15/01/2025

Lá bài ngoại giao của Trung Quốc

Trung Quốc đang mưu tính dùng chiến lược “ngoại giao cưỡng bức” để buộc các quốc gia trong khu vực phải dần công nhận chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông.

 

Lá bài ngoại giao của Trung Quốc

Trung Quốc đang mưu tính dùng chiến lược “ngoại giao cưỡng bức” để buộc các quốc gia trong khu vực phải dần công nhận chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông.

 

 Tàu kiểm ngư VN
Tàu kiểm ngư VN tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan phi pháp vào tháng 5.2014 – Ảnh: Độc Lập

 

Đó là nhận định của GS-TS David Arase (Trung tâm Hopkins, ĐH Nam Kinh, Trung Quốc) tại hội thảo quốc tế “Tranh chấp ở biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác” do ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer (Đức) tổ chức hôm qua 9.10 tại Hà Nội.

 

 
 

Cách trung quốc độc chiếm biển đông

 

Thiếu tướng Lê Văn Cương đã đưa ra một nhận định cho rằng chỉ trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ hoàn toàn giành quyền kiểm soát biển Đông bằng chiến lược “không đánh mà thắng”. “Không đánh”, theo ông là hàm ý Trung Quốc chưa phát động chiến tranh tổng lực nhưng vẫn có thể xảy ra xung đột quân sự trong thời gian, không gian hẹp để chiếm các điểm đảo, đá do các bên khác đang kiểm soát. Cũng theo nhận định của tướng Cương, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự tại các bãi đá Chữ Thập và Gạc Ma. Khi các căn cứ này hoàn thành Trung Quốc sẽ đưa tàu sân bay, các đội tàu chiến, tàu hộ tống tập trung ở Trường Sa, thiết lập vùng nhận dạng phòng không, cô lập các đảo do các bên khác kiểm soát. Điều này nhiều khả năng sẽ được hoàn thành trước 2020.

 

 

Tham dự hội thảo có các chuyên gia quốc tế đến từ CHLB Đức, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và đông đảo các chuyên gia VN đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN và các viện nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo GS Arase, để đưa ra yêu sách chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, Bắc Kinh không thể đưa vấn đề biển Đông ra tòa án quốc tế hay sử dụng luật pháp quốc tế vì chắc chắn các cơ quan tài phán quốc tế sẽ phủ nhận tính chính danh đối với các yêu sách của Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc cũng chưa thể gây chiến vì sẽ bị cả thế giới quay lưng. Trung Quốc cũng chưa thể sử dụng công cụ cấm vận kinh tế với các quốc gia liên quan trong khu vực vì vẫn muốn lôi kéo các nước này vào vòng ảnh hưởng kinh tế của mình.

Thay vào đó, GS Arase cho rằng Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược “ngoại giao cưỡng bức” để buộc các quốc gia trong khu vực dần dần phải chấp nhận và công nhận chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông. “Các hành động của Trung Quốc cũng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để nằm dưới ngưỡng buộc Mỹ phải phản ứng”, ông Arase nói.

Mỹ từng cho rằng nếu Trung Quốc càng phát triển thì quốc gia này sẽ càng văn minh hơn và sẽ tôn trọng trật tự luật pháp quốc tế. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. “Chính điều này đã buộc Mỹ phải đưa ra chiến lược xoay trục tái cân bằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, GS Arase nhận định.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, việc Trung Quốc gây hấn tiến tới độc chiếm biển Đông không chỉ xâm phạm chủ quyền VN mà còn đe dọa và trực tiếp xâm phạm lợi ích sống còn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu… Tướng Cương kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nhận rõ các nguy cơ từ những hành động của Trung Quốc trên biển Đông và hợp tác để ngăn chặn các hành động này.

Theo GS Arase, do Mỹ và Trung Quốc đều mạnh nhưng không bên nào đủ mạnh để lấn át hoàn toàn bên kia nên Trung Quốc không có ý định gây chiến với Mỹ để bảo vệ vị thế bá quyền khu vực và ngược lại Mỹ cũng không muốn gây chiến với Trung Quốc. Chính vì lý do này, ông cho rằng những động thái của bên thứ ba sẽ ảnh hưởng đến cuộc đối đấu Mỹ – Trung và cuối cùng sẽ định đoạt bản chất trật tự khu vực. GS Arase nhận định các cuộc đấu tranh sắp tới ở biển Đông sẽ là các cuộc “chiến tranh chính trị – tâm lý” và một phần là kinh tế, pháp lý chứ không có đối đầu quân sự.

 

“Không đại cục nào có thể đánh đổi chủ quyền quốc gia”

 

Theo PGS-TS Phạm Quang Minh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), vụ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) là một cú sốc đồng thời là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa VN và Trung Quốc. Ông Phạm Quang Minh khẳng định quyền lực, chính trị và hòa bình là những nhân tố quan trọng trong quan hệ Việt – Trung. VN muốn có hòa bình để phát triển và Trung Quốc cũng cần có hòa bình không kém VN.

Theo GS-TS Trần Ngọc Vương (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), phải tỉnh táo trước luận điệu “biển đảo là chuyện nhỏ, đại cục mới là chuyện lớn” mà Trung Quốc đưa ra. “Tôi đã hỏi nhiều cơ quan chức năng giải thích rõ ràng điều này. Nếu không coi chủ quyền lãnh thổ quốc gia là tối thượng thì đại cục ấy là cái gì? Không thể chấp nhận một “đại cục” đòi hỏi hy sinh chủ quyền, lợi ích quốc gia”, GS Vương nói.

 

 

VN kiên quyết phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa

 

Ngày 7.10, mạng Tin tức Hải Nam (Trung Quốc) đưa tin Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000 m cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Ngày 9.10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN trước hành động nêu trên của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình nêu rõ:

“VN có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN – Trung Quốc ký tháng 10.2011, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước”.

 

 

Trường Sơn