12/01/2025

​“Chạy đua” vào câu lạc bộ kỹ năng

SV vào CLB kỹ năng với mong muốn tham gia một môi trường tốt để nâng cao chuyên môn, tích luỹ kỹ năng mềm. Nhưng để vào được CLB có uy tín, đó thật sự là một cuộc “chạy đua”.

 

​“Chạy đua” vào câu lạc bộ kỹ năng

Mỗi dịp đầu năm học, sinh viên (SV) lại háo hức chờ đợi kế hoạch tuyển thành viên của các câu lạc bộ (CLB) kỹ năng.

 

SV tham gia trò chơi tập thể trong vòng thi tuyển thứ hai của CLB Rec miền Nam tại công viên Thỏ Trắng – Ảnh: Nguyễn Ngọc

 

 
 
 

              

  

          

 

 

SV vào CLB kỹ năng với mong muốn tham gia một môi trường tốt để nâng cao chuyên môn, tích lu kỹ năng mềm. Nhưng để vào được CLB có uy tín, đó thật sự là một cuộc “chạy đua”.

Mỗi CLB có một cách tuyển chọn riêng, nhưng cùng chung quan điểm là phải trải qua nhiều vòng thi để sàng lọc thành viên phù hợp.

“Tỉ lệ chọi” khá cao

Theo thống kê của Hội SV TP.HCM, năm học 2013-2014 có hơn 3.000 CLB, đội nhóm đang hoạt động ở các trường ĐH, CĐ. CLB là hình thức tập trung, tạo cơ hội và môi trường sinh hoạt, rèn luyện các kỹ năng sống rất hiệu quả.

Đối với các CLB có uy tín, việc thi tuyển thành viên thật sự như là cuộc “chạy đua” khốc liệt với SV bởi “tỉ lệ chọi” còn cao hơn cả kỳ thi tuyển sinh vừa rồi của trường.

Là một CLB truyền thông có uy tín nhiều năm nay trong giới SV TP.HCM, đầu năm học mới này CLB Rec miền Nam tuyển 19 thành viên ở ba ban đối ngoại, IT và nội dung với bốn vòng tuyển chọn dành cho SV.

Ngay vòng tuyển chọn hồ sơ đã có gần 300 hồ sơ ứng tuyển gửi về. Các SV phải trải qua hơn một tháng thi tuyển với bốn vòng thi: hồ sơ ấn tượng, phỏng vấn, training – làm dự án theo nhóm và trải nghiệm chuyến đi xa thực tế.

Bạn Phạm Thị Kiều Linh (SV năm nhất ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) thổ lộ:

“Việc thi tuyển khó giúp CLB tạo niềm tin cho các SV ứng tuyển về sự chuyên nghiệp trong hoạt động. Dù kết quả thế nào thì bản thân mình và các bạn vẫn học được rất nhiều thứ sau mỗi vòng thi”.

Nhiều SV năm nhất không may mắn trong đợt tuyển lần này vẫn quyết tâm rèn luyện để tìm một CLB phù hợp hơn để sinh hoạt, rèn luyện.

CLB Nghiên cứu khoa học (ĐH Kinh tế – luật – ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đang trong giai đoạn tuyển thành viên cho năm học mới. Năm nay, CLB tuyển 20-25 thành viên từ hơn 250 hồ sơ đăng ký của SV năm nhất.

Để được gia nhập CLB, các SV phải trải qua bốn vòng thi: hồ sơ ấn tượng, tư duy viết, làm việc nhóm và phỏng vấn. CLB S-com (Truyền thông SV) trực thuộc Hội SV ĐH Kinh tế TP.HCM cũng rất chuyên nghiệp và chú trọng trong công tác tuyển thành viên.

Bạn Hoàng Yến, phó chủ nhiệm CLB, cho biết: “CLB có nhiều ban, êkip khác nhau rèn luyện rất nhiều kỹ năng cho SV. Mỗi đợt tuyển, CLB nhận hơn 350 hồ sơ gửi về nhưng số lượng được chọn chỉ dao động khoảng 20 SV sau ba vòng thi: hồ sơ ấn tượng, làm việc nhóm và phỏng vấn”.

