12/01/2025

Biết tác hại mà vẫn chấp nhận

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được xã hội quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng cần thiết nhưng đa số cho rằng sẽ có tiêu cực và nảy sinh nhiều hệ luỵ khác.

 

Biết tác hại mà vẫn chấp nhận

 

 

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được xã hội quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng cần thiết nhưng đa số cho rằng sẽ có tiêu cực và nảy sinh nhiều hệ lu khác.

 Biết tác hại mà vẫn chấp nhận
Học sinh tiểu học TP.HCM ở một lớp học thêm sau giờ học tại Q.Bình Thạnh chiều 15.9 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Qua phần trả lời của phụ huynh (PH) trong khảo sát mà Báo Thanh Niên thực hiện (xem từ số báo ngày 16.9), đa số đều cho rằng không cần thiết học thêm ở cấp tiểu học (55,8%). Tuy nhiên lại có rất đông PH vẫn phải cho con đi học thêm (74,6%). Đây là điều không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội cần bàn luận và xem xét, để lý giải vì sao có hiện tượng này.

Kiểm tra, đánh giá chỉ thiên về kiến thức

Về lý do phải cho con đi học thêm, theo trả lời của PH là để củng cố kiến thức căn bản, bổ sung những kiến thức nâng cao ngoài chương trình, không thua kém bạn bè, vượt qua các kỳ thi vì chương trình học quá nặng. Những lý do này xem ra rất chính đáng. Qua đây cũng cho thấy việc kiểm tra, đánh giá, thi tuyển ở nhà trường hiện nay chủ yếu thiên về kiến thức hoặc do chương trình nặng, kiến thức hàn lâm. Hai vấn đề này dẫn đến học sinh phải học thêm.

 

 
 

Các giải pháp cần thực hiện

 

– Xây dựng chương trình học nhẹ nhàng, giảm tính chất lý thuyết, hàn lâm, tăng tính ứng dụng để phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, tình cảm và xã hội.

– Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử hướng đến năng lực học sinh; kiểm tra đánh giá với mục đích động viên, phát triển, tuyệt đối không đặt nặng kiến thức.

– Cần có chính sách tăng lương cho giáo viên, đồng thời yêu cầu giáo viên phải làm tròn trách nhiệm, lương tâm của mình.

– Định hướng và tạo điều kiện cho tư nhân mở các trường phổ thông chất lượng cao.

 

 

Giảm khả năng sáng tạo của người học

Báo cáo do Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO thuộc LHQ) công bố những năm qua cho thấy, VN đang dần thụt lùi về nửa dưới bảng xếp hạng của thế giới và các nước láng giềng về chỉ số đổi mới/sáng tạo. Trong 5 năm gần đây, lần lượt chỉ số đổi mới/sáng tạo của VN sụt giảm từ vị trí 65/153 quốc gia năm 2008, 64/130 năm 2009, 71/132 năm 2010, tăng đáng kể lên thứ 51/125 năm 2011 đến giảm sâu xuống vị trí 76/141 năm 2012. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, VN cũng chỉ đứng giữa bảng xếp hạng (vị trí thứ 5). Những nước có chỉ số đổi mới/sáng tạo cao hơn VN gồm Singapore (hạng 8), Malaysia (32), Thái Lan (57) và Brunei (74).

Về mặt phát triển năng lực khi học thêm, đa số ý kiến PH cho rằng 2 khả năng giải bài tập và làm bài thi của HS tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, những năng lực như làm việc nhóm, tự học và sáng tạo, đặt và giải quyết vấn đề… những năng lực cần thiết cho cuộc sống sau này – thì học thêm không phát triển được. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới khả năng sáng tạo của sinh viên VN thua kém nhiều nước? Đây là điều mà ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô, phụ huynh và cả học sinh cần phải suy ngẫm về cái lợi trước mắt và cái lợi lâu dài.

Học làm người mới quan trọng 

Giáo viên dạy thêm cho HS mình đang dạy thuộc điều cấm của quy định về dạy thêm, học thêm. Nhưng dường như quy định này không thể cấm được khi PH muốn gửi con em đến học với lý do là thầy cô hiểu con mình hơn và để thầy cô vui vẻ, đối xử tốt hơn.

Trong một đợt tập huấn mới đây tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, một số giáo sư người Úc cho rằng nhiều nước cũng tổ chức học thêm cho học sinh  tiểu học (có thể do nhà nước tổ chức) nhưng chỉ học thêm về âm nhạc, mỹ thuật, quay phim, chụp ảnh… chứ không học về kiến thức các môn học.

Cha mẹ, gia đình, nhà trường và cả xã hội đều muốn học sinh học giỏi và phát triển năng lực, sở trường nhưng trước hết phải học để làm người. Thực tế, có nhiều người có trình độ cao, thạc sĩ, tiến sĩ… và rất nổi tiếng về chuyên môn nhưng vì đồng tiền hay một lý do nào đó mà phải vào vòng lao lý, hoặc cũng có người rất giỏi nhưng không biết chung sống nên phải đơn thân, độc mã vật lộn với cuộc đời…

Chính vì vậy, LHQ đã đưa ra 4 trụ cột cho việc học tập, đó là: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống và Học để tự hoàn thiện mình. Vấn đề này không phải hô khẩu hiệu mà mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi người làm cha, làm mẹ… hãy nghiệm lấy và có những ứng xử tốt nhất với con em mình. Để cho chúng lớn lên làm người xứng đáng và phát triển hết năng lực, khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi em. Mặt khác, học sinh tiểu học cần phải có thời gian vui chơi, hoạt động để phát triển phẩm chất, năng lực và hình thành nhân cách cho các em. Đây mới là điều cần thiết và vô cùng quan trọng.

 

Nguồn gốc là do chương trình học

 

Qua khảo sát này, có thể thấy lý do mang tính nguồn gốc và nguyên nhân của mọi nguyên nhân theo ý kiến của PH là chương trình học. Đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định và thiết kế chương trình học lưu tâm, nhất là khi Bộ GD-ĐT đã xác định cần đổi mới và thiết kế lại chương trình theo hướng chú trọng vào tiếp cận năng lực thay cho kiến thức.

Qua ý kiến của PH, có thể thấy chương trình học hiện hành vừa là gánh nặng cho học sinh yếu vừa không thỏa mãn nhu cầu của học sinh khá, giỏi. Kết quả khảo sát cũng cho thấy gần 1/2 phụ huynh thường cho con đi học thêm với giáo viên đang dạy con của họ, 43,4% chọn giáo viên giỏi mà mình quen biết hoặc có ai giới thiệu. Rõ ràng PH rất thực tế trong việc lựa chọn những gì mà họ cho là tốt nhất cho con của họ.

Ngoài vấn đề chương trình học, quan niệm về học giỏi, sự thông minh của trẻ và hành vi của PH đã và đang gây ra nhưng hệ lụy không tốt cho học sinh xét về mặt lâu dài. Trẻ sẽ không có thời gian để tự học, học các môn năng khiếu, thể thao, xã hội nhân văn và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí cũng như các môn học ngoại khóa. Điều này sẽ khiến học sinh phát triển lệch lạc, yếu về kỹ năng mềm, mất tính sáng tạo và yếu về năng lực lãnh đạo…

Cho đến nay, không có nhiều nghiên cứu ở VN về những hệ quả của việc dạy thêm, học thêm tác động như thế nào đến sức khỏe, khả năng tiếp nhận và phát triển tri thức cũng như các vấn đề khác của người học ở hiện tại và tương lai. Các kết quả khảo sát mới chỉ dừng lại ở dạng hỏi ý kiến của người học hay phụ huynh chứ chưa có ý kiến chuyên gia và thực nghiệm liên ngành.

Về vấn đề học thêm của con có phải là gánh nặng chi tiêu gia đình không, có hơn phân nửa PH được hỏi cho biết là không. Đây là vấn đề khá thú vị và cần khảo sát thêm. Do dữ liệu khảo sát không có thông tin về tuổi tác, thu nhập, nghề nghiệp và địa bàn cư trú của phụ huynh nên khó có thể đưa ra các nhận xét khách quan. Ngoài ra kết quả khảo sát này diễn ra ở 4 thành phố trực thuộc T.Ư và 2 tỉnh có nền kinh tế chưa phát triển là Quảng Nam và Bình Định nên việc so sánh cũng rất khó có thể đưa ra một nhận định chính xác. Trong khi đó, các báo cáo từ UNESCO và các nghiên cứu ở VN cho thấy phụ huynh đã phải chi trả thêm một khoản tiền không nhỏ, chiếm từ 30-40% tổng chi của gia đình cho việc học của con.

Thạc sĩ Bùi Tiến Huân 
(Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

Thạc sĩ  Hồ Sỹ Anh 
(Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)