Uy lực ‘chim ăn thịt’ F-22
Chiến đấu cơ đắt giá nhất trong kho vũ khí Mỹ lần đầu tiên tham chiến trong chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Hồi giáo trên đất Syria.
Uy lực ‘chim ăn thịt’ F-22
Chiến đấu cơ đắt giá nhất trong kho vũ khí Mỹ lần đầu tiên tham chiến trong chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Hồi giáo trên đất Syria.
|
Sau gần một thập niên bị chế giễu vì độ nguy hiểm khi bay và là ví dụ điển hình về sự lãng phí, chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor lần đầu tiên tham chiến trong chiến dịch không kích ở Syria mới đây. Lầu Năm Góc cho hay đã sử dụng cỗ máy được mệnh danh là “chim ăn thịt” này trong các cuộc tấn công phối hợp với oanh tạc cơ và những chiến đấu cơ khác, nhằm tiêu diệt từ xa sào huyệt và các cơ sở của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Syria, theo Reuters. Vụ xuất kích thành công của F-22 được đánh giá là sự thay đổi 180 độ so với cách đây 3 năm, khi các phi đội chiến đấu cơ đắt đỏ của Mỹ lâm vào tình trạng “trùm mền” gần 5 tháng vì các vấn đề an toàn liên quan đến hệ thống cung cấp ô xy.
Không đối thủ
Dòng chiến đấu cơ kiểu dáng bắt mắt, cánh hình thoi đã được thai nghén trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, khi Mỹ nỗ lực tìm kiếm một thứ vũ khí uy lực, sẵn sàng cho các cuộc không chiến ác liệt nhất với một loại chiến đấu cơ thế hệ mới của quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Moscow cũng xếp xó luôn dự án này. Dù đối thủ tự động lùi bước, giới lãnh đạo Lầu Năm Góc không vì vậy mà mất đi giấc mộng sở hữu cỗ máy thống trị bầu trời. Được thiết kế tại phân xưởng của Lockheed Martin Corp. (lúc đó có tên Lockheed Corp.) ở thành phố Burbank và chế tạo ở Marietta, bang Georgia, F-22 cuối cùng được quốc hội bật đèn xanh vào năm 1991, một phần nhờ vào chiến dịch vận động năng nổ của nhà sản xuất và gần 1.100 nhà thầu phụ trải khắp 44 tiểu bang.
F-22 có thể đạt đến vận tốc siêu thanh (Mach 1,5) mà không cần sử dụng thùng nhiên liệu phụ, cho phép nó bay nhanh và xa hơn. Bên cạnh đó, máy bay được trang bị hệ thống ra đa và cảm biến tối tân nhất; phi công chỉ việc bật máy, dò tìm và khóa mục tiêu trong thời gian nhanh kỷ lục, trước khi bị máy bay địch phát hiện. Oái oăm thay, cũng vì hiện đại quá mức trong bối cảnh các đối thủ tiềm năng như Nga, Trung Quốc trì hoãn chương trình chế tạo máy bay thế hệ mới, F-22 không có dịp xuất kích cũng như chạm trán kỳ phùng địch thủ trên chiến trường.
Cũng vì quá hiện đại nên F-22 được cất kỹ trong các nhà chứa trong khi những chiến đấu cơ khác của không quân được triển khai cho những sứ mệnh tại Afghanistan. Nó tiếp tục “án binh bất động” khi Mỹ dẫn đầu liên quân tấn công Iraq. Cũng chẳng lãnh đạo nào của Lầu Năm Góc nghĩ đến chuyện phải dùng đến nó khi giải quyết xung đột tại Libya.
Cỗ máy xa xỉ
Cách đây 2 thập niên, Lầu Năm Góc lên kế hoạch mua 648 chiếc F-22 với giá 139 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, chi phí tăng cao trong quá trình sản xuất, cuối cùng giá cả đội lên mức 412 triệu USD, tính cả chi phí nghiên cứu và thiết kế, theo số liệu do Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ cung cấp. Điều này có nghĩa F-22 chính thức là chiến đấu cơ đắt giá nhất lịch sử. Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert Gates hạ lệnh chấm dứt đơn đặt hàng vào năm 2009 vì không thể chịu nổi chi phí trong lúc ngân sách bị cắt giảm, và cuối cùng chỉ mua 187 chiếc. Không quân Mỹ đã nhận được chiếc F-22 cuối cùng vào năm 2012. Tổng cộng, Mỹ đã chi từ 67 – 68 tỉ USD cho phi đội chiến đấu cơ “hạng sang” này.
Đầu tiên, Lầu Năm Góc dự định thay thế dòng máy bay chiến đấu F-15 bằng F-22. Tuy vậy, các máy bay F-15, vốn tham chiến từ đầu những năm 1970, vẫn tiếp tục hiện diện với số lượng đông đảo, đại diện cho cái gọi là “phi đội chiếm ưu thế không trung”, tức những chiến đấu cơ có khả năng đánh bại hỏa lực của các phi cơ đối thủ và giành quyền kiểm soát bầu trời. Khi F-22 bắt đầu gia nhập lực lượng vào năm 2005, các chiến đấu cơ mới keng nhanh chóng phải bảo trì và các vấn đề khác theo nhau phát sinh. Trong những năm qua, các phi công F-22 báo cáo hàng chục sự cố có liên quan đến tình trạng lỗi trong hệ thống cung cấp ô xy cho buồng lái, khiến họ có cảm giác buồn nôn. Thậm chí, đến năm 2010, một phi công đã tử nạn vì hệ thống này ngưng hoạt động trên không.