Nhiều CLB khác cũng có “tỉ lệ chọi” và SV không hề dễ dàng được nhận vào khi công tác tuyển thành viên rất chặt chẽ như Margroup, Chứng khoán (ĐH Kinh tế TP.HCM), Kỹ năng doanh nhân, Kinh doanh quốc tế (ĐH Ngoại thương TP.HCM), Phóng viên trẻ (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM)…

Tuyển khó để nâng chất hoạt động

Việc nhiều SV năm nhất chạy đua, nộp đơn đến rất nhiều CLB cùng một lúc là chuyện khá phổ biến hiện nay.

Có nhiều tân SV khoa báo chí và truyền thông ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng lúc nộp đơn thi tuyển các CLB Rec miền Nam, Phóng viên trẻ, Nhân sự, MV (CLB Văn nghệ – khoa báo chí và truyền thông), CKT (CLB Văn nghệ của trường)…

“Mình muốn tham gia một CLB học thuật và một CLB năng khiếu để vừa giúp nâng cao chuyên ngành học vừa thỏa mãn đam mê ca hát của bản thân. Các CLB tuyển rất khó nên nộp đơn nhiều CLB để nếu rớt CLB này còn có cơ hội vào CLB khác”, một SV cho biết.

Anh Hữu Nghĩa, thành viên sáng lập CLB Rec miền Nam, chia sẻ: “Một CLB muốn hoạt động tốt và lâu dài thì cần tìm đúng những thành viên phù hợp với tiêu chí hoạt động và văn hóa của CLB. Mỗi lần tuyển thành viên, “tỉ lệ chọi” khá cao giúp các ứng viên phải chủ động, cố gắng và cảm thấy trân trọng nếu như vượt qua cả bốn vòng thi”.

Cùng quan điểm với anh Hữu Nghĩa, bạn Lê Thị Huyền Vy, chủ nhiệm CLB Nghiên cứu khoa học (ĐH Kinh tế – luật – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết tuyển thành viên mới là hoạt động trọng tâm và luôn được CLB đầu tư nhằm lựa chọn những thành viên thật sự tốt, phù hợp với tiêu chí hoạt động.

Tuyển được những thành viên phù hợp, có năng lực sẽ giúp CLB hoạt động hiệu quả, khi ấy thành viên sẽ học hỏi, nâng cao kiến thức, rèn luyện nhiều kỹ năng hơn.

Nhu cầu SV mong muốn tham gia CLB rất lớn nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng hết. Anh Dương Minh Mẫn, chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá:

“CLB muốn hoạt động, phát triển tốt cũng cần giới hạn một lượng thành viên nhất định vì nếu quá đông thì việc duy trì hoạt động lâu dài rất khó. Hội SV trường cũng có chủ trương tăng số lượng CLB nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của SV vì mỗi CLB chỉ có thể từ 100- 150 SV thôi”.

Trong khi đó, anh Dương Trọng Phúc, phó giám đốc Nhà văn hóa SV TP.HCM, nói:

“Phần lớn SV hiện nay khi ra trường đều thiếu kỹ năng mềm, muốn rèn luyện cho bản thân những kỹ năng ấy cần phải có thời gian và môi trường rèn luyện”.

“CLB học thuật là môi trường bù đắp lỗ hổng kỹ năng cho SV suốt quá trình học tập. Nhưng việc lựa chọn CLB để tham gia cần phải phù hợp với bản thân để quá trình rèn luyện, học hỏi kỹ năng được hiệu quả”.

“Các CLB muốn chất lượng hoạt động tốt, nâng cao kỹ năng cho SV nên công tác sàng lọc ứng viên phù hợp là cần thiết để các bạn có thể tham gia lâu dài, đóng góp vào sự phát triển của CLB cũng như tích lũy được kỹ năng cho bản thân.

Khi tham gia CLB, SV được hưởng rất nhiều quyền lợi như mối quan hệ, nguồn lực, phát triển kỹ năng nên CLB cần lựa chọn những thành viên có năng lực, tâm huyết, cam kết gắn bó lâu dài.

Những CLB có truyền thống, uy tín, phát triển lâu dài thường làm tốt công tác chuyển giao con người, đội ngũ quản lý kế thừa được đào tạo, năng lực vận hành CLB tốt. Đây là yếu tố khác biệt giữa các CLB hiện nay”.

giảng viên HUỲNH PHƯỚC NGHĨA
(ĐH Kinh tế TP.HCM, cựu chủ nhiệm CLB Margroup, ĐH Kinh tế TP.HCM)