|
Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc thi kỳ thi ĐH-CĐ 2014. Sắp tới sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Kết quả thi sẽ để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ – Ảnh: Quang Định |
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK), đồng thời đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng… nhiều chuyên gia giáo dục đã hưởng ứng, góp ý…
* Khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa
* GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Ủng hộ một chương trình – nhiều bộ SGK
Tôi ủng hộ chủ trương xây dựng một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK. Tuy nhiên để hiện thực hóa chủ trương này thì nhiều vấn đề cần phải tính toán kỹ.
Ví dụ như việc thẩm định, kiểm soát chất lượng các bộ SGK như thế nào? Ai có quyền thẩm định, lựa chọn SGK sử dụng trong các nhà trường? Với chủ trương trên thì việc xây dựng chương trình và tổ chức biên soạn SGK mới có thể làm đồng loạt hay làm cuốn chiếu theo cách cũ?
Có nhiều ý kiến còn cho rằng việc làm mới có thể tiến hành đồng loạt. Tôi cho rằng quan điểm đó không xuất phát từ thực tiễn, không có tính khả thi bởi việc làm mới hoàn toàn chương trình – SGK là một khối lượng công việc khổng lồ, nếu làm vội, làm ẩu thì lặp lại những sai sót, bất cập. Kể cả khi ta xã hội hóa việc viết SGK thì cũng cần phải thẩm định, kiểm soát.
Theo tôi, việc đổi mới chương trình - SGK nên tiến hành theo các bước: điều chỉnh chương trình hiện hành; xây dựng các quy định, cơ chế để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Việc này rất quan trọng vì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất cập về chất lượng giáo dục là do phương pháp dạy học của giáo viên hạn chế.
Tiếp đến, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, thay thế dần bộ SGK cũ cho tới khi có những bộ SGK hoàn chỉnh có chất lượng hơn.
Việc đặt ra hai phương án, hoặc là Bộ GD-ĐT sẽ vẫn biên soạn một bộ SGK bên cạnh việc cho phép các tổ chức, cá nhân khác biên soạn những bộ SGK khác; hoặc bộ chỉ xây dựng chương trình, việc biên soạn mới SGK giao toàn bộ cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Cả hai phương án đều có những bất cập. Nếu Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn SGK, tất sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không cân sức giống như “tư nhân” và “quốc doanh”. Nhưng Bộ GD-ĐT buông hoàn toàn thì lại lo ngại rủi ro về chất lượng SGK đảm bảo cho hoạt động dạy học diễn ra bình thường.
Trong việc này, tôi cho rằng nên quy định dứt khoát, Nhà nước chỉ biên soạn một số bộ SGK thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là SGK các môn lịch sử, địa lý. SGK các môn tự nhiên có thể để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn, thậm chí dịch từ sách của nước ngoài. Nếu làm như vậy sẽ bớt tốn kém, giảm bớt thời gian biên soạn, cung cấp SGK mới cho việc dạy học.
* GS.TS MAI HỒNG QUỲ (hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM):
Tôi lo lắng
Theo tôi, việc biên soạn SGK mới cần phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện nay là Luật giáo dục và các luật liên quan.
Tôi rất lo lắng về việc cho phép các cá nhân biên soạn SGK. Câu chuyện đặt ra cơ chế thẩm định sgk như thế nào, ai thẩm định và hội đồng thẩm định gồm những ai? Có gì để bảo đảm hội đồng thẩm định đó hoàn toàn không bị tác động của thị trường trong việc thẩm định SGK?
Như vậy phải xây dựng cơ chế thẩm định SGK và phải được mang ra lấy ý kiến đông đảo các tổ chức chính trị xã hội và được giám sát chặt chẽ của xã hội.
Tóm lại là phải có cơ chế thẩm định SGK trước khi cho phép tư nhân tham gia biên soạn SGK. Còn làm theo cách cứ cho tư nhân làm đi rồi mới bàn về cơ chế là hết sức nguy hiểm.
* Nhà giáo nhân dân – GS NGUYỄN HOA THỊNH (chủ tịch đầu tiên Hội Cơ học VN):
Tổ chức một kỳ thi hai mục đích dựa trên cơ sở khoa học nào?
Một nền GD-ĐT cần phải nghiên cứu từ những vấn đề “gốc”, cụ thể như triết lý giáo dục như thế nào thì mới có thể tính toán, thiết kế các khâu khác nhau trong quá trình giáo dục.
Nếu triết lý giáo dục đặt ra mục tiêu “dạy người”, phát triển toàn diện ở bậc phổ thông, còn sau giáo dục phổ thông chỉ giáo dục nghề nghiệp thì việc “nhập hai kỳ thi trước đây” thành một kỳ thi quốc gia dùng cho hai mục đích chưa thật thuyết phục về cơ sở khoa học.