Vấn đề trên buộc các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngưng bay toàn bộ phi đội F-22 trong gần 5 tháng vào năm 2011. Đến năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Leon Panetta chỉ đạo không quân giới hạn tầm bay của toàn bộ các chuyến bay F-22. Theo đó, các phi công phải duy trì đường bay gần điểm đáp để đề phòng trường hợp buồng lái bị thiếu ô xy. Sau 3 tháng thử nghiệm, F-22 quay lại đơn vị và khôi phục hoạt động bình thường. Đến tháng 11.2012, cái tên F-22 lại gây chú ý trong một vụ rơi máy bay tại căn cứ không quân Tyndall ở Florida. Sau đó, chúng duy trì sự hiện diện hết sức mờ nhạt cho đến khi Lầu Năm Góc tổ chức cuộc họp báo ngày 23.9, công bố chi tiết về cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu IS trên đất Syria.
Săn mồi
Theo Reuters, trung tướng William Mayville, Giám đốc chiến dịch thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã công bố những hình ảnh trắng đen chụp một số mục tiêu trước và sau khi bị trúng bom ở Syria. Trong một bức ảnh, nơi được cho là tổng hành dinh của IS ở Raqqah bị đánh sập phần hệ thống viễn thông trên nóc, phần còn lại của tòa nhà không bị hư hại. Trung tướng Mayville tiết lộ chính chiến đấu cơ F-22 đã phóng những quả bom dẫn đường bằng GPS nặng 500 kg và bắn chính xác mục tiêu.
Theo trang Daily Beast, 4 chiếc F-22 trực thuộc Phi đội chiến đấu số 27 đã tham gia cuộc không kích hồi đầu tuần. Nhóm chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 xuất phát từ căn cứ không quân Al Dhafra tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), sau đợt luân chuyển theo định kỳ từ căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis (bang Virginia). Sau đợt nâng cấp mới đây, F-22 được bổ sung khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ với 8 quả bom nặng 113 kg, dẫn đường bằng GPS, chụp ảnh chi tiết các mục tiêu trên mặt đất và tấn công trực diện vào ra đa địch.
Tuy nhiên, sứ mệnh đầu tiên của “chim ăn thịt” không hề rẻ. Theo tính toán của trang Daily Beast, Lầu Năm Góc đã chi ít nhất 79 triệu USD cho các tên lửa và những cuộc không kích đợt đầu ở miền bắc Syria, nhiều hơn cả sứ mệnh sao Hỏa của Ấn Độ (74 triệu USD). Bên cạnh đó, việc bảo trì và hoạt động của F-22 đặc biệt tốn kém. Vào năm 2013, “chim ăn thịt” đã ngốn khoảng 68.000 USD/giờ vận hành, theo Trung tâm thông tin quốc phòng Mỹ.
Do số lượng ít, F-22 hiện được triển khai tại 5 căn cứ trên đất Mỹ, gồm: Langley AFB ở Virginia, Elmendorf AFB ở Alaska, Holloman AFB ở New Mexico, Tyndall AFB ở Florida và Hickam AFB ở Hawaii. Từ các căn cứ nhà, Không quân Mỹ điều phối các phi đội F-22 đến những căn cứ nước ngoài, như căn cứ không quân Kadena (Nhật Bản), căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc, Guam, căn cứ Al Dhafra (UAE).
So sánh các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5
Việc biên chế F-22 cho Không quân Mỹ vào năm 2005 đã đánh dấu một cách không chính thức sự mở màn của thời đại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Tính đến nay, F-22 là dòng máy bay thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới được đưa vào sử dụng, trong khi các đối thủ tương lai của nó là T-50 do Nga sản xuất và Thành Đô J-20 của Trung Quốc vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Theo thông tin từ IHS Jane’s, Trung Quốc đang thử nghiệm phiên bản thứ 4 của nguyên mẫu J-20 và khả năng tàng hình của nó được cho là rất giống công nghệ ở F-22, F-35 (một số nguồn tin tình báo Mỹ tố Bắc Kinh sao chép công nghệ của Lầu Năm Góc để chế tạo chiến đấu cơ tàng hình). Vẫn chưa rõ về tầm hỏa lực của J-20, nhưng ước tính tầm hoạt động lên đến 1.800 km. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng J-20 vẫn còn nhiều hạn chế so với F-22. So về thực lực, PAK FA/T-50 của Nga được cho là đối thủ xứng tầm với F-22 hơn J-20. Theo chuyên gia Bill Sweetman của tờ Aviation Week, T-50 được thiết kế để duy trì tốc độ Mach 1,8, tương đương với F-22, nhưng tầm tấn công xa hơn, 5.500 km so với 2.960 km ở F-22. Thế nhưng, đây chỉ là đánh giá dựa trên lý thuyết và so sánh chính xác chỉ có thể được đưa ra sau khi phiên bản chính thức gia nhập lực lượng Nga.
|
Thụy Miên