13/01/2025

Hộp thư kết nối sẻ chia

Hộp thư “Hãy chia sẻ ước mơ tuổi thơ” mở ra để học sinh thổ lộ những khó khăn trong cuộc sống đồng thời bày tỏ những ước mơ.

Hộp thư kết nối sẻ chia

Hộp thư “Hãy chia sẻ ước mơ tuổi thơ” mở ra để học sinh thổ lộ những khó khăn trong cuộc sống đồng thời bày tỏ những ước mơ.

 

Hộp thư “kết nối yêu thương” được đặt trong hành lang nhà trường – Ảnh: Ngọc Hậu
                

          

Hộp thư “Hãy chia sẻ ước mơ tuổi thơ” cũng tạo nhịp cầu cho những người lớn chung tay chia sẻ và chắp cánh ước mơ của các em…

Vẫn còn giữ trong tay hàng chục bức thư của học sinh, có những bức thư với nét bút nguệch ngoạc, thậm chí sai chính tả nhưng lời lẽ rất chân thành, thầy Nguyễn Huỳnh Trung Giang, phụ trách Đội của Trường THCS Cầu Khởi (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), cho biết: “Nhiều bức thư mình đọc mà muốn khóc vì thấy thương hoàn cảnh của các em”.

Mỗi lá thư một hoàn cảnh đáng thương!

Tâm sự của em Phan Vĩ Khang, học lớp 8/2, chỉ là vài dòng ngắn gọn: “Nhà em có ba người làm mà không đủ ăn nên em phải dậy sớm từ 3g30 phụ mẹ đi gỡ mủ chén, sáng em còn phải đi học, mẹ đi trút mủ…”

“Có khi buồn ngủ quá em không chịu nổi nên ngủ trong giờ học, thầy cô và các bạn nhắc nhở rất nhiều lần nhưng em không biết làm thế nào, lắm lúc em đem cà phê vào lớp để uống cho đỡ buồn ngủ nhưng cũng không có kết quả… Em cầu mong được giúp cho em đỡ khó khăn”.

Hay hộp thư là nơi để em Nguyễn Thị Kiều Diễm, lớp 9/3, thổ lộ gia cảnh ba mẹ ly dị, hai chị em sống với ông cố và bà nội bị tâm thần. Ông cố nuôi dưỡng nhưng giờ ông đã già nên hai chị em vừa đi học vừa đi làm.

“Vừa đi học vừa đi làm nên em rất bận rộn. Đi học về là phải kiếm tiền mua đồ ăn về tự nấu, ăn xong phải đi làm. Em cảm thấy rất cực khổ nhưng vì việc học nên em cố gắng vượt qua để sau này được sung sướng. Vì đi làm về tối nên em học không được giỏi lắm… Ba em bị mẹ bỏ nên đã bệnh tâm thần, đang ở Bệnh viện Biên Hòa, mỗi tháng em và chị phải chu cấp 2 triệu đồng…”

“Công việc thường làm của em mỗi ngày là sáng trút mủ và gỡ mủ chén, chiều về đi làm mướn công việc khác… Em mong nhà trường giúp đỡ để em có điều kiện học tập tốt hơn, em hứa sẽ học giỏi để không phụ lòng thầy cô. Em cảm ơn nhà trường đã cho em cơ hội viết được lá thư này…”.

Những câu chữ nguệch ngoạc về ước mơ có phương tiện đến trường với bức thư ngắn gọn:

“Em là Trương Thị Lụa, học lớp 7/4. Ba mẹ em đều làm mướn, phải nuôi em và em trai. Hiện tại ba mẹ em thất nghiệp. Nhà em không có tiền để dựng nhà nên ở nhà của Út (em của mẹ)”.

“Út đang ở xa, khi nào Út về thì phải trả nhà lại. Nhà em cách trường 5km, hôm nay em làm đơn này mong nhà trường xét cho em một phần học bổng để bớt khó khăn…”.

