23/01/2025

Mất 1.600 tỉ đồng/năm nếu dán tem bia

“Nên bỏ những quy định không khả thi” – là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo góp ý dự thảo NĐ quản lý sản xuất kinh doanh bia.

 

Mất 1.600 tỉ đồng/năm nếu dán tem bia

“Nên bỏ những quy định không khả thi” –  là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo góp ý dự thảo NĐ quản lý sản xuất kinh doanh bia.

Khách nước ngoài ngồi uống bia trên vỉa hè đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Khách nước ngoài ngồi uống bia trên vỉa hè đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Theo các đại biểu, có nhiều quy định tại dự thảo chưa thật hợp lý, cần phải điều chỉnh. Dù yêu cầu các đại biểu góp ý giải pháp để hoàn thiện thay vì chỉ trích, nhưng đại diện Bộ Công thương cũng thừa nhận có nhiều điểm không khả thi, có thể sẽ phải bỏ khỏi nghị định…

Bộ Công thương tổ chức hội thảo này ngày 9-9.

Gây khó, tăng chi phí…

Tiếp thu có chọn lọc

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị các đại biểu trao đổi để hoàn thiện, không phải chê trách nhau. “Nếu không nên làm như dự thảo thì đề nghị nêu xem có giải pháp thế nào?”, bà Thoa nói. Dù cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến hợp lý nhưng bà Thoa khẳng định khi dán tem bia, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí và nếu theo đúng quy trình thì dán tem chắc chắn quản lý được bia. Về cấm bán bia cho người mang thai, cho con bú… bà Thoa “xin tiếp thu có chọn lọc. Cái nào không thực tiễn sẽ điều chỉnh”.

Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, cho biết bia đang phải chịu tới năm loại giấy phép mới có thể sản xuất, như giấy phép kinh doanh phải ghi sản xuất kinh doanh bia, lập đề án xin chấp thuận mở nhà máy, đánh giá tác động môi trường, giấy phép phòng cháy và chứng nhận hợp quy của Bộ Y tế…

Với việc dự thảo nghị định của Bộ Công thương lại yêu cầu cấp phép sản xuất bia nữa, theo ông Việt, cần đưa về một cửa thay vì vẫn giữ nhiều cửa như thời gian qua để giảm thủ tục cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Việt cũng cho rằng không thể biết ai đang cho con bú hay ai đang có bầu để không bán bia, mà không kiểm soát được thì chưa nên đưa vào nghị định, chỉ đưa vào các văn bản mang tính giáo dục, cảnh báo.

Ông Lữ Bằng, Sở Công thương Đà Nẵng, cho rằng khó có thể kiểm tra phụ nữ nào đang cho con bú hay không, nên việc cấm bán cho họ là khó khả thi.

Tuy nhiên, theo ông Bằng, quy định cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi là cần thiết vì cần tiến tới xã hội văn minh.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Dũng – phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) – băn khoăn với quy định phải dán tem cho bia để cảnh báo, bởi không có nước nào trên thế giới yêu cầu in cảnh báo trên rượu bia.

Đặc biệt, theo ông Dũng, với sản lượng bia VN khoảng 3 tỉ lít/năm, tương đương 10 tỉ đơn vị phải dán tem/năm. Và với 160 đồng/con tem, VN sẽ cần 1.600 tỉ đồng/năm cho việc dán tem bia. “Chi phí doanh nghiệp cũng là chi phí xã hội. Nếu tốn kém mà hiệu quả không cao thì cần cân nhắc” – ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ – phó phòng marketing Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nếu phải dán tem cho bia mỗi năm Sabeco sẽ tốn thêm khoảng 800 tỉ đồng. “Hao tổn đáng kể quỹ lương doanh nghiệp và chi phí xã hội” – ông Sỹ nói.

Điều lo ngại hơn nữa, theo ông Sỹ, là nếu quản không tốt sẽ tạo thêm một thị trường tem, hình thành tem giả, nguy cơ tạo cơ chế xin – cho.

Bà Trần Phương Lan, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cũng chỉ ra một bất cập khác trong dự thảo nghị định này là yêu cầu nhà máy bia phải có dây chuyền công nghệ nguồn gốc hợp pháp, trong khi nhiều nhà máy bia có dây chuyền lâu năm nay phải truy tìm nguồn gốc là gây khó cho doanh nghiệp.

Không quản được là cấm?

Các quy định cấm bán bia theo hình thức thương mại điện tử, qua máy bán hàng tự động… cũng gây băn khoăn cho các đại biểu.

Ông Vũ Xuân Dũng cũng băn khoăn rằng ngoài quy định cấm bán bia qua thương mại điện tử, dự thảo còn cấm thương nhân bán bia qua phương tiện điện tử, trong khi “toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều qua thiết bị điện tử. Nếu quy định thế sẽ khó cho thương mại”.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Giao thông vận tải, đặt câu hỏi: Liệu có phải không quản được là cấm? Nếu quy định thế thì phát hiện, xử lý vi phạm thế nào?…

Cũng theo bà Nga, quy định thương nhân muốn mua bia về để kinh doanh chỉ được mua ở cơ sở sản xuất đã có giấy phép cũng khó thực hiện, bởi làm sao xác định giấy phép đó là thật hay giả?

Bà Nga cũng nêu hàng loạt thắc mắc đối với dự thảo nghị định của Bộ Công thương, như yêu cầu đảm bảo quy định an toàn thực phẩm, môi trường… bởi rất mênh mông.

“Theo dự thảo, nếu là doanh nghiệp, tôi cũng không biết làm gì để có giấy phép” – bà Nga nói. Rồi chuyện yêu cầu đi xin cấp phép phải có nhãn sản phẩm, trong khi chưa có phép thì nhãn ở đâu, làm trước mà không được cấp phép thì nhãn cũng không còn giá trị. Chưa hết, quy định doanh nghiệp nộp hồ sơ cấp phép, sau bảy ngày mới được trả lời xem hồ sơ thiếu cái gì để bổ sung. “Chỉ cần 1-2 ngày đã biết rồi, sao phải đợi lâu thế” – bà Nga hỏi.

Ông Phan Chí Dũng – vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định – cho rằng việc cấm bán trên vỉa hè đã có địa phương làm tốt, như Đà Nẵng nên cấm không phải viển vông.

“Không phải không khả thi mà không quy định, cần quy định để từ đó vận động, rồi cơ quan chính quyền có căn cứ thực hiện” – ông Dũng nói nhưng cho biết sẽ xem lại và có thể sẽ không đưa vào.

 

Ông Dũng cũng khẳng định sẽ nghiên cứu tiếp về chuyện dán tem bia nhưng cho rằng nếu nói do số lượng sản phẩm lớn thì thuốc lá cũng 4 tỉ bao vẫn phải dán. Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, nếu Chính phủ cho phép sẽ triển khai làm.