27/11/2024

Người Scotland bỏ phiếu tìm độc lập

Hôm 18-9, khoảng 4,3 triệu cử tri Scotland sẽ đi bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Anh sau “cuộc hôn nhân” kéo dài 307 năm.

 

Người Scotland bỏ phiếu tìm độc lập

Hôm nay 18-9, khoảng 4,3 triệu cử tri Scotland sẽ đi bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Anh sau “cuộc hôn nhân” kéo dài 307 năm. 

Người Scotland biểu tình ủng hộ và chống độc lập - Ảnh: Reuters
Người Scotland biểu tình ủng hộ và chống độc lập – Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân này có thể sẽ làm thay đổi thế giới.

Theo báo Guardian, các khảo sát cho thấy rất khó dự đoán trước kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm nay. Khảo sát của các hãng ICM, Opinium và Survation cho thấy phe ủng hộ độc lập có 48% số phiếu ủng hộ, lực lượng phản đối vượt trội với 52% phiếu. Tuy nhiên, ước tính còn 8-14% trong tổng số 4,3 triệu cử tri Scotland vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

“Kết quả sẽ cực kỳ sát sao” – báo The Scotsman dẫn lời dự báo của giáo sư chính trị John Curtis thuộc ĐH Strathclyde. Chính quyền Scotland cho biết có tới 97% cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, một con số kỷ lục. Sẽ có hơn 100.000 thiếu niên 16 và 17 tuổi lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ công dân. Tổng cộng 2.608 điểm bỏ phiếu trên toàn Scotland sẽ hoạt động cho tới tận 10g đêm.

Vương quốc Anh tan vỡ?

Đảng Dân tộc Scotland (SNP) phát động chiến dịch đòi độc lập kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Trong lá thư ngỏ gửi người dân hôm qua, Thủ hiến Scotland Alex Salmond kêu gọi các cử tri “tận dụng cơ hội lịch sử”. “Chúng ta hãy tự quyết định tương lai đất nước. Đừng để cơ hội này vuột khỏi tầm tay. Đừng để người ngoài nói rằng chúng ta không thể” – ông Salmond, chủ tịch SNP, nhấn mạnh.

Các nhà quan sát cho biết tư tưởng độc lập đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Scotland. Việc Scotland lập quốc hội năm 1999 càng thổi lửa vào khát vọng độc lập. Nhìn chung, phần lớn người Scotland ủng hộ Công Đảng nhưng Đảng Bảo thủ thường xuyên chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Vương quốc Anh. 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Chính phủ Anh thực hiện hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo. Các ngành dịch vụ công sa thải nhiều lao động, phúc lợi bị cắt giảm nghiêm trọng. Rất nhiều gia đình thu nhập thấp ở Scotland bị ảnh hưởng nặng nề. Theo báo cáo tháng 6-2014, ngân sách Scotland bị cắt 6 tỉ bảng (9,77 tỉ USD). Hơn 50.000 nhân viên nhà nước bị sa thải. Người Scotland cho rằng nếu tách ra khỏi Vương quốc Anh, họ có quyền tự chọn chính phủ cho mình và vứt bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà London ép Edinburgh phải thực hiện.

Thời gian qua, từ các quan chức Chính phủ Anh đến cả những nhân vật nổi tiếng như ngôi sao bóng đá David Beckham và tác giả Harry Potter, nhà văn J.K. Rowling, đã tham gia chiến dịch vận động “Chúng ta tốt đẹp hơn khi cùng nhau” nhằm thuyết phục người Scotland từ bỏ tư tưởng độc lập. Lãnh đạo ba đảng lớn ở Anh là Đảng Bảo thủ, Công Đảng và Đảng Dân chủ tự do đều cam kết London sẽ trao thêm nhiều quyền lực tự trị về ngân sách và thuế cho Edinburgh.

Thủ tướng Anh David Cameron mô tả việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ là “cuộc ly hôn vô cùng đau đớn” và nước này sẽ phải đối mặt với những bất ổn về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo SNP bác bỏ mọi đề nghị của London.

Ảnh hưởng toàn cầu

Nếu người Scotland chọn độc lập, hầu như chắc chắn Thủ tướng Cameron sẽ từ chức. Báo Financial Times dẫn lời một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ nhấn mạnh ông Cameron không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của một thời kỳ đầy biến động. Trước hết, Edinburgh và London sẽ phải đàm phán trong 18 tháng để giải quyết những vấn đề chung như sử dụng đồng bảng Anh, chia sẻ nguồn tài nguyên dầu ở biển Bắc, kiểm soát biên giới…

Một Scotland độc lập sẽ phải đàm phán lại để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Sức mạnh quốc phòng của Anh sẽ suy giảm nghiêm trọng. Anh đang triển khai hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident ở Scotland. SNP tuyên bố muốn một Scotland độc lập không có vũ khí hạt nhân, do đó London sẽ phải di dời hạm đội Trident đến nơi khác.

Dự báo sự kiện này sẽ  ảnh hưởng tới cả quan hệ an ninh Mỹ – Anh và Anh – NATO trong thời điểm NATO và Mỹ đang đau đầu đối phó với khủng hoảng Ukraine. Các chuyên gia tài chính dự báo việc Scotland tách khỏi Anh sẽ khiến cả thị trường tài chính London và Phố Wall (Mỹ) rúng động, giới đầu tư lo ngại, kéo dài thêm sự bất ổn kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland cũng đang thổi lửa vào các phong trào ly khai ở châu Âu. Các phong trào độc lập ở xứ Catalonia và Basque tại Tây Ban Nha, Quebec ở Canada, Corsica tại Pháp, xứ sở người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ… đều đang đòi trưng cầu ý dân về việc độc lập tương tự Scotland. Trung Quốc cũng rất lo ngại diễn biến ở Scotland sẽ dẫn tới những biến động ở các vùng tự trị Tân Cương và Tây Tạng. Mới đây, Thời Báo Hoàn Cầu liên tiếp đăng bài xã luận chỉ trích cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland.

 

Vương quốc Anh không có Scotland sẽ ra sao?

Nếu Scotland độc lập có nghĩa là Vương quốc Anh sẽ mất 1/3 diện tích đất, 8% dân số, 10% doanh thu thuế và những thiệt hại không thể đo đếm về văn hóa và chính trị. Dư luận quốc tế gợi ý cái tên Vương quốc Anh (Great Britain và United Kingdom) nên được đổi thành “Little Britain”, “South Britain” hay “Former United Kingdom” (cựu Vương quốc Anh), hoặc đơn giản là “Anh, Wales & Bắc Ireland”.