23/01/2025

Để cán bộ “hết đất làm ăn”

Ngày 9-9, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đa số đại biểu nhất trí phải quy định rõ danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân…

 

Để cán bộ “hết đất làm ăn”

Ngày 9-9, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đa số đại biểu nhất trí phải quy định rõ danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Bây giờ đang dựa vào mấy chục cái cấm, mấy trăm cái có điều kiện để mà làm ăn” - Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Bây giờ đang dựa vào mấy chục cái cấm, mấy trăm cái có điều kiện để mà làm ăn” – Ảnh: Việt Dũng

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ danh mục 11 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (trên cơ sở rà soát 51 ngành nghề hiện đang cấm).

Đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, qua rà soát vẫn còn hơn 300, vì số lượng quá nhiều nên dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ công bố danh sách này. “Trong danh mục rà soát, đại biểu có thể thấy rằng có rất nhiều ngành nghề đòi hỏi điều kiện rất phi lý” – bà Ngân nói.

“Dựa vào cái cấm để làm ăn”

Nếu không có bôi trơn của người dân và doanh nghiệp thì làm sao những cán bộ, công chức có thẩm quyền ban phát lại có đời sống khác xa với những cán bộ, công chức bình thường khác. Luật phải giảm thiểu tới mức thấp nhất cơ chế xin – cho, thủ tục hành chính
Đại biểu BÙI VĂN PHƯƠNG (Ninh Bình)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Hôm nọ tại Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng luật pháp VN phức tạp nhất thế giới. Lúc đó tôi chột dạ, cứ nghĩ bộ trưởng nói ẩu, nhưng bây giờ rà soát thì đúng là nó ra thế này đây. Đó là chưa rà soát tận gốc đến cấp xã cấp huyện cấp tỉnh. Các ông ấy cấm ở mọi nơi. Ví dụ như chỉ được mua ximăng trong tỉnh, chỉ uống bia sản xuất trong tỉnh…”.

Ông Hùng tha thiết đề nghị các đại biểu Quốc hội dành tâm huyết, trí tuệ, thời gian để thảo luận thật kỹ Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, bởi có cải cách được không, giải phóng sức sản xuất được không, đất nước có cạnh tranh được không đều phụ thuộc việc sửa đổi hai luật này. Không đồng tình với dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc mà không quy định danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Hùng đề nghị phải rà soát để đưa danh mục này vào luật, tạo cơ sở minh bạch để bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân.

“Bây giờ đang dựa vào mấy chục cái cấm, mấy trăm cái có điều kiện để mà làm ăn. Tôi nói từ làm ăn là đã cân nhắc, suy nghĩ kỹ rồi đấy” – ông Hùng bày tỏ.

“Tôi thấy luật của nước Mỹ mới phức tạp nhất thế giới, ngoài luật liên bang lại có luật của các bang, quy định điều kiện rất chặt chẽ” – đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) lên tiếng.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, điểm khác nhau là luật của họ phức tạp nhưng minh bạch, mỗi điều khoản chỉ có một cách hiểu duy nhất, với mục đích bảo vệ quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh; bộ máy của họ cũng là bộ máy bảo vệ sự trong sáng của pháp luật chứ không phải là bộ máy công quyền dựa vào luật để làm ăn.

“Ở nước ngoài luật rất nghiêm nhưng người ta không kêu ca, còn ở ta luật không nghiêm mà người ta lại kêu ca, đó là kêu ca ở chỗ khác chứ không phải kêu ca luật” – ông Lịch bình luận. Khác với ý kiến chủ tịch Quốc hội, ông Lịch cho rằng luật này không thể nào ngồi liệt kê tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được, bởi nó được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành khác.

Tranh luận lại với ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quả quyết rằng nếu không rà soát để đưa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào luật, cứ để các luật chuyên ngành điều chỉnh thì “đến muôn đời cũng không làm được”.

Ông nói: “Tôi làm bộ trưởng chục năm nên tôi biết rồi. Bộ nào cũng muốn giữ lấy cái sân của mình, nên khi làm luật chuyên ngành không gỡ ra được đâu. Năm 1998, ông Trần Xuân Giá được giao làm Luật doanh nghiệp, ông muốn làm cái luật như thế này nhưng các bộ trưởng khác lại không muốn thế, cuối cùng rồi cũng phải thỏa hiệp kiểu… cưa đôi”.

Theo ông Hùng, hiến pháp đã quy định rõ người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, quyền của người dân chỉ bị hạn chế bởi luật. Đặt điều kiện cho một số ngành nghề đầu tư kinh doanh tức là hạn chế quyền của người dân, do đó phải được quy định bằng luật chứ không phải là các văn bản dưới luật của bộ này ngành kia.

Bỏ quy định đăng ký ngành nghề kinh doanh

Mại dâm có phải một nghề?

Theo điều 4 dự thảo luật, các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:

1. Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng.

2. Kinh doanh các chất ma túy (có phụ lục kèm theo).

3. Kinh doanh các loại hóa chất bảng 1 theo công ước quốc tế (có phụ lục kèm theo).

4. Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo tín hiệu, pháo hỏa thuật theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Kinh doanh mại dâm.

6. Mua, bán người và các bộ phận cơ thể người.

7. Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, thuộc phụ lục 1 công ước CITES và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I (có phụ lục kèm theo).

8. Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

9. Kinh doanh các loại động vật biến đổi gen.

10. Kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội.

11. Kinh doanh hàng giả, các mặt hàng độc hại xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người, trừ các mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Luật doanh nghiệp hiện hành quy định doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh và chỉ được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Quy định như vậy gây khó khăn, phiền phức cho doanh nghiệp khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Ông Giàu khẳng định quy định mới này “sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh.

Hoan nghênh ban soạn thảo đã rà soát, loại bỏ 40/51 ngành nghề cấm kinh doanh theo các quy định hiện hành, nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn chưa thật sự hài lòng với danh mục trên đây.

Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), ngành nghề kinh doanh quân trang quân dụng không nên để ở danh mục cấm, bởi hiện nay người ta vẫn kinh doanh bằng cách này hay cách khác.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Hồ Trọng Ngũ cho rằng chúng ta đang đặt mục tiêu phát triển công nghiệp an ninh, quốc phòng để đảm bảo phục vụ nhu cầu quốc gia và ở nhiều nước khác thì công nghiệp quốc phòng rất phát triển, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau nên quy định cấm là không đúng.

Ngoài ra, ông Ngũ cho rằng không nên đưa vào danh mục cấm của luật này những nội dung đã được cấm tuyệt đối tại Bộ luật hình sự, ví dụ như hoạt động mua bán người không phải là một ngành nghề mà là hoạt động tội phạm.

Tương tự, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt vấn đề: “Tôi băn khoăn với quy định cấm kinh doanh mại dâm trong danh mục này. Thật sự tôi coi đây là vấn đề rất lớn. VN chúng ta đã coi mại dâm là một nghề chưa? Nếu chúng ta nói rằng cấm thì tức là chúng ta đã thừa nhận lâu nay nó là một nghề. Tôi đề nghị thiết kế nội dung này ở luật khác. Chúng ta cấm rồi nhưng trên thực tế nó vẫn hoạt động”.

Dự kiến, Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2014.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nếu dự thảo chuẩn bị chưa kỹ, thảo luận thấy chưa “chín” thì có để lùi thời gian để Quốc hội xem xét kỹ lưỡng hơn.