Cho đến nay, khi Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị trình đề án đổi mới chương trình – SGK phổ thông, các phương án tổ chức kỳ thi quốc gia nhưng tôi thấy những người xây dựng đề án vẫn chưa nghiên cứu kỹ, chưa thật sự lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, đội ngũ trí thức và các tầng lớp xã hội để có thể thuyết phục bằng cơ sở khoa học, thực tiễn.
Chính vì vậy nên việc quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan tới ngành GD-ĐT vẫn vấp phải sự lúng túng, không nhất quán. Đây là việc cần phải rút kinh nghiệm ngay.
* GS PHẠM TẤT DONG (phó chủ tịch Hội Khuyến học VN):
Cần lấy quyền lợi học sinh là chính
Việc đổi mới thi cử, đánh giá phải lấy quyền lợi của học sinh làm chính, sự đồng thuận của dân làm trọng, chứ không thể bất chấp nguyện vọng của dân được. Nếu chỉ bàn đổi mới thi cử thế nào có lợi cho công tác quản lý là không được.
Việc tổ chức một kỳ thi với những thay đổi đột ngột và không ổn định, năm nay thế này, năm sau thế khác sẽ rất khổ cho học sinh. Vì thế việc thay đổi cần phải tính toán kỹ và có một khoảng thời gian đủ để thầy, trò ở các trường phổ thông chuẩn bị cả về kiến thức, kỹ năng cũng như tâm thế.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì vẫn nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng nhẹ nhàng, không tốn kém, học sinh thi ngay tại lớp học của mình, thầy giáo của mình coi thi. Còn kỳ thi ĐH phải hết sức tôn trọng tính tự chủ của các trường ĐH, cho họ được tuyển sinh theo nhu cầu, với cách thức riêng, phù hợp với đặc thù, yêu cầu đào tạo của họ.
Nếu quyết định tổ chức một kỳ thi quốc gia thì cần phải nghiên cứu kỹ và tính tới sự khác biệt giữa hai mục tiêu, hai yêu cầu hoàn toàn khác nhau của việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.
* PGS.TS PHAN THANH BÌNH (giám đốc ĐHQG TP.HCM):
Chúng ta đi đúng hướng
Tôi ủng hộ một kỳ thi quốc gia nhằm đánh giá trình độ kiến thức phổ thông của các em học sinh, với kết quả này làm cơ sở để có thể xét công nhận tốt nghiệp phổ thông cũng như xét tuyển vào ĐH. Việc này vẫn là bình thường ở một số nước trên thế giới.
Từ lâu, việc tuyển sinh vào ĐHQG TP.HCM được tách làm hai giai đoạn: đánh giá trình độ kiến thức phổ thông (thời gian qua là kết quả thi ĐHQG, ba chung); xét tuyển theo yêu cầu của các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM.
Do đó việc tổ chức một kỳ thi là hoàn toàn phù hợp với phương thức tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM. ĐHQG TP.HCM sẽ lấy kết quả của kỳ thi đánh giá trình độ, năng lực cấp quốc gia làm cơ sở và sẽ xét thêm các tiêu chí theo yêu cầu của ĐHQG TP.HCM như kỹ năng nghề nghiệp, hoạt động xã hội…
Do đó ĐHQG TP.HCM không tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ phối hợp với bộ để có thể tổ chức tốt nhất kỳ thi quốc gia đánh giá kiến thức và năng lực phổ thông các em học sinh. Những thay đổi này có vẻ có nhiều sự khác biệt với hiện nay, nhưng tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng và phù hợp với thông lệ chung của thế giới.
* PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Giao các trường tổ chức kỳ thi này
Phải giao hoàn toàn cho các trường ĐH tổ chức kỳ thi quốc gia này, không nên giao về cho các địa phương. Thực hiện theo phương án của Bộ GD-ĐT mới công bố là phù hợp.
Theo đó, học sinh nào không muốn học ĐH chỉ cần thi tại địa phương, còn học sinh nào có nguyện vọng học ĐH phải tham gia kỳ thi được tổ chức tại các cụm do các trường ĐH tổ chức (giống hình thức kỳ thi tuyển sinh ĐH “ba chung” hiện nay).
Tôi cho rằng các trường ĐH đủ sức để tổ chức tốt kỳ thi quốc gia này. Năm học mới đã bắt đầu rồi, trên cơ sở Bộ GD-ĐT đã lấy ý các trường, xã hội mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đừng tranh cãi nữa, bộ cần quyết phương án để công bố ngay trong tuần tới để học sinh và xã hội yên tâm.
Chỉ đạo của Thủ tướng
Hôm qua, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ – chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, tại cuộc họp của ủy ban này vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông theo hướng tách chương trình với SGK, thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK.
Về biên soạn SGK mới, có hai phương án. Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Phương án 2: các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định, cho phép sử dụng.
Bộ GD-ĐT hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông, báo cáo Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH-CĐ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Về phương án đổi mới thi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014-2015 phương án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH-CĐ trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội góp ý về ba phương án mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến và các phương án khác, trong đó lưu ý phương án của ĐHQG Hà Nội để lựa chọn một phương án phù hợp.
V.V.THÀNH
|