14/01/2025

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất

Nhiều địa phương cấp đất ồ ạt cho các nhà đầu tư ngoại dẫn đến hậu quả rất nhiều đất vàng bị bỏ hoang, hoặc được sang tay chuyển nhượng để kiếm lời.

 

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất

Nhiều địa phương cấp đất ồ ạt cho các nhà đầu tư ngoại dẫn đến hậu quả rất nhiều đất vàng bị bỏ hoang, hoặc được sang tay chuyển nhượng để kiếm lời.

 

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt chiếm đất
Nhiều dự án ven biển miền Trung phơi nắng mưa năm này qua năm khác – Ảnh: H.X.H

Thương vụ METRO Cash & Carry VN bán 19 siêu thị ở VN cho doanh nghiệp Thái Lan là bài học kinh nghiệm quá đắt cho những chính sách ưu đãi “nặng ngoại, nhẹ nội” của VN trong thời gian qua. Nếu không được ưu ái, không dễ gì METRO lấy được đất đẹp ở Bình Phú (Q.6, TP.HCM) để xây dựng siêu thị vì đất này vốn được quy hoạch để làm công viên cho khu dân cư.

Chiếm đất rồi bán

 
 

Chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc NĐT, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh. Vừa qua, UBND tỉnh đã họp và thống nhất sẽ thu hồi dự án

 

Ông Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc BQL KDL bắc bán đảo Cam Ranh

 

Tất cả những khu đất hàng ngàn mét vuông mà METRO xây siêu thị trong cả nước đều nằm ở các khu đô thị lớn, cung đường đẹp như METRO An Phú (Q.2), METRO Biên Hòa (đường Nguyễn Ái Quốc), METRO Buôn Ma Thuột (đường Giải Phóng), METRO Hoàng Mai (đường Tam Trinh), METRO Hà Đông (đường Tô Hiệu), METRO Hạ Long (đường Vũ Văn Hiếu)… Nhưng sau khi xây 19 siêu thị ở các vị trí đắc địa và không đóng đồng thuế nào, METRO đang âm thầm bán cả hệ thống cho một đối tác nước ngoài và thu về gần 870 triệu USD trên đất đai và ưu đãi của VN.

Chiếm vị trí đất đẹp rồi dùng chiêu “thoát xác” cũng là cách mà nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngoại sử dụng tại VN. Mới đây, Tập đoàn Magnum (Dubai) đã ký kết hợp tác đầu tư với Tổng công ty bất động sản Đông Á về quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch (KDL) sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển nam Sầm Sơn (Thanh Hóa). Magnum không xa lạ gì với giới đầu tư trong nước vì đã từng thực hiện các vụ sang nhượng dự án KDL Vegas Beach Club Resort ở bãi biển Non Nước (Đà Nẵng) cho NĐT ngoại khác là Kingdom Hotel Investment Company ngay khi vừa xây dựng. Năm 2008, chủ mới khởi công xây dựng dự án dưới cái tên khác Raffles Resort nhưng một lần nữa sang nhượng lại cho một NĐT nội.

Siêu dự án KDL liên hợp cao cấp Phú Yên do Công ty TNHH New City Properties Development (Brunei) vừa được UBND tỉnh Phú Yên trao giấy chứng nhận điều chỉnh từ 4,3 tỉ USD xuống còn… 1 tỉ USD và cũng sang nhượng tới 70% vốn cho Tập đoàn Sun Rise VN (Hàn Quốc). Sun Rise VN trở thành NĐT chính của dự án này. Từ 560 ha đất ban đầu, chủ đầu tư cắt giảm còn 375,52 ha, trong đó có sân golf 18 lỗ.

Chiếm đất rồi bỏ hoang

 
 

Chưa có thống kê nào cho biết bao nhiêu diện tích đất ven biển và ở các khu đô thị lớn đang nằm trong tay NĐT ngoại, nhưng quy mô của nhiều dự án cho thấy một diện tích đất khổng lồ đang được nước ngoài khai thác. Điều đáng nói là nhiều dự án rơi vào bế tắc do đối tác rút lui, từng nằm trong danh sách đen hối thúc triển khai hoặc dọa thu hồi của chính quyền địa phương.

 

 

Các NĐT ngoại cũng được cấp đất dày đặc ở dọc chiều dài bãi biển VN. Mới đây, để đón một công ty của gia đình tỉ phú Mỹ Rockefeller quyết định đầu tư tổ hợp Vũng Rô Bay, nhà máy lọc dầu trong quy hoạch của tỉnh Phú Yên đã phải dời đi nơi khác. Tại Đà Nẵng, hàng loạt dự án chiếm đất rộng lớn ven biển là của NĐT ngoại như Hyatt Regency (Indochina Land), Ocean Villas (Vina Capital), P&I Resort (Nhật Bản). Bên cạnh biển Lăng Cô thì có Laguna Huế của Banyan Tree (Singapore). Còn Quảng Nam có khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của liên doanh Genting Malaysia Berhad (Malaysia) và Vina Capital. Tỉnh Bình Định là Hòn ngọc VN và KDL Vĩnh Hội của NĐT Nga. Phú Quốc (Kiên Giang) cũng chen kín dự án ngoại như khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn ngọc châu Á của Tập đoàn Trustee Suisse (Thụy Sĩ) và liên doanh VN.

Tại Khánh Hòa, theo ông Nguyễn Ngọc Loan – Giám đốc Ban quản lý KDL bắc bán đảo Cam Ranh, khu vực này có 4 dự án có tên NĐT nước ngoài. Trong đó, hai dự án của Nga liên doanh với các công ty của VN là KDL Nga Cam Ranh, với diện tích 15,3 ha và dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Dài, diện tích 15 ha. Hai dự án khác do hai NĐT Israel thực hiện là dự án Bãi Rồng Cam Ranh, diện tích 30 ha và dự án Manna, diện tích hơn 12 ha.

Ông Loan thừa nhận sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, một thời gian dài những dự án của các NĐT nước ngoài tại khu vực này hầu như không triển khai. Riêng dự án KDL Nga Cam Ranh vẫn chưa triển khai được gì. Dự án trên có số vốn đăng ký 495 tỉ đồng, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, thời gian thực hiện trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn là một bãi đất hoang vắng, với hàng rào tôn bao quanh và bảng hiệu dự án đã bạc màu. “Chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc NĐT, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh. Vừa qua, UBND tỉnh đã họp và thống nhất sẽ thu hồi dự án”, ông Loan nói.

Tại Quảng Nam, khoảng 30 km đường bờ biển đoạn phía nam Đà Nẵng kéo vô đến Cửa Đại – Hội An được mệnh danh là “con đường resort”, với nhiều bãi biển nổi tiếng như Cửa Đại, An Bàng cũng tồn nhiều dự án của NĐT ngoại “treo” nhiều năm. Được cấp phép 7,33 ha ven biển hồi tháng 9.2010 ở Điện Dương, dự án KDL sinh thái Vina Capital Hội An (của Công ty TNHH KDL Vina Capital Hội An 100% vốn nước ngoài) đang xây dựng khá ì ạch dù động thổ từ năm 2011. UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất cho dự án giãn tiến độ đến tháng 1.2015 sẽ… khởi công lại. Tại dự án khu du lịch biển của Công ty CP Indochina – Thế kỷ 21 (liên doanh với nước ngoài) ở H.Điện Bàn rộng gần 11 ha, được cấp phép từ tháng 1.2012, chủ đầu tư cũng cam kết đến tháng 12.2014 mới khởi công. (còn tiếp)

 

N.T.Tâm – N.Chung – H.X.Huỳnh