13/01/2025

Trường càng nổi, học sinh càng ngộp

Lớp học có sĩ số 50 học sinh trở lên là tình trạng chung ở nhiều trường điểm, trường nổi tiếng của TP.HCM hiện nay. Giờ ra chơi, sân trường đông nghẹt học sinh, các em chen chúc nhau với những trò chơi tuổi thơ…

 

Trường càng nổi, học sinh càng ngộp

Lớp học có sĩ số 50 học sinh trở lên là tình trạng chung ở nhiều trường điểm, trường nổi tiếng của TP.HCM hiện nay. 

 

 

 

Dù là niềm mơ ước của nhiều trường ở TP.HCM, sân Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn cũng quá tải vì số lượng học sinh quá lớn - Ảnh: Như Hùng

Dù là niềm mơ ước của nhiều trường ở TP.HCM, sân Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn cũng quá tải vì số lượng học sinh quá lớn – Ảnh: Như Hùng

Giờ ra chơi, sân trường đông nghẹt học sinh, các em chen chúc nhau với những trò chơi tuổi thơ…

Tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3) – ngôi trường có sân rộng thênh thang, niềm mơ ước của rất nhiều trường khác ở TP.HCM, giờ ra chơi khoảng sân vẫn trở nên quá chật với gần 2.600 học sinh.

Cô Nguyễn Thị Anh Đài, phó hiệu trưởng Trường Nguyễn Thái Sơn, cho biết:

“Giờ chơi, nhà trường huy động giáo viên là tổng phụ trách Đội, tất cả giáo viên thể dục cùng hơn 30 học sinh trong đội sao đỏ phải đi lòng vòng quanh trường để giám sát và kịp thời nhắc nhở những em chạy quá nhanh hoặc chơi những trò chơi nguy hiểm. Riêng các cô bảo mẫu thì việc giám sát học sinh trong giờ ra chơi đã thành thói quen từ rất lâu rồi”.

Tháo chạy khỏi trường điểm

Chị H. – một phụ huynh vừa xin cho con chuyển trường (một trường rất nổi tiếng ở Q.3) sang một trường có sĩ số thấp hơn – tâm sự:

“Trường cũ của cháu rất tốt, điều này không phải bàn cãi. Bé nhà mình còn may mắn được học cô giáo là giáo viên giỏi, cô rất nhiệt tình, quan tâm đến từng học sinh. Nhưng sĩ số lớp học đến 50 cháu, mặc dù tôi biết cô rất mệt nhưng cũng không thể sâu sát đến từng học sinh. Bằng chứng là sau khi học ở trường, về nhà bố mẹ phải kèm thêm cho bé viết”.

Con mệt mỏi, cha mẹ cũng mệt mỏi, cuối cùng chị H. quyết định cho con chuyển sang trường ít nổi tiếng hơn.

Cô Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), chia sẻ: “Nhà trường phải phân công mỗi ngày sẽ có các giáo viên của một khối trực trong giờ ra chơi để quan sát, nhắc nhở học sinh đừng chạy nhanh, sẽ va vào nhau rất nguy hiểm. Sân trường hẹp, học sinh đông nhưng lứa tuổi tiểu học các em rất hiếu động, không thể không cho các em chạy nhảy”.

Ở trường này, hiện đa số các lớp đều có sĩ số 50 học sinh, thậm chí có lớp 51 học sinh. Năm nay, dự kiến ban đầu trường chỉ mở bảy lớp 1 nhưng cuối cùng tăng lên tám lớp. Tương tự, Trường Nguyễn Thái Sơn đa số các lớp 50 học sinh, chỉ có vài lớp dưới 50.

Trường đông, sĩ số học sinh/lớp quá cao gây khó khăn rất nhiều cho ban giám hiệu các trường cũng như giáo viên đứng lớp.

“Vì vậy, phải xếp thời khóa biểu và phân công giáo viên đứng lớp cho hợp lý. Một khó khăn nữa là việc sắp xếp bàn ghế trong lớp: một lớp 50 học sinh thì khoảng cách giữa bàn học đầu tiên đến bảng đen cũng không đạt yêu cầu của Bộ Y tế” – TS Lê Thị Ngọc Điệp phân tích.

Thế nên, giờ chào cờ sáng thứ hai ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, không có gì lạ lùng khi học sinh ngồi dưới sân không đủ, phải ngồi cả trên sảnh của trường.

Học sinh chen chúc trong một tiết học tiếng Anh lớp 5 tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Học sinh chen chúc trong một tiết học tiếng Anh lớp 5 tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Chạy trường quá nhiều

Tại sao các trường lại đông học sinh như vậy? Ông Đinh Thiện Căn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.1, lý giải:

“Do tâm lý phụ huynh muốn cho con em mình được học trường có uy tín. Đây là nhu cầu đương nhiên và không thể trách phụ huynh được. Chỉ có điều do phòng học có hạn, các trường không đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh được. Thế nhưng, nhiều trường ở Q.1 vẫn phải nâng sĩ số học sinh lên 50 em/lớp là các trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo…”.

Theo nguồn tin của chúng tôi, mùa tuyển sinh đầu cấp năm 2014 có trường tiểu học ở Q.1 nhận học sinh diện trong tuyến (con em nhân dân trên địa bàn phường) chưa đến 300 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh dự tuyển diện ngoài tuyến vào trường này là hơn 300 học sinh – cao hơn số học sinh trong tuyến. Trong đó, có những trường hợp “không thể không nhận”.

Thế nên, cuối cùng nhà trường đành phải nhận hơn 100 học sinh ngoài tuyến bằng cách mở thêm lớp, đồng thời tăng sĩ số học sinh/lớp lên cao, vượt rất xa so với quy định của Bộ GD-ĐT (35 học sinh/lớp).

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3 ước ao: “Chỉ cần giảm sĩ số học sinh/lớp xuống còn 40 em thôi đã là lý tưởng với chúng tôi lắm rồi”.

Không đạt chuẩn quốc gia vì “vướng diện tích”

Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa – giáo dục – thanh thiếu niên – nhi đồng của Quốc hội giữa tháng 8-2014, ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết:

“Những năm gần đây, mỗi năm TP đều xây thêm 1.400-1.500 phòng học mới nhưng vẫn quá tải. Cứ mỗi năm TP tăng thêm một quận về dân số, tăng 600.000 lao động nhập cư. Dù là nhập cư thì TP vẫn phải chăm lo về giáo dục cho các cháu. Mùa tựu trường là tụi tôi đau đầu nhất. Hiện tại, rất nhiều trường của TP không đạt chuẩn quốc gia đều vướng về diện tích chứ không vướng các tiêu chí khác”.