Duy trì mô hình để chắp cánh ước mơ của các em…

Chính nhờ sự sốt sắng của những người lớn biết chia sẻ mà Khang, Lụa mỗi em có được một chiếc xe đạp, Kiều Diễm có được học bổng 3 triệu đồng…

Lúc đầu nhiều học sinh không nghĩ mình sẽ được quan tâm giúp đỡ nhiệt tình như vậy. Em Nguyễn Thị Yến Nhi, lớp 9/3, tâm sự:

“Bố mẹ đã ly dị và mỗi người có gia đình riêng, em phải sống với bà nội. Mỗi ngày bà nội phải chạy ăn từng bữa, rồi tiền học nên ngày nào em cũng năn nỉ bạn này, bạn kia để quá giang quãng đường hơn 5km đến trường. Ước mơ về chiếc xe đạp là quá xa vời với em”.

“Hai năm trước, em bỏ thư vào hộp thư chỉ là cầu may cho hoàn cảnh khó khăn của mình. Em bất ngờ vì được thầy phụ trách Đội hỏi han và các thầy tìm đến nhà tìm hiểu, cho chiếc xe đạp trị giá 1,8 triệu đồng”.

Từ khi có xe, Nhi quyết tâm học để trả ơn thầy cô và học lực của em khá hơn trước. Cũng vậy, Lê Thị Thủy Tiên hiện đang học lớp 9/1 tâm sự:

“Ba mẹ ly dị, em ở với mẹ. Đồng lương công nhân của mẹ thấp, mẹ lại bị bệnh thiếu máu cơ tim nhưng nhiều khi không có tiền để uống thuốc”.

“Thấy mẹ đau bệnh thường xuyên, nghe các bạn cùng lớp mách hãy viết thư bỏ vào hộp thư để san sẻ với bạn bè, em chỉ thử bỏ thư và nghĩ không có kết quả nhưng sau đó nhà trường thông báo em được học bổng 1 triệu đồng”.

Tiếp nhận những bức thư của học sinh, tập thể giáo viên, ban giám hiệu Trường THCS Cầu Khởi liên hệ các nơi từ hội phụ huynh của trường đến chính quyền xã và mạnh thường quân để tìm cách giúp đỡ và phần nào thực hiện ước mơ, giúp các em an tâm với việc học.

Thầy Huỳnh Văn Cư, hiệu trưởng Trường THCS Cầu Khởi, cho biết: “Trong ba năm, nhà trường vận động để giúp được hơn 40 trường hợp, trong đó có 22 em được xe đạp, 24 học bổng từ Quỹ khuyến học xã Cầu Khởi, học bổng Chung một ước mơ…”.

Hằng tuần, thầy Cư và thầy Giang đều mở hộp thư đọc những bức thư và tìm hiểu xác minh hoàn cảnh của các em để tìm hướng giúp đỡ. Không dừng lại ở những bức thư, nhiều khi học sinh đã bỏ những đồng tiền lẻ của mình vào thùng thư để nhà trường tích góp giúp đỡ các bạn.

“Nhận được những đồng tiền lẻ chỉ 1.000 đồng hay 2.000 đồng trong hộp thư nhưng tôi rất vui vì các em học sinh đã ý thức được việc san sẻ khó khăn với bạn bè” – thầy Giang cho biết.

Nơi san sẻ ước mơ

“Nhiều học sinh do gia cảnh nghèo, mặc cảm tự ti không dám nói sau đó lẳng lặng nghỉ học, đến khi tiếp cận các trường hợp này giáo viên và nhà trường mới vỡ lẽ. Hộp thư là nơi để các em nói lên cũng như san sẻ ước mơ của mình với mọi người.

Thành công của mô hình là mỗi học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều gửi thư mong muốn được chia sẻ và thậm chí phụ huynh cũng bỏ thư vào để sẻ chia…

Chính nhờ mô hình này mà nhà trường đã ngăn chặn trước được những trường hợp bỏ học của học sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình cũng như vận động các mạnh thường quân để cố gắng giúp đỡ các trường hợp khó khăn thật sự mà các em san sẻ vào hộp thư” – thầy Huỳnh Văn Cư nói về mô hình đã thành công nhiều năm qua trong trường mình.