậy để chúng ta có được bộ lọc cực kỳ tốt, chất lượng cao còn hơn là cứ duy trì hệ thống bằng cấp không giống ai, không thực chất.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt đầu áp dụng chuẩn TOEIC với khóa sinh viên năm 2007 thay thế cho hệ thống đánh giá theo chuẩn quốc gia trước đó. Lý giải cho quá trình thay đổi này, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo nhận định: “Chứng chỉ A, B, C không còn đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là trong môi trường quốc tế thường xuyên của lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, sự thay đổi của nhà trường nhằm phục vụ nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng, tạo cơ hội tốt nhất để sinh viên tìm được việc làm”.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ TOEIC 450 – 550 điểm (tùy ngành) mới được tốt nghiệp. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo: “Các chứng chỉ A, B, C hiện không còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng điều đáng nói là trường rất khó trong khâu xác minh loại chứng chỉ ấy. Do vậy sau này trường chỉ chấp nhận chứng chỉ được cấp bởi các đơn vị quốc tế được ủy quyền tại VN”.
Cải thiện cách thi cử, giám sát minh bạch
Ngược lại, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), người nhiều năm là giảng viên tiếng Anh ở các trường ĐH, cho rằng cần thiết có hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề là cần thay đổi để làm cho tốt. Theo bà Phương Anh, nên giao cho tư nhân thực hiện, còn nhà nước chỉ kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ. Với cách làm hiện nay, không có phần nghiên cứu kèm theo, cũng không có giám sát và bảo vệ người tiêu dùng thì theo xu thế tự nhiên, nó sẽ bị đào thải.
Theo tiến sĩ Phương Anh, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia hiện nay giống nhau ở tên gọi, không ai bảo đảm cùng chứng chỉ B được cấp ở một trường nhưng thi ở những lần khác nhau thì thực sự tương đương nhau. Thậm chí, nếu là môn thi vấn đáp hoặc viết thì có thể thi cùng một lần nhưng khác người chấm vẫn không có giá trị tương đương. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế được tổ chức chuyên nghiệp, đề thi được xây dựng đúng nguyên tắc khoa học và đánh giá đo lường. Đặc biệt, các tổ chức khảo thí quốc tế luôn có một bộ phận hậu trường phân tích độ tương đương của các kỳ thi sao cho giá trị của một chứng chỉ luôn như nhau dù ở nhiều kỳ thi và thời gian khác nhau. Ngoài ra, chứng chỉ quốc tế còn gắn với năng lực sử dụng cụ thể.
Tiến sĩ Phương Anh nhấn mạnh: “Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đang có tham vọng làm ra các kỳ thi được quốc tế công nhận nhưng nếu không thay đổi cách quản lý thì rồi đâu lại vào đó. Vẫn là các đơn vị công với cơ chế xin – cho thì chắc chắn sẽ lại trở thành chứng chỉ A, B, C cũ, dù hiện nay là A, B, C theo chuẩn châu Âu”.
Vốn là một cựu du học sinh tại Mỹ, anh Đào Việt Thắng (Công ty vexere.com) cho rằng: “Mỗi nước có một hoàn cảnh khác nhau. Tôi nghĩ rằng, bỏ các chứng chỉ A, B, C là cực đoan. Bởi lẽ chi phí sinh viên bỏ ra để lấy được những chứng chỉ này thấp hơn nhiều so với chứng chỉ quốc tế”. Theo anh Thắng, nên duy trì hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C và quy ra tiêu chuẩn tương ứng như thế nào với các chứng chỉ quốc tế, đồng thời cải thiện cách thi cử và có chế độ giám sát minh bạch, chặt chẽ để hạn chế tiêu cực.
Ý kiến
Chứng chỉ quốc gia hiện chỉ còn tính hành chính Lâu nay, trong giới tiếng Anh, hầu như không ai còn nhớ đến các chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia. Ngay trong các đề án ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT hay của Sở GD-ĐT TP.HCM, khi yêu cầu nâng cao chuẩn giáo viên cũng phiên ngang khung tham chiếu châu Âu sang các chứng chỉ quốc tế. Chứng chỉ quốc gia hiện nay hầu như chỉ còn tính hành chính, phù hợp với một số người cần bổ túc hồ sơ của quy trình tuyển dụng còn học trò chỉ tính làm sao lấy được chứng chỉ quốc tế mà thôi. Ông Cao Huy Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc Nói đến tiếng Anh, mọi người nghĩ đến chứng chỉ quốc tế Từ lâu tôi đã quên luôn sự hiện hữu của chứng chỉ ngoại quốc gia. Ngày nay nói đến các chứng chỉ tiếng Anh mọi người đều đề cập đến các chứng chỉ quốc tế. Học sinh thì không có nhu cầu sử dụng chứng chỉ này còn khi bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên thì Bộ với Sở cũng không đề cập đến. Một giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) Phải gắn với năng lực Vấn đề quan trọng nhất của việc học ngoại ngữ chính là làm sử dụng được hiệu quả trong công việc. Bằng cấp phải gắn với năng lực và phải phục vụ công việc trong thực tiễn. Coi chừng chúng ta đang chuẩn hóa những bằng cấp chỉ để làm điều kiện để thăng chức. Quy định về chứng chỉ ngoại ngữ phải phù hợp với đặc thù yêu cầu công việc chứ không nên cào bằng, làm theo kiểu hình thức. Thạc sĩ Trần Minh trọng - Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp B.Thanh – N.lịch
|
Không phải “đối tượng” xem xét miễn thi môn ngoại ngữ
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sớm cụ thể hóa quy định về miễn thi môn ngoại ngữ (trong đó có môn tiếng Anh) để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng chấp nhận các chứng chỉ quốc tế thuộc hệ thống chứng chỉ tương thích với khung tham chiếu châu Âu (tức là cũng tương thích với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN), thông dụng và do các tổ chức khảo thí có uy tín cấp. Các thí sinh đoạt giải Olympic quốc tế môn ngoại ngữ cũng sẽ được miễn thi. Trao đổi với Thanh Niên, bà Vũ Tú Anh, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, cho biết: “Dự kiến, những chứng chỉ để được miễn thi ngoại ngữ (với riêng môn tiếng Anh) cũng không nhiều, chỉ khoảng vài ba loại được quốc tế công nhận. Còn chứng chỉ trong nước thì có lẽ chưa có chủ trương đưa vào xem xét vì chúng ta chưa có chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia. Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C chắc chắn không phải “đối tượng” được xem xét vì những chứng chỉ này đã không còn được tiếp tục cấp nữa”. Tuy nhiên, theo bà Tú Anh, quy chế về việc miễn thi ngoại ngữ trên cũng chỉ là tạm thời, áp dụng cho năm 2015 – 2016. Khi Trung tâm khảo thí năng lực ngoại ngữ quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động thì chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia sẽ được cấp theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và khi đó chứng chỉ ngoại ngữ trong nước cũng được công nhận. Tuệ Nguyễn
|
Như Lịch – Hà Ánh