15/01/2025

Các nước Tây Phi có thể “sụp đổ” vì Ebola

Ngày 24-9, BBC trích đăng cảnh báo của nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), dịch Ebola có nguy cơ trở thành khủng hoảng chính trị và các nước bị ảnh hưởng có thể “sụp đổ”.

 

Các nước Tây Phi có thể “sụp đổ” vì Ebola

Ngày 24-9, BBC trích đăng cảnh báo của nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), dịch Ebola có nguy cơ trở thành khủng hoảng chính trị và các nước bị ảnh hưởng có thể “sụp đổ”.

Một bé gái mất cả cha lẫn mẹ do Ebola ngồi khóc bên ngoài một trung tâm điều trị Ebola mới mở tại Monrovia, Liberia – Ảnh: New York Times

Theo ICG, trong ba nước đang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Ebola, Guinea đã phải đối mặt với các cuộc đảo chính và bất ổn sắc tộc, còn Liberia và Sierra Leone thì đang hồi phục sau nội chiến. Chỉ cần có thêm bất ổn xã hội cộng với dịch Ebola, các nước có thể sẽ xảy ra “thảm ho không thể giải quyết nổi”.

ICG cho biết cuộc khủng hoảng Ebola đã để lộ ra sự thiếu tin tưởng của người dân vào chính quyền trong “xã hội vốn đã mong manh”, và “xung đột dân sự trong quá khứ do các nhóm đối lập địa phương và khu vực kích động có thể lại nổi lên”.

Nhóm này cũng nói cộng đồng quốc tế cần phải cung cấp thêm nhân lực và nguồn lực để giúp chống Ebola cũng như giải quyết các vấn đề dài hạn như xây dựng lại và tăng cường quản lý hệ thống chăm sóc sức kho” ở các nước.

Francis Dove Edwin – một thành viên trong lực lượng đặc nhiệm chống Ebola của Tổng thống Sierra Leone, cho biết họ đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống Ebola và dịch bệnh sẽ không gây ra bất ổn chính trị ở nước này.

* Trong khi đó, một nhóm nhân viên y tế lại bị tấn công khi tham gia chống Ebola ở Guinea. Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế cho biết các nhân viên này đang thu gom thi thể người bệnh Ebola ở miền tây Guinea thì bị tấn công. Một nhân viên Chữ thập đỏ hiện đang được điều trị tại bệnh viện do bị thương ở cổ.

Tuần trước, một nhóm 8 nhân viên đang tuyên truyền nâng cao nhận thức về Ebola đã bị giết chết ở miền đông Guinea. Bộ trưởng Tư pháp Guinea Cheick Sacko cho AFP biết 27 nghi can đã bị bắt giữ. Họ là những người dân địa phương nghi ngờ các nỗ lực chính thức nhằm chống lại Ebola.

Cho đến nay, dịch Ebola đã khiến hơn 2.811 người chết, đa số ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Hôm 23-9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người nhiễm Ebola có thể lên đến 20.000 vào đầu tháng 11 nếu các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh không được đẩy mạnh, trong khi Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo khoảng 550.000 – 1,4 triệu người sẽ nhiễm virút Ebola từ nay đến tháng 1-2015.

Liberia: thiếu chỗ điều trị, nhiều bệnh nhân Ebola chết tại nhà

Theo  New York Times, nhiều bệnh nhân Ebola ở Liberia đã và đang chết tại nhà do không có chỗ điều trị.

Eric Gweah - người nhà một bệnh nhân, kể cha mình bệnh hơn 6 ngày với các triệu chứng của Ebola. Gia đình đã hai lần gọi taxi chở ông đến trung tâm điều trị ở thủ đô Monrovia nhưng đều phải quay về vì không còn giường bệnh.

Ông đã qua đời trong đau đớn tại nhà riêng trước sự chứng kiến và bất lực của người thân. Sau đó, người ta tới đem xác ông đi xử lý. ”Điều duy nhất chính phủ có thể làm là đến lấy xác. Họ đang giết chết chúng tôi”, Eric Gweah phẫn nộ.

Các tổ chức và chuyên gia y tế nói tình trạng thiếu nơi điều trị bệnh ở Liberia đang khiến dịch bệnh lây lan nghiêm trọng hơn khi người bệnh lây virút cho người thân, hàng xóm và những người khác, và “vòng tròn” lây lan này cứ mỗi ngày mỗi lớn.

Theo ước tính, chỉ có 18% bệnh nhân Ebola ở Liberia đang được chăm sóc tại các bệnh viện, trung tâm, nơi họ được cách ly và nhờ đó giảm nguy cơ lây lan cho người khác. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) nói nếu tỉ lệ này không đạt tới 70% thì số người nhiễm bệnh sẽ còn tiếp tục tăng cao.