16/01/2025

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria dậy sóng

Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép phải can thiệp bằng bộ binh vào Syria giữa lúc thị trấn chiến lược Kobani có nguy cơ rơi vào tay tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.

 

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria dậy sóng

 

Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép phải can thiệp bằng bộ binh vào Syria giữa lúc thị trấn chiến lược Kobani có nguy cơ rơi vào tay tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.

 Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới, phía xa là khói bốc lên từ thị trấn Kobani bên phía Syria
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới, phía xa là khói bốc lên từ thị trấn Kobani bên phía Syria
– Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa lên tiếng cảnh báo khả năng thị trấn Kobani thất thủ trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). IS muốn chiếm thị trấn nằm cách Thổ Nhĩ Kỳ vài cây số này nhằm siết chặt gọng kìm tại khu vực biên giới, đồng thời củng cố sự kiểm soát ở các vùng đất chiếm được tại Iraq và Syria trong những tháng gần đây.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuần qua đã được quốc hội “bật đèn xanh” cho việc can thiệp quân sự vào Syria và Iraq, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung gần Syria kể từ khi IS mở chiến dịch tấn công Kobani. Phát biểu khi đi thăm một trại tị nạn dành cho người Syria ngày 7.10, Tổng thống Erdogan tuyên bố các cuộc oanh kích do Mỹ chỉ huy không đủ để đánh bại IS. Tuy nhiên, ông đã đặt ra 3 điều kiện để Ankara có thể can thiệp bằng bộ binh, bao gồm lập vùng cấm bay ở Syria, lập vùng đệm an toàn cho người Syria tị nạn và huấn luyện các tay súng nổi dậy ôn hòa. Theo Reuters, trong cuộc điện đàm với ông Erdogan hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố ủng hộ ý tưởng lập vùng đệm cho người tị nạn Syria.

Theo giới quan sát, binh lính của Thổ Nhĩ Kỳ được NATO đào tạo sẽ hỗ trợ đắc lực các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, trong khi các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra lợi thế đáng kể về thời gian chiến đấu. Ankara muốn chiến dịch không kích nhằm vào IS phải được mở rộng, bao gồm cả việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng Nhà Trắng phản đối đòi hỏi này.

Tờ The New York Times hôm qua đưa tin Mỹ ngày càng bực dọc với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục án binh bất động trước tình hình nguy cấp ở Kobani. “Sau khi nổi giận về thảm họa nhân đạo ở Syria, họ (người Thổ) đang sáng chế những lý do để không hành động nhằm tránh một thảm họa khác”, tờ báo dẫn lời một quan chức Mỹ nói, đồng thời nhấn mạnh “đây không phải là cách một đồng minh NATO hành động”.

Hôm qua, giới chức người Kurd ở Kobani cho biết các cuộc không kích cấp tập của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tạm thời đẩy lùi các tay súng IS đến rìa phía đông của thị trấn này. Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria, đã có 412 người thiệt mạng trong 3 tuần giao tranh và khoảng 180.000 cư dân tại đây đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ do lo sợ bị thảm sát. Hôm 7.10, Đặc phái viên LHQ tại Syria Staffan de Mistura đánh giá cao “sự rộng rãi” của Ankara nhưng kêu gọi quốc tế hành động ngay để cứu Kobani. Áp lực can thiệp vào Kobani càng nặng nề hơn với Ankara sau khi ít nhất 12 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và những cư dân thuộc cộng đồng người Kurd xuống đường phản đối việc Ankara khoanh tay đứng nhìn Kobani sắp sửa lọt vào tay IS.

Trùng Quang