15/01/2025

Nhút nhát nên phải làm lớp trưởng

“Năm ngoái, mọi thứ em đều tốt, đều giỏi, duy chỉ một điều trong học bạ giáo viên nhận xét em quá rụt rè và nhút nhát. Nên giờ cô cho em làm lớp trưởng để rèn tính chủ động, hoạt bát và cả tác phong làm việc theo nhóm, làm lãnh đạo nữa…”

 

Nhút nhát nên phải làm lớp trưởng

“Cô ơi! Em đậu đại học rồi! Cả hai trường luôn cô ạ…”. Xem được điểm thi trên mạng xong, con gái tôi gọi ngay để báo tin vui cho cô Lý. 

 

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Nghe tiếng ríu rít của hai cô trò, rồi những giọt nước mắt con gái lăn trong hạnh phúc, tôi hỏi cháu: “Sao con thi khối A, B mà người đầu tiên con báo tin vui lại là cô giáo dạy văn?”.

Con gái tôi trả lời: “Dạ, con sẽ lần lượt báo tin vui này cho tất cả thầy cô đã dạy con. Nhưng cô Lý dạy văn là người đầu tiên truyền cho con sức mạnh của niềm tin chiến thắng”.

Điều này thì tôi hiểu. Con gái tôi vốn học giỏi nhưng bản tính lại nhút nhát. Cháu chỉ biết học, còn mọi sự tiếp xúc với bạn bè, cô thầy rất hạn chế. Tuy lực học tốt, nhưng mỗi kỳ thi học sinh giỏi cháu vẫn không đạt kết quả cao do thiếu bình tĩnh và tự tin.

Ngày bắt đầu nhập học THPT, cháu về nhà trong tâm trạng lo lắng và chán nản. Thấy cháu cứ lặng thinh, tôi tra hỏi thì cháu nói cô giáo chủ nhiệm bắt con phải làm lớp trưởng. Rồi cháu năn nỉ: “Ba lên trường nói với cô giáo xin cho con thôi đi ba. Con sợ lắm!”.

Tôi nghĩ chắc chắn cô giáo có lý do, nên vừa an ủi nhưng cũng đe nẹt: “Con phải cố gắng lên chứ, được cô chủ nhiệm và bạn bè tin tưởng là tốt. Không ai sinh ra đã có khả năng đâu con gái, tất cả đều do phấn đấu rèn luyện”.

Nói vậy nhưng tôi vẫn cùng cháu đến gặp cô chủ nhiệm. Ấn tượng đầu tiên của tôi về một cô giáo trẻ dạy văn nói năng nhỏ nhẹ nhưng đầy sức mạnh cuốn hút.

Cô nói với con gái tôi nhưng cũng là nói với tôi: “Năm ngoái, mọi thứ em đều tốt, đều giỏi, duy chỉ một điều trong học bạ giáo viên nhận xét em quá rụt rè và nhút nhát. Nên giờ cô cho em làm lớp trưởng để rèn tính chủ động, hoạt bát và cả tác phong làm việc theo nhóm, làm lãnh đạo nữa.

Những điều đó rất cần cho em sau này. Cái gì cũng có sự bắt đầu. Em không làm thì sao biết có làm được hay không. Cứ làm cho cô hai tháng, nếu các bạn không nghe, không làm được nữa, cô sẽ đổi. Cô làm vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho em. Hãy làm những gì mà cô dặn, các bạn sẽ giúp em”…

Tôi đang miên man trong dòng hồi tưởng thì con gái ngắt dòng: “Chính sự vượt khó, vươn lên trên con đường đi tìm “cái chữ” của cô giáo Lý là tấm gương sáng cho con và các bạn noi theo”. Rồi con gái tôi bắt đầu kể:

Cô Lý sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ba mẹ cô thậm chí mới thoát nạn mù chữ. Nhà có bốn chị em, cô là con gái đầu lòng.

Khi học xong lớp 9, ba mẹ bắt cô ở nhà lao động để giúp nuôi các em. Thậm chí ba mẹ còn dự định gả chồng sớm cho một gia đình chủ nợ. Cô đã khóc hết nước mắt vì ước mơ được học, được trở thành cô giáo dạy văn có nguy cơ chấm dứt.

Cô trốn cha mẹ lên huyện thi và kết quả là vào THPT với số điểm cao nhất. Cô van xin cha mẹ hết lời và hứa sẽ tự lao động để kiếm tiền ăn học.

Quyết tâm của cô đã làm cha mẹ động lòng. Từ đó tuy thân hình bé nhỏ, nhưng cô học trò ấy cứ một buổi đến trường, còn một buổi lên rừng, lên rẫy. Thế mà cô vẫn học giỏi.

Kỳ thi đại học năm ấy, cô một mình với mấy trăm ngàn đồng vượt hơn ngàn cây số đi thi và đỗ cả ba trường. Cô đã chọn trường sư phạm như mơ ước thuở ấu thơ.

Lại một hành trình cam go cho giấc mơ “tìm chữ”. Cô đã phải làm đủ nghề để có tiền học đại học mà không phiền lụy đến cha mẹ. Nào dạy kèm, đi bán hàng, tiếp thị rồi cả thợ may.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, cô đã được sở đón nhận và điều về ngôi trường này cho đến hôm nay. Đón nhận tình thương yêu cũng như cảm phục trước ý chí và nghị lực của cô, nhiều lứa học trò mà đa số là học trò nghèo đã tự tin vươn lên và thành đạt…