29/12/2024

10 tấn khoai tây Đà Lạt sạch ra thị trường

10 tấn khoai tây Đà Lạt được trồng trên giá thể (không dùng đất) theo quy trình khép kín đạt chuẩn VietGAP đã xuất hiện trên thị trường nông sản.

 

10 tấn khoai tây Đà Lạt sạch ra thị trường

10 tấn khoai tây Đà Lạt được trồng trên giá thể (không dùng đất) theo quy trình khép kín đạt chuẩn VietGAP đã xuất hiện trên thị trường nông sản.
Thu hoạch khoai tây trồng trên giá thể tại trang trại Langbiang Farm - Ảnh: Mai VInh

 

 

Tuy chưa đủ nhiều để bán đại trà ở các hệ thống siêu thị nhưng loại khoai tây công nghệ cao này đã được nhiều đơn vị phân phối đặt hàng để đưa vào các nhà hàng cao cấp.

Không trồng trên đất

 

Phương pháp trồng thủy canh trong giá thể là cánh cửa để đánh bật khoai tây Trung Quốc giả mạo

Ông Nguyễn Văn Sơn (phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng)

 

Hơn một năm trước, câu chuyện một số người dùng đất đỏ trộn lên khoai tây Trung Quốc để làm giả khoai tây Đà Lạt khiến ông Trần Huy Đường – giám đốc Công ty Langbiang Farm (Đà Lạt) – suy nghĩ