Thôi, chúng ta chia tay!
Nếu chia tay một cách rõ ràng, chân thành thì cả hai sẽ dễ tìm thấy trách nhiệm mình phải gánh chịu. Nhận ra thời gian bên nhau là những kỷ niệm đẹp, dù đã cố gắng nhưng đáng tiếc không thuộc về nhau thì sẽ còn lại sự tôn trọng và thông cảm cho nhau.
Thôi, chúng ta chia tay!
Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà bỗng dưng chủ đề chia tay lại được dân mạng nhắc nhiều suốt thời gian qua.
Đóng vai phản diện, chia tay qua điện thoại…
Trên diễn đàn webtretho.com, bài viết “Câu chia tay nào khiến con gái uất ức nhất?” vừa mới xuất hiện do thành viên xatare đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận.
Các thành viên thi nhau kể lại chuyện tình yêu với những kỷ niệm buồn, với những lời nói đã từng như xát muối vào tim. “Yêu nhau suốt bốn năm trời, vậy mà dửng dưng bảo hãy chấm dứt vì chẳng có tương lai”, Mỹ Khuê ta thán.
Hay Kim Huệ thì kể: “Chẳng khác gì mọi người. Em cũng đã từng là người trong cuộc. Dẫu chuyện tình cũ đã qua lâu, nhưng câu “chia tay thôi ta đừng yêu nữa vì anh không thể đem lại hạnh phúc cho em” vẫn mãi còn ám ảnh”.
Rồi cả những câu đầy ẩn ý như: “đang rất bận rộn với công việc và không có thời gian nghĩ đến tình yêu”, “anh chán em rồi”, “anh có người khác rồi, xin lỗi em”, “thực ra thì bấy lâu nay tình cảm chỉ là ngộ nhận”… cũng nằm trong “top” những câu nói gây khó chịu với các cô gái khi chia tay, theo ý kiến của họ.
Và dường như bài viết này đã tạo niềm cảm hứng cho mọi người “tám” tất tần tật về chia tay khi chủ đề này xuất hiện ngày càng nhiều hơn với những khảo sát: không nên chia tay kiểu nào; những tật xấu thường mắc phải sau khi chia tay; chia tay sao cho đẹp;… phủ sóng trên khắp các diễn đàn, Fan Page (trang dành cho người hâm mộ trên Facebook – NV).
Mặc dù thu hút nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có thể thấy ở hầu hết khảo sát, khi cuộc tình tan vỡ, phần lớn không muốn thấy đối phương chia tay bằng cách tỏ ra xấu xa, cố gắng đóng nhân vật phản diện làm những hành động đáng ghét như đánh chửi ngoài đường, công khai yêu người khác. Hoặc kiểu chia tay im lặng, chơi trò biến mất, chẳng thèm hỏi han nhau.
Trong khi đó, ý kiến của Vân Anh trên Facebook được nhiều người bấm like đồng ý: “Đáng lên án nhất là kiểu chia tay qua điện thoại. Đang yên lành bỗng dưng nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi với lời “thôi chúng ta chia tay”. Không thể chấp nhận kiểu chia tay này, vì phần nào thể hiện sự hèn hạ, không tôn trọng người khác”.
San sẻ tổn thương
Theo chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, bản chất của chia tay là một sự tổn thương, giống như tạo ra một vết thương trong tâm hồn. Những kiểu như “quơ đũa cả nắm”, “có người yêu mới” và “bỗng dưng biến mất” rất dễ làm “nhiễm trùng” vết thương lòng, tổn thương sâu sắc đến người mình đã từng thương yêu và gắn kết.
“Dạng lấy cớ mình đã tìm thấy một người mới để chia tay sẽ làm đối tượng cảm thấy bị phản bội, lừa dối về mặt tình cảm. Dạng chia tay cái rụp đầy tính bất ngờ, không giải thích sẽ dễ làm người ấy hoang mang tột độ, vì không phải ai cũng đủ bình tĩnh để nhận ra lý do chia tay thật sự. Không có người “đối chất”, không có một cuộc nói chuyện nghiêm túc và chân thành, người ta dễ lạc lối trong chính những suy luận tiêu cực của mình”, ông Dương phân tích.
Ông Dương cũng cho rằng khi chia tay, bạn trẻ thường hay “mắc lỗi”: người bị chia tay hay có những phản ứng tiêu cực: tìm mọi cách níu kéo, dùng mạng sống của mình để hăm dọa đối tượng. Hoặc từ yêu thành thù với những hành động như nói xấu, phỉ báng, công khai thư, tin, hình ảnh nhạy cảm để hạ nhục đối tượng hoặc phá vỡ mối quan hệ mới của người xưa… Còn người chủ động chia tay có khi vì cảm thấy “tội tội” với người kia nên cứ dây dưa, coi nhau như bạn bè thân, kiểu như chưa có gì xảy ra. Thế nhưng chính sự không dứt khoát này tạo nên hy vọng, lầm lẫn khiến mối quan hệ càng thêm rắc rối.
“Khi chia tay đừng để cảm xúc thất vọng, đau đớn chiếm đoạt tâm trí mỗi người. Nếu chia tay một cách rõ ràng, chân thành thì cả hai sẽ dễ tìm thấy trách nhiệm mình phải gánh chịu. Nhận ra thời gian bên nhau là những kỷ niệm đẹp, dù đã cố gắng nhưng đáng tiếc không thuộc về nhau thì sẽ còn lại sự tôn trọng và thông cảm cho nhau. Đừng để người từng yêu thương phải mang vết thương sâu sắc trong tim đi cả đời, đừng tạo một chia tay dữ dội và thương đau đến mức chính bạn sau đó không tin vào tình yêu. Hãy yêu và xử lý hậu tình yêu một cách thông minh”, ông Dương nhắn gửi.
Bình luận
“Mình cực ghét kiểu chia tay mà nhờ người khác nói giúp”.(Mai Trà/nguoiay.info) “Còn gì tổn thương và đau đớn hơn khi rơi vào tình cảnh bị “đá”, bị người yêu chia tay bằng cách công khai người thứ ba. Đây thực sự là kiểu chia tay khiến nỗi đau tăng lên gấp đôi và tội lỗi, hận thù tăng thêm gấp bội”. (thuyanh_tiin/ vnyeu.org) “Để kết thúc tình yêu, nên gặp trực tiếp và nói chuyện thẳng thắn giữa hai bên với thái độ cầu thị, biết lắng nghe để hết yêu còn là bạn”.(Lê Yến Nhi/ tinhduyen.com)
|
Xuân Phương