Chúa nhật XXVII TN A – Lễ Đức Mẹ Mân Côi 2014: Lời kinh như phương tiện gặp gỡ Chúa
Chúng ta đang ở mức độ nào khi cầu nguyện? Nếu không vượt qua những căng thẳng của hình thức cầu nguyện, ta chỉ mãi mãi ở bước đầu của việc tụng niệm mà thôi!
Chúa nhật XXVII TN A – Lễ Đức Mẹ Mân Côi 2014
Lời kinh như phương tiện gặp gỡ Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Giáo hội Việt Nam hôm nay long trọng mừng lễ Mẹ Maria dưới tước hiệu Mân Côi để mời gọi chúng ta hợp cùng Mẹ ca tụng Chúa và kéo ơn Chúa xuống cho con người. Trong lịch sử của Giáo Hội toàn cầu cũng như của Giáo hội Việt Nam, Đức Mẹ Mân Côi đã thực hiện biết bao công trình kỳ diệu để nói lên tình thương bao la của Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta sẽ cùng ôn lại lịch sử để xác tín hơn về tình thương cứu độ của Chúa và Mẹ cho đời ta.
1. Trong lịch sử Giáo hội toàn cầu
1.1. Mân Côi là kinh nguyện bình dân
Trở về với lịch sử Giáo Hội, từ khởi đầu đến thế kỷ XII, Giáo Hội chỉ dùng 150 Thánh vịnh như kinh nguyện chính thức của Giáo Hội. Muốn đọc được những Thánh vịnh ấy, người ta phải có một tầm hiểu biết về Thánh Kinh, cần nhà nguyện hay nhà thờ, cần sách kinh, vì không ai có thể thuộc lòng được 150 Thánh vịnh. Như thế, kinh nguyện hầu như chỉ dành cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và một ít người giàu có đủ phương tiện.
Từ thế kỷ XII, qua sự soi sáng của Chúa cho thánh nữ Birgitta, thánh nữ đã phổ biến chuỗi tràng hạt với 150 kinh Kính Mừng thay thế cho 150 Thánh vịnh, đầu mỗi chục kinh có phần suy niệm đời Chúa và Mẹ Maria qua những mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng. Quả thật, đây là kinh nguyện dành cho những người bình dân vì không cần sách, không cần nhà thờ, cũng chẳng cần hiểu biết sâu rộng về Thánh Kinh, mà chỉ cần có 1 tràng chuỗi nho nhỏ với những lời kinh đơn sơ người ta cũng có thể cầu nguyện bất cứ nơi nào. Người ta có thể hợp lòng với Mẹ Maria, như xưa Mẹ đã cùng với các tông đồ cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly (x. Cv 1,12-14), dâng lên Mẹ những tâm tình buồn vui thương mừng khác nhau trong đời sống. Từ đó, lời kinh Mân Côi được phổ biến cách nhanh chóng và lan rộng hầu như khắp các giáo hội địa phương.
1.2. Những dấu chỉ lạ lùng
Chúng ta nhớ đến câu chuyện của thánh Đa Minh và thánh Bênađô bị bọn cướp bắt làm nô lệ chèo tàu vượt biển. Một lần, con tàu gặp bão, có nguy cơ bị chìm, Đức Mẹ hiện ra nhắc nhở dùng kinh Mân Côi, lập tức, bão tan, con tàu đến bờ bình an. Từ đó thánh Đa Minh phổ biến lời kinh Mân Côi ở rất nhiều nơi, nhất là Mẹ Mân Côi đã giúp ngài chiến thắng bè rối Albigeois năm 1.206.
Giáo Hội cảm nghiệm sức tác động kỳ diệu của lời Kinh Mân Côi qua lời chuyển cầu của người Mẹ Thánh nên đã phát động tràng chuỗi Mân Côi. Lễ Mẹ Mân Côi được kính nhớ vào ngày 7 tháng 10, là để kỷ niệm ơn Mẹ giúp cho đạo binh Thánh giá, với quân số ít ỏi, vũ khí thì thô sơ, chiến thuyền không đáng kể, đã chiến thắng quân Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ ở vịnh Lepante vào ngày 7/10/1571. Qua lời kêu gọi của ĐGH Piô V, phép lạ này được phổ biến khắp Giáo Hội.
2. Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam
Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên chính thức loan báo Tin Mừng đã cập bến Cửa Hàn, Đà Nẵng vào ngày 18 tháng Giêng năm 1615, với 5 vị tu sĩ gồm 2 linh mục, 3 thầy trợ sĩ do cha Francois Buzomi dẫn đầu. Các vị thừa sai này – nhờ lời cầu nguyện, rao giảng, nhất là sự tác động của Mẹ Mân Côi – chỉ trong vòng 50 năm mà hơn 100.000 người ở miền bắc (Đàng Ngoài) và hơn 20.000 người ở miền Nam (Đàng Trong) đã tin theo Chúa Giêsu. Lời kinh Mân Côi lúc bấy giờ đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong Giáo Hội vì vừa qua chiến thắng ở vịnh Lepante năm 1571, nên ở Việt Nam đâu đâu người ta cũng đọc và suy niệm lời kinh này.
Để hội nhập văn hoá, các thừa sai Dòng Tên đã đưa ra những bài suy ngắm kinh Mân Côi, với những cung giọng trầm bổng, buồn vui của 3 mùa Vui, Thương, Mừng rất phù hợp với người VN. Chính trong đoàn thừa sai này có những vị rất giỏi tiếng Việt đã phát minh ra những lời kinh VN đầu tiên, trong đó đặc biệt chúng ta nhớ đến cha Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) đã đến VN năm 1624 và rời Việt Nam năm 1645 mang theo chiếc đầu của Chân phước Anrê Phú Yên bị hành hình ngày 26/7/1644.
