16/01/2025

NATO có còn là một liên minh?

Lằn ranh đối đầu ý thức hệ “tư bản/cộng sản” ngày nào chia đôi châu Âu không còn nữa, thay vào đó là những hợp đồng mua bán vì lợi ích riêng

 

NATO có còn là một liên minh?

Lằn ranh đối đầu ý thức hệ “tư bản/cộng sản” ngày nào chia đôi châu Âu không còn nữa, thay vào đó là những hợp đồng mua bán vì lợi ích riêng

Một phiên họp của NATO – Ảnh: wiki

Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 4 và 5-9 sẽ là câu trả lời chính thức cho câu hỏi mang tính tồn vong đối với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã 65 năm tuổi năm tháng này.

Giao ước “sống chết có nhau” ký kết ngày 4-4-1949 là một nhu cầu tất yếu vào lúc mà cuộc chiến tranh lạnh chia đôi hai khối ý thức hệ.

Tháng 9-2014, NATO vẫn còn đó kiểu “một mình một chợ” vì đối thủ chính ngày nào là Liên Xô đã tan rã từ năm 1991 sau khi khối Đông Âu phân rã hai năm trước đó. Thế nhưng, nước Nga ngày nay không phải là một nước Nga nghèo yếu thời tổng thống đầu tiên Boris Yeltsin chỉ biết quan hệ vay nợ với kẻ thù cũ.

Nước Nga ngày nay đã hết nợ và oái oăm thay, đang khá giả nhờ cuộc chiến tranh giải phóng Iraq của tổng thống Mỹ George W. Bush giúp giá dầu từ 30 USD/thùng leo lên vượt mốc 100 USD/thùng.

Thời thế tạo anh hùng, hay anh hùng tạo thời thế chưa rõ, song ông Vladimir Putin quả là đã biết nắm thời cơ dầu hỏa này để nay “vùng dậy” trả mối nhục thời Boris Yeltsin. Chẳng là ông Yeltsin từng chủ động “ngẫu hứng” hứa với NATO vào hôm 21-8-1997 rằng các tên lửa chiến lược của Nga sẽ không nhắm vào các thủ đô phương Tây nữa để đổi lấy sự hợp tác Nga – NATO cùng 10 tỉ USD nợ mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trì hoãn tháo khoán trước đó.

Một lời hứa không có trong diễn văn soạn sẵn khiến bộ trưởng ngoại giao Nga lúc đó là Evgueni Primakov cùng quan chức Nga khác “tối tăm mặt mày”!

Trong khi đó, NATO không còn là một khối thuần nhất như trước. Lằn ranh đối đầu ý thức hệ “tư bản/cộng sản” ngày nào chia đôi châu Âu không còn nữa, thay vào đó là những hợp đồng mua bán vì lợi ích riêng vượt khỏi khuôn khổ cũ của NATO.

Chẳng hạn như hợp đồng bán và cung cấp (vào đầu tháng 10 tới) hai tàu đổ bộ – sân bay trực thăng Mistral của Pháp, ký từ thời cựu tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy mà nay tổng thống cánh tả François Hollande phải kế thừa việc thực thi.

Việc Tổng thư ký NATO Anders F. Rasmussen cự nự về việc mua bán hai con tàu “sát thủ” này là “không thể hình dung nổi”, tiếp sau những cự nự khác của các lãnh đạo Anh, Đức cho thấy một NATO không còn là một khối thuần nhất.

Đối với Paris, việc bán loại vũ khí hạng nặng này không chỉ “nhẹ hều” chẳng khác gì việc các CLB bóng đá Anh mở bán cho các tỉ phú Nga, mà còn là muốn biểu thị “chúng tôi không cùng cảm nhận nguy cơ như các ông bà khác trong NATO”!

Cũng thế, trong chiều ngược lại, Đan Mạch, Na Uy, Latvia, Lithuania, Estonia và Hà Lan nay cùng Anh thành lập một lực lượng phản ứng nhanh là rất dễ hiểu, nhất là sau những gì đã và đang xảy ra ở Ukraine. Chỉ cần nhìn vào bản đồ là có ngay câu trả lời: ba nước bên bờ biển Baltic (Latvia, Lithuania, Estonia) cùng các nước Đan Mạch, Na Uy ở sát cạnh Nga nhất.

Hà Lan nay không muốn là Ba Lan hay nước Bỉ, hai “trận tiền” đầu tiên của Thế chiến thứ hai! Song người Pháp lại không cùng cảm nhận như thế, trong khi ông Obama thì vẫn trung thành với phương châm “chớ làm điều ngu dại!”, ít nhất cũng cho đến trước thềm thượng đỉnh NATO!

Người ta có thể vẫn trông chờ điều gì đó từ thượng đỉnh NATO nhưng khó tin NATO còn đủ uy lực như xưa.