12/01/2025

Hong Kong tê liệt vì biểu tình

Hôm qua, cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay và gậy để giải tán đám đông biểu tình đòi bầu cử tự do khi họ bao vây toà nhà chính phủ ở trung tâm thành phố.

 

Hong Kong tê liệt vì biểu tình

Hôm qua, cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay và gậy để giải tán đám đông biểu tình đòi bầu cử tự do khi họ bao vây toà nhà chính phủ ở trung tâm thành phố.

 

Cảnh sát phun hơi cay vào đám đông biểu tình ở Hong Kong - Ảnh: Reuters
Cảnh sát phun hơi cay vào đám đông biểu tình ở Hong Kong – Ảnh: Reuters

 

 
 
 

              

  

          

 

 

Từ nay trở đi sẽ có thêm nhiều cuộc đụng độ, có thể là bạo lực
Nhà phân tích chính trị Sonny Lo

Theo Reuters, quận Admiralty ở Hong Kong rơi vào khung cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn người biểu tình xô đẩy hàng rào mà lực lượng an ninh dựng lên để phong to các tuyến phố chính của thành phố. Các con phố chính ở trung tâm Hong Kong là Gloucester và Harcourt chật cứng người biểu tình.

Họ hô vang: “Hãy phá bỏ các hàng rào” và “Các người thật đáng xấu hổ”. Toàn bộ Hong Kong rơi vào cảnh tê liệt.

Cảnh sát Hong Kong đã liên tiếp bắn hơi cay vào các đám đông biểu tình và dùng gậy ngăn chặn dòng người xông về phía trước. Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Hong Kong phải sử dụng hơi cay kể từ năm 2005 để trấn áp cuộc biểu tình phản đối nông dân Hàn Quốc. Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh khẳng định cảnh sát sẽ mạnh tay đối phó với cuộc biểu tình “theo đúng quy định luật pháp”.

Đến đêm qua, một nhóm sinh viên đã đăng một tuyên bố trên Facebook kêu gọi người biểu tình rút lui vì lo sợ cảnh sát sẽ dùng đạn cao su để giải tán đám đông.

“Chiến đấu bằng tình yêu và hoà bình”

Trước đó, cảnh sát Hong Kong đã phong to toàn bộ các tuyến phố chính để ngăn chặn phong trào biểu tình “Occupy central with love and peace” (Chiếm giữ trung tâm với tình yêu và hoà bình) làm tê liệt trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Người phát ngôn cảnh sát Hong Kong Kong Man Keung khẳng định nhà chức trách sẽ bắt giữ bất kỳ ai sử dụng bạo lực. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ cách xử lý tình hình của chính quyền Hong Kong.

Bất chấp những lời cảnh báo, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người biểu tình đổ ra đường từ sáng sớm. Họ mang khẩu trang và kính bảo hộ kín mặt để đối phó với hơi cay của cảnh sát. Ước tính khoảng 80.000 người dân Hong Kong đã đi biểu tình ở quận Admiralty.

Doanh nhân truyền thông Jimmy Lai, một trong những nhân vật chủ chốt đứng sau phong trào Occupy central, khẳng định càng nhiều người đổ ra đường biểu tình thì cảnh sát càng khó kháng cự.

“Càng nhiều công dân Hong Kong có mặt thì cảnh sát càng khó trấn áp. Kể cả khi bị đánh đập chúng tôi cũng sẽ không kháng cự. Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bằng tình yêu và hoà bình” – ông Lai cũng đeo khẩu trang và kính bảo hộ khẳng định.

Nguồn tin báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết nhiều người biểu tình đã tập huấn hàng tháng kỹ thuật kháng cự bất bạo động, khiến cảnh sát rất khó đẩy lui họ. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Hong Kong cũng đã tăng cường luyện tập kỹ thuật chống bạo động những ngày qua.

Tại đường Connaught, người biểu tình cũng diễu hành đông đặc. AFP dẫn lời sinh viên 19 tuổi Ryan Chung khẳng định: “Chúng tôi có quyền đến đây và biểu tình. Cả thế giới cần phải biết điều gì đang diễn ra ở Hong Kong. Thế giới cần biết rằng chúng tôi đòi hỏi bầu cử tự do nhưng không được”. Nhà phân tích chính trị Sonny Lo mô tả cuộc biểu tình là một bước ngoặt của Hong Kong.

Bắc Kinh sẽ cứng rắn

Nghị sĩ Hong Kong Lee Cheuk Yan cho biết ba đồng nghiệp của ông, bao gồm hai chính trị gia ủng hộ bầu cử tự do là Albert Ho và Emily Lau, đã bị bắt giữ.

Một ngày trước đó cảnh sát Hong Kong cũng đã bắt giữ 78 người biểu tình, bao gồm nhiều học sinh và sinh viên, trong đó có học sinh 17 tuổi Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào biểu tình Scholarism.

Wong là người đầu tiên kêu gọi bao vây toà nhà chính phủ Hong Kong. Cha mẹ của Wong mô tả vụ bắt giữ cậu là động thái “trấn áp chính trị”. Wong đã được thả hôm qua mà không bị truy tố. Cậu nói sẽ quay lại biểu tình.

Hôm qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh chỉ trích cuộc biểu tình Occupy central là hành vi bất hợp pháp. Tân Hoa xã cũng dẫn tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh phê phán cuộc biểu tình đã hủy hoại pháp luật và trật tự xã hội Hong Kong. Dù vậy ông Lương Chấn Anh cam kết chính quyền Hong Kong sẽ tổ chức các cuộc tham vấn chính trị với người dân về các thay đổi chính trị tại thành phố này.

Một số doanh nhân giàu ảnh hưởng ở Hong Kong cũng đã lên án cuộc biểu tình Occupy central sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và kinh tế của thành phố này.

Tỉ phú địa ốc Lee Shau Kee cảnh báo trung tâm tài chính là huyết mạch của Hong Kong và việc nó bị chiếm đóng sẽ “giống như việc Vạn lý trường thành bị phá hu”. “Hong Kong sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh và sự thịnh vượng sẽ sụt giảm” – ông Lee nhấn mạnh.

Hong Kong trở về với Trung Quốc từ năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Bắc Kinh cam kết quyền tự trị và tự do chính trị cho Hong Kong.

Tuy nhiên hồi tháng 8, Trung Quốc khẳng định người dân Hong Kong chỉ có thể bầu đặc khu trưởng năm 2017 theo danh sách ứng cử viên được Bắc Kinh thông qua từ trước. Chính tuyên bố này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối, đòi bầu cử tự do trong thời gian qua.

Các chuyên gia Hong Kong nhận định chính quyền Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước những đòi hỏi của người dân Hong Kong. Tuy nhiên nhà phân tích Sonny Lo cảnh báo Bắc Kinh cần hành động cẩn trọng, bởi “bất cứ hành động sai lầm nào cũng sẽ dẫn tới làn sóng phản đối quy mô lớn hơn”.