15/01/2025

Không đủ thuốc trị nợ xấu

Giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, sai phạm ở các NH là nỗi lo của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

 

Không đủ thuốc trị nợ xấu

Giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, sai phạm ở các NH là nỗi lo của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình 

 

“Thống đốc có trách nhiệm như thế nào trong việc để xảy ra sai phạm tại các ngân hàng, mà gần đây là ở Ngân hàng cổ phần Xây dựng?”  -Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) 

Dù tất cả sai phạm đó xảy ra ở đâu, xảy ra khi nào cũng là trách nhiệm của thống đốc và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm – Thống đốc Nguyễn Văn Bình
 

“Trong ba năm qua đã xử lý được  249.000 tỉ đồng nợ xấu (chiếm hơn 53% tổng số nợ xấu); đã thắt chặt được kỷ cương, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng trong việc giải quyết nợ xấu” – ông Nguyễn Văn Bình nói trong chiều 29-9..

“Cục máu đông” vẫn lơ lửng trên đầu?

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng thống kê đến tháng 8-2014 cho thấy nợ xấu có khả năng đang tăng lên. “Nguyên nhân chính của tình trạng này là gì? Công ty mua bán nợ xấu đã mua 56.000 tỉ đồng nợ xấu, đến nay hoạt động thế nào?” – ông Nghĩa hỏi.

Trả lời, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định trước đây các tổ chức tín dụng thường che giấu nợ xấu, mục đích là ít phải trích lập dự phòng rủi ro, dành tiền để chia cổ tức.

Nhưng trong ba năm qua Ngân hàng (NH) Nhà nước đã kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ, buộc các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro, đến nay tổng số tiền dành dự phòng rủi ro khoảng 78.000 tỉ đồng.

Về tài sản đảm bảo, giá trị tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu có giá trị cao gấp hai lần các khoản nợ.

Sở dĩ nợ xấu có xu hướng tăng tại thời điểm này là do các tổ chức tín dụng thường tính toán các khoản lỗ, lãi, vay, nợ vào cuối năm rồi mới sử dụng khoản trích lập dự phòng để giải quyết nợ xấu nên tỉ lệ nợ xấu thường giảm mạnh vào ngày 31-12. Thứ hai là VN thực hiện các quy định đánh giá chặt chẽ hơn theo thông lệ quốc tế nên cũng làm gia tăng con số nợ xấu.

Liên quan đến hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chuyên mua bán nợ xấu, thống đốc cho biết hoạt động hoàn toàn đặc thù VN và đến nay đã mua được 86.000 tỉ đồng.

“Ngay từ đầu chúng ta đã chủ trương không sử dụng ngân sách để mua bán nợ xấu, đây là điểm khác so với công ty mua bán nợ xấu của nước ngoài. Nghiên cứu vừa qua tại các nước khi khủng hoảng, người ta dành 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, thậm chí có nước dành 60-70%, nước bình thường cũng dành 7-10%, còn ta không có phần trăm nào cả” – thống đốc nói.

U viên thường trực U ban Kinh tế Phùng Văn Hùng chất vấn: “Kinh nghiệm thế giới cho thấy vấn đề nợ xấu giải quyết càng sớm càng tốt. Có phải chúng ta không bắt trúng bệnh, chưa trúng thuốc để đến nay nợ xấu vẫn như cục máu đông treo lơ lửng trên đầu?”.

Thống đốc đáp: “Có hai vấn đề, người ta nói rằng uống thuốc liều cao quá thì sốc, còn liều thấp quá lâu khỏi. Vấn đề của chúng ta là liều lượng. Một là năng lực của chúng ta có đủ cái liều đó không? Như tôi đã trình bày nếu bây giờ chúng ta chỉ cần 10% GDP hay một khoản tiền như thế, tôi có thể nói ngay không cần phải chờ đến năm 2015 mà hôm nay đây chúng ta có thể xử lý dứt điểm được. Thế nhưng liều đó chúng ta không có. Phương thuốc thì biết, cách chữa thì có, nhưng liều lượng không có”.

Nguồn: LÊ THANH – Đồ họa: V.CƯỜNG

Không hình sự hoá quan hệ dân sự

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn: “Thống đốc có trách nhiệm như thế nào trong việc để xảy ra sai phạm tại các ngân hàng, mà gần đây là ở Ngân hàng cổ phần Xây dựng?”.

Ông Nguyễn Văn Bình trả lời: “Dù tất cả sai phạm đó xảy ra ở đâu, xảy ra khi nào, dù thời gian đó tôi chưa làm thống đốc thì bây giờ tôi đang làm thống đốc cũng là trách nhiệm của thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và tôi cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm các vấn đề đó. Cụ thể thời gian qua chúng tôi đã triển khai rất quyết liệt các hoạt động thanh tra, giám sát và phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, phương châm của Ngân hàng Nhà nước là chúng tôi không hình sự hóa tất cả quan hệ dân sự, mà chỉ mong muốn phát hiện sai phạm, tạo điều kiện cho các bên sai phạm khắc phục. Và đến khi không khắc phục được, gây nên thất thoát tiền bạc của đất nước, của nhân dân, lúc đó theo các quy định của pháp luật hình sự để xử lý. Qua hoạt động thanh tra, giám sát đã phát hiện rất nhiều sai phạm, ví dụ rất lớn như vụ Huyền Như, vụ bầu Kiên, vụ Công ty Cho thuê tài chính 2… Phần lớn các vụ này đều xảy ra trước năm 2011”.

Vấn đề sai phạm ở Ngân hàng Xây dựng (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín), thống đốc khẳng định nó liên quan đến sai phạm của một doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

* TS Trần Du Lịch (u viên U ban Kinh tế của Quốc hội):

Không thể mua kiểu trên giấy

Nợ xấu được sinh ra từ thị trường cần giải quyết bằng các giải pháp thị trường, trong đó cần tạo lập thị trường mua bán nợ.

Cụ thể, VAMC tới đây sẽ phải mua nợ theo thị trường chứ không thể mua kiểu trên giấy như vừa rồi được. Mà để mua nợ kiểu này phải có nguồn vốn, vốn ở đâu ra thì Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách và tính toán để “tăng lực” cho VAMC.

Một trong các phương thức có thể là sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp…

LÊ THANH ghi

* Ông Trương Văn Phước (phó chủ tịch U ban Giám sát tài chính quốc gia):

Thúc ngân hàng tự đẩy mạnh cấn nợ, xiết nợ

Trong nguồn lực ngân sách có hạn, nguồn tái cấp vốn cũng có hạn… nên xem xét để các tổ chức tín dụng tự cấn nợ và xiết nợ với tỉ lệ tự xử lý 20-30% tổng nợ xấu của mình. Còn Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia quá trình mua nợ, xử lý nợ xấu 70-80%.

Như vậy, theo kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước sẽ xử lý nợ xấu của toàn nền kinh tế, còn các tổ chức tín dụng phải tự lựa cơm gắp mắm để tự cấn nợ, xiết nợ.

Vấn đề cấn nợ, xiết nợ không phải mới mẻ, mà các tổ chức tín dụng đã làm hàng chục năm nay.

Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ cấn nợ, xiết nợ nếu lớn sẽ khiến các tổ chức tín dụng vi phạm quy định không được nắm giữ tài sản cố định vượt quá 50% tài sản cố định của mình khi tài sản cấn nợ, xiết nợ được xem như là tài sản cố định của tổ chức tín dụng.

Để tạo thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nên xem xét không coi tài sản mà các tổ chức tín dụng cấn nợ, xiết nợ vào tài sản cố định. Làm được điều này, vốn tồn đọng nhưng nợ xấu không tồn đọng.

Mặt khác, nợ xấu phát sinh nhưng xử lý triệt để được nó là rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian do quá trình tố tụng của toà án khi xử lý các tài sản đảm bảo là bất động sản.

Thế nên trong tình hình hiện nay, chúng ta cần có một nghị quyết của Quốc hội hoặc của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề vướng mắc về luật pháp để xử lý các tài sản đảm bảo này.

Cụ thể, cơ chế mới cần cho phép các ngân hàng thương mại được sử dụng các trung tâm thẩm định giá của Bộ Tư pháp, toà án để phát mãi tài sản.

Qua đó, chúng ta có thể rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu. Với quy trình tố tụng bình thường như hiện nay, thời gian phát mãi tài sản thông thường phải mất 3-5 năm, còn với đề xuất này chỉ mất một vài tháng.

* TS Trần Hoàng Ngân(thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia):

Mở rộng đối tượng cho vay mua nhà ở thương mại

Tiến độ xử lý nợ xấu chậm là bởi thị trường bất động sản đang bị đóng băng và nền kinh tế suốt mấy năm qua gặp nhiều khó khăn.

Do đó để xử lý nợ xấu, hai yếu tố này phải có những chuyển động tích cực.

Muốn điều này cần xem xét ban hành sớm chính sách cho vay ưu đãi cho người dân mua nhà ở thương mại, nhà liên kế… Đặc biệt, cần mở rộng đối tượng vay chứ không chỉ hạn chế là cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, tức là bất cứ ai có khả năng trả nợ thì được vay vốn ưu đãi để mua nhà.

Một trong những căn cứ để xem xét người dân có khả năng trả nợ là tờ quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần lưu ý phải có cơ chế ngăn chặn đầu cơ bất động sản, nếu không chính sách sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, giá bất động sản hiện nay là một vấn đề. Phía các nhà đầu tư bất động sản cần tính toán, cân nhắc thận trọng khi quyết định giá bán sản phẩm, thậm chí chấp nhận thua lỗ để thu hồi vốn nhanh thay vì để vốn tiếp tục nằm chết.

Ngoài ra, nên cho phép các ngân hàng được kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro là 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay…