16/01/2025

Cơn lốc ly khai ở châu Âu – Độc lập cho Scotland: Có hay không?

Trong những ngày gần đây, khi mà cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland ngày càng đến gần với câu hỏi rất nặng ký “Liệu Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập hay không?”, thì không chỉ riêng Scotland mà cả Vương quốc Anh cộng thêm một phần không nhỏ của châu Âu cũng đang hồi hộp chờ đợi câu trả lời cuối cùng.

 

Cơn lốc ly khai ở châu Âu – Độc lập cho Scotland: Có hay không?

 

Người dân Scotland đối mặt với ngã rẽ lịch sử trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 18.9.

 

Cơn lốc ly khai ở châu Âu - Độc lập cho Scotland: Có hay không ? 1
Một cuộc diễu hành của những người ủng hộ phe “không” tại thành phố Stirling – Ảnh: Trần Tuấn Minh

 

Trong những ngày gần đây, khi mà cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland ngày càng đến gần với câu hỏi rất nặng ký “Liệu Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập hay không?”, thì không chỉ riêng Scotland mà cả Vương quốc Anh cộng thêm một phần không nhỏ của châu Âu cũng đang hồi hộp chờ đợi câu trả lời cuối cùng. 

Trò chơi vương quyền

Lịch sử về nền độc lập của Scotland là một câu chuyện có lẽ bắt nguồn từ gần 2.000 năm về trước, khi mà đế quốc La Mã còn thống trị cả châu Âu, trong đó có quần đảo Anh. Tuy vậy, ngay cả vào thời kỳ hùng mạnh nhất, các đoàn quân La Mã cũng không thể khuất phục được những bộ lạc miền núi của Scotland (những khám phá lịch sử gần đây cho thấy số doanh trại La Mã ở Scotland là nhiều nhất so với bất kỳ nước châu Âu nào khác). Dưới thời hoàng đế Hadrian, người La Mã buộc phải xây dựng một bức tường thành khổng lồ ở miền bắc nước Anh với chiều dài 120 km để ngăn chặn các cuộc tấn công của người Scotland. Bức tường thành này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhà văn Mỹ George R.R.Martin viết bộ tiểu thuyết siêu ăn khách Trò chơi vương quyền.

Đến cuối thế kỷ 13, Scotland từng có lúc bị nước Anh xâm chiếm gần như toàn bộ nhưng sau đó đã chống trả thành công dưới sự lãnh đạo của các anh hùng William Wallace và Robert Bruce. Sau khi cuộc chiến này kết thúc, người Scotland đã viết bản tuyên ngôn độc lập cho nước mình vào năm 1320, và nhiều nhà sử học xem đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trên thế giới. Câu chuyện về William Wallace cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nam tài tử Mel Gibson làm nên bộ phim nổi tiếng Braveheart (Trái tim dũng cảm).

Tới năm 1707, nền kinh tế Scotland bị thiệt hại nặng nề do cú đầu tư sai lầm vào việc xây dựng thuộc địa ở châu Mỹ, dẫn tới việc nhiều nhà quý tộc và tư sản của nước này đứng trước nguy cơ phá sản. Trước thử thách đó, giới lãnh đạo Scotland đã đánh đổi nền độc lập bằng cách chấp nhận sáp nhập với nước Anh để nhận lại sự cứu viện về mặt kinh tế. 

 

Cơn lốc ly khai ở châu Âu - Độc lập cho Scotland: Có hay không ? 2
Các tình nguyện viên của phe “có” vận động người dân

 

Phong trào độc lập

Trong vòng hơn 300 năm từ đó cho đến nay, lúc nào ở Scotland cũng tiềm tàng các phong trào nếu không phải là đòi độc lập thì cũng là mong muốn có thêm quyền tự trị. Vào năm 1979, trong cuộc trưng cầu dân ý lần đầu tiên về việc trao quyền tự trị cho Scotland, đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã thành công trong cuộc vận động được 52% số cử tri đi bầu ủng hộ việc Scotland được phép có chính phủ tự trị với quốc hội riêng. Tuy nhiên khi đó tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ có hơn 63% nên kết quả không được chính quyền trung ương chấp nhận.

Vào năm 1997, khi người Scotland một lần nữa có cơ hội trả lời trưng cầu dân ý về quyền tự trị, số người đồng ý đã lên tới gần 75%. Từ đó tới nay, Scotland có chính phủ và nghị viện riêng với một số quyền tự quyết nhất định. Tới năm 2007, SNP giành được quyền lãnh đạo chính phủ Scotland và Thủ hiến Alex Salmond bắt đầu khởi động chiến dịch đòi độc lập, với đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra vào ngày 18.9.

Cho đến giờ thì các cuộc khảo sát ý kiến cử tri đều cho thấy hai phía đồng ý (có) và không đồng ý (không) đang ở trong thế so kè quyết liệt, với phe “không” thường dẫn trước vài phần trăm. Việc phe “có” lần đầu tiên bứt phá giành 51% hồi đầu tháng đã làm chính phủ trung ương ở London hốt hoảng và nhanh chóng đưa ra những lời hứa hẹn về việc trao thêm quyền quyết định các vấn đề thuế và chi tiêu nếu người Scotland chấp nhận nói “không”.

Đâu là nguyên do khiến cho nhiều người Scotland hào hứng với việc nói “có” trong cuộc trưng cầu lần này? Những lý do mà phe “có” đưa ra đều là những đề tài nóng không chỉ ở riêng Scotland mà còn ở cả nước Anh và châu Âu, nhất là kể từ đợt khủng hoảng tài chính năm 2008: Bất bình đẳng kinh tế, tình trạng thất nghiệp kéo dài, cắt giảm phúc lợi xã hội trong khi lại ưu đãi cho việc giải cứu các đại ngân hàng, tình trạng nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào các ngành ngân hàng và tài chính… Phe “có” tin rằng một nước Scotland độc lập sẽ đưa ra được giải pháp cho những vấn đề kể trên tốt hơn cách mà chính quyền ở London đã và đang lựa chọn.

Một vấn đề khác làm dân Scotland bất đồng với người Anh là có nên ở lại trong khối EU hay không. Trong những năm gần đây, khi đa số dân Anh đang ủng hộ việc rời khỏi EU thì người Scotland lại có quan điểm ngược lại. 

Màn kịch chính trị ?

Điều tôi nhận thấy qua những cuộc trao đổi với những người ở cả hai phía là hóa ra họ đều có chung quan điểm Scotland cần được trao thêm quyền tự quyết, và sự khác biệt chính nằm ở chỗ là nên dừng lại ở đâu thì vừa. Có người bên phe “không” còn bảo là họ ủng hộ việc cải tổ hiến pháp Vương quốc Anh theo mô hình liên bang kiểu Đức hay Mỹ, trong đó 4 quốc gia thành viên đều có chính phủ và quốc hội riêng, nằm dưới một chính quyền cấp liên bang. Nhiều người bên phe “có” bảo chính họ cũng không quá tự tin vào thắng lợi sau cùng, nhưng việc gây sức ép lên chính quyền trung ương nhường thêm quyền tự quyết cũng đủ làm vừa ý họ. Theo những diễn biến mới nhất thì xem ra dù có nói “không” thì người Scotland cũng sẽ được London chấp nhận nhượng bộ.

Có lẽ yếu tố quyết định xem Scotland lựa chọn “có” hay “không” vào ngày 18.9 sẽ đến từ những người còn đang đắn đo, mà theo khảo sát gần đây chiếm tới khoảng 20% số cử tri. Trong số này cũng có nhiều ý kiến khác nhau: người thì bảo rằng họ xem cả cuộc vận động đòi độc lập từ trước tới giờ là trò diễn kịch của giới chính trị nhằm làm dân Scotland quên đi các vấn đề khác; người thì bảo muốn có thời gian xem xét thật kỹ các luận điểm của hai phe trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Một thợ cắt tóc bảo: “Gì chứ chuyện này phải suy nghĩ thật kỹ, vì lỡ mà nói “có” rồi thì không đảo ngược lại được. Nói gì thì nói, bao giờ cũng phải cẩn thận với những lời hứa từ mấy ông chính trị gia và bạn bè của các ông ấy”.

 

 

 

Cơn lốc ly khai ở châu Âu - Độc lập cho Scotland: Có hay không ? 3

 

Ông Johnny, cựu công nhân bến cảng, nay là nghệ sĩ đường phố: “Tôi lựa chọn “Có”, vì một nước Scotland độc lập có thể buộc các tập đoàn lớn phải có trách nhiệm hơn, chứ không nhân nhượng như chính phủ Anh hiện nay. Tôi muốn việc khai thác dầu khí bằng fracking phải được ngăn chặn, vì nó sẽ dẫn tới việc ô nhiễm các nguồn nước, và một khi chuyện đó xảy ra thì Scotland sẽ không còn whisky nữa. Tôi bầu cho đảng SNP để có được độc lập trước đã, nhưng một khi có độc lập rồi thì tôi sẵn sàng bầu cho các đảng khác”.

 

Cơn lốc ly khai ở châu Âu - Độc lập cho Scotland: Có hay không ? 4

 

Bà Caroline, sinh ra ở Kenya nhưng sau đó di cư qua Ý sống 20 năm trước khi di cư một lần nữa qua Scotland cách đây 2 năm: “Từ lúc còn đi học ở Kenya tôi đã được dạy rằng Scotland là một xứ sở văn minh như thế nào. Trong suốt hơn 20 năm sống ở châu Âu, Scotland là nơi chào đón tôi nồng nhiệt nhất và làm tôi cảm thấy thực sự là ngôi nhà mới của mình. Con trai tôi bây giờ vẫn nói được tiếng Ý nhưng là bằng giọng Scotland, và thường xuyên tham gia vào các cuộc tranh luận về đề tài độc lập cho Scotland. Tôi lựa chọn “Có” với hy vọng vào một xã hội bình đẳng hơn cho mọi người”.

 

 

“Sao” Anh phản ứng trái chiều

 

Giới showbiz Anh có quan điểm trái chiều đối với cuộc trưng cầu dân ý của người Scotland. Có “sao” ủng hộ việc độc lập, có “sao” không mấy đồng tình, cũng có người không dám đưa ra chính kiến. Theo AFP, 200 người nổi tiếng ở Anh ngày 7.8 đã ký vào bức thư ngỏ kêu gọi Scotland tiếp tục cuộc hôn nhân kéo dài hơn 300 năm qua. Trong số này có cựu thành viên Paul McCartney của ban nhạc The Beatles đình đám một thời, ca sĩ Mick Jagger, thiên tài vật lý Stephen Hawking và dàn sao Hollywood như nam diễn viên kỳ cựu Michael Douglas, nữ diễn viên Judi Dench, Helena Bonham-Carter… Có cả nhà văn J.K.Rowling, tác giả bộ truyện Harry Potter, đã sống ở Edinburgh trong 21 năm và kết hôn với một người Scotland, từng tặng 1,6 triệu USD cho chiến dịch nói “không”. Ngược lại, không thiếu “sao” ủng hộ Scotland “ly hôn” như tài tử gạo cội Sean Connery, đạo diễn Ken Loach, diễn viên hài Russell Brand, nhà thiết kế lừng danh Vivienne Westwood và nam diễn viên – đạo diễn Peter Mullan… Tuy vậy, một số người vẫn tỏ ra thận trọng khi thể hiện quan điểm vì lo sợ người hâm mộ tức giận. Chẳng hạn diễn viên gốc Scotland James McAvoy đã từ chối tiết lộ anh sẽ đánh dấu ô “có” hay “không”. “Tôi sẽ không tiết lộ một phần để bảo vệ sự nghiệp của mình”, McAvoy nói. Tay vợt Andy Murray cũng từ chối bình luận về cuộc trưng cầu dân ý. 