Với những lời kinh đơn sơ, cộng đoàn tín hữu VN luôn tôn kính Đức Mẹ Maria, vượt qua tất cả những căng thẳng, thử thách phải chịu đựng ngay từ những giây phút đầu tiên của lịch sử Giáo Hội. Khi việc bách hại lên đến tột điểm, người giáo dân VN chỉ còn biết cậy nhờ vào sự che chở của người Mẹ Thánh để trốn vào rừng thiêng nước độc sống chung với thú dữ như ở La Vang vào năm 1789-1800 hoặc đối đầu với đoàn quân Văn Thân kéo đến cướp của giết người như ở Trà Kiệu vào những năm 1860. Khi phải đối mặt với cái chết cận kề vì bị giam hãm, vây kín trong tù ngục, biển lửa như ở Biên Hoà, Bà Rịa, người tín hữu vẫn không ngừng đọc kinh Mân Côi để có thể tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Giáo Hội Việt Nam cảm nghiệm được tình thương hải hà của Người Mẹ Thánh nên đã đặt lễ kính trọng thể Mẹ Mân Côi.
3. Lời kinh như phương tiện gặp gỡ Chúa
Trở về với Giáo hội Việt Nam hôm nay, có lẽ chúng ta cần phải vượt qua những căng thẳng, xung đột ngay trong lòng Giáo Hội mà chúng ta có thể cảm nghiệm được.
Giáo hội Việt Nam đã in sách Phụng vụ Giờ kinh và hầu như nhà thờ nào cũng khuyến khích tín hữu đọc những giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều hợp với lời kinh chính thức của Giáo Hội. Vì thế, có một số người cho rằng lời kinh Mân Côi không phải là lời kinh chính thức của Giáo Hội nên không lần hạt trong nhà thờ nữa. Rồi với lòng sùng kính chuỗi Thương Xót được Chúa soi sáng cho chị thánh Faustina Kowalska ngày 22/2/ 1931 và được ĐTC Gioan Phaolô II giới thiệu, nhiều người lại nghĩ rằng hiện nay phải đọc chuỗi Thương Xót mới hợp thời thay vì kinh Mân Côi.
Các dòng tu cũng có những căng thẳng không kém. Dòng Đa Minh thì phổ biến kinh Mân Côi, Dòng Chúa Cứu Thế lại phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhiều dòng khác thích chuỗi Thương Xót, hoặc phổ biến các cách lần hạt khác nhau…Không biết Người Mẹ Thánh của chúng ta có buồn không khi thấy con cái mình căng thẳng chỉ vì những cách diễn tả lòng yêu mến Mẹ mình?
Thật ra, kinh Mân Côi, chuỗi Thương Xót hoặc bất cứ cách lần hạt nào cũng chỉ là những phương tiện mà mỗi người chúng ta có thể dùng để kết hợp với Người Mẹ Thánh và nối kết với Thiên Chúa, giống như chúng ta dùng xe đạp, xe máy, xe hơi hay đi bộ để đến nhà cha mẹ mình. Cầu nguyện là chúng ta nâng tâm hồn lên cùng với Người Mẹ Thánh để đạt được sự thông hiệp với Thiên Chúa, để Ngài chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng của Ngài. Chúng ta không buộc phải chọn một phương tiện mà có thể dùng bất cứ phương tiện nào, tuỳ theo hoàn cảnh, để đạt được sự kết hợp này.
Khi cầu kinh, chúng ta không chỉ dùng môi miệng để đọc với hơi thở tự nhiên mà còn phải dùng tâm hồn để đọc bằng Thần Khí tình yêu của Đức Giêsu Kitô, như bài đọc II hôm nay diễn tả (x. Gl 4,4-7): “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh chị em mà kêu lên: Abba! Cha ơi!”. Chỉ trong Thần Khí ấy chúng ta mới cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc, ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Người Mẹ Thánh. Nhờ đó, việc cầu nguyện của chúng ta mới tiến triển để đi từ việc tụng niệm bằng môi miệng, tiến tới suy niệm bằng lý trí, lên đến tâm niệm hay tâm nguyện bằng tình yêu rồi đạt đến chiêm niệm nhờ Chúa cho thấy những mầu nhiệm lạ lùng và sau cùng đạt đến “sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa trong cuộc hôn phối thiêng liêng” nhờ xuất thần. Vậy chúng ta đang ở mức độ nào khi cầu nguyện? Nếu không vượt qua những căng thẳng của hình thức cầu nguyện, ta chỉ mãi mãi ở bước đầu của việc tụng niệm mà thôi!
Lời kết
Hôm nay, cùng với Giáo hội Việt Nam, chúng ta cảm tạ Chúa vì Mẹ Mân Côi đã thương che chở Giáo Hội trong những năm tháng qua. Xin Mẹ cho chúng ta tiếp tục kết hợp với Mẹ qua kinh Mân Côi cũng như qua các phương tiện khác, để ca tụng lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa, đón nhận những ân phúc của Người và chia sẻ cho anh chị em. Như thế chúng ta mới thật sự trở thành con cái của Người Mẹ Thánh và tiến bộ trong đời cầu nguyện để trở thành chứng nhân của tình Chúa yêu thương.