Danh Toại

 

 

Hiệu ứng Scotland

 

Cuộc “ly hôn” tiềm tàng giữa Scotland và Vương quốc Anh đặt ra nhiều câu hỏi về cách phân chia tài sản quốc gia, chính sách ngoại giao… Liệu Scotland có là thành viên EU hay tiếp tục ở trong NATO? Họ có tiếp tục sử dụng đồng bảng hay sẽ thiết lập tiền tệ mới? Đây là những câu hỏi đáng chú ý nhưng dư chấn quan trọng hơn cả là việc Scotland độc lập sẽ có hiệu ứng như thế nào với cả châu lục và thế giới.

Kể từ Thế chiến 2, có một nguyên tắc cơ bản ở châu Âu rằng các đường biên giới là bất khả xâm phạm và sẽ không bị thay đổi. Điều này bắt nguồn từ lo ngại căng thẳng về vấn đề biên giới sẽ một lần nữa đẩy châu Âu vào một cuộc chiến khác, như nhiều thế kỷ chiến tranh vì lãnh thổ trước đây. Nguyên tắc này bắt đầu xói mòn kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, việc tan rã của Liên Xô chỉ là sự tách rời những nước cộng hòa đã tồn tại trong lòng liên bang này, theo cách nhìn nhận của một số người. “Cuộc ly hôn nhung” sau đó giữa Czech và Slokavia cũng chỉ gói gọn trong một quốc gia chỉ mới hình thành từ cuối Thế chiến 1. Việc Kosovo tách khỏi Serbia đánh dấu một bước chuyển mới nhưng điều này được biện hộ bằng sự đàn áp của người Serbia. Dù mỗi sự thay đổi đều làm suy yếu nguyên tắc bất khả xâm phạm của biên giới, các trường hợp trên đều có những khía cạnh khiến cho chúng không thể trở thành một tiền lệ dứt khoát.

Trái lại, việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh là vấn đề hệ trọng. Nếu một khối liên hiệp tồn tại qua nhiều thế kỷ có thể bị xem xét lại thì mọi trường hợp khác đều có thể. Người ủng hộ độc lập cho Scotland lập luận họ là một dân tộc riêng và mỗi dân tộc có quyền tự quyết số phận của họ, thế nên họ sẽ chọn tách ra khỏi liên hiệp. Nhưng nếu người Scotland có quyền tự quyết thì những nơi khác ở châu Âu sẽ ra sao?

Chẳng hạn, tại sao người Catalonia, vốn có phong trào ly khai tồn tại lâu đời, lại không được phép tách khỏi Tây Ban Nha nếu Scotland có thể. Nhìn sang phía đông, Hiệp ước Trianon nhượng nhiều phần đất Hungary cùng với dân số Hungary ở đó cho Romania và Tiệp Khắc. Liệu người Hungary ở các nước đó nay có quyền tái gia nhập Hungary hay không. Trong khi đó, nếu người Bỉ nói tiếng Pháp và người Bỉ nói tiếng Hà Lan muốn tách ra khỏi Bỉ thì tại sao họ không được phép? Và tại sao miền đông Ukraine không được phép ly khai và gia nhập nước Nga?

Thậm chí, hiệu ứng Scotland có thể vượt khỏi châu Âu, với vô số phong trào ly khai ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi và những nơi khác. Việc độc lập của Scotland sẽ tạo ra một tiền lệ rõ ràng vốn sẽ được mở rộng về mặt khái niệm và địa chính trị. Nó có thể sẽ hợp pháp hóa các phong trào tương tự trên toàn cầu và buộc phải định nghĩa lại thế nào là một quốc gia.  

Sơn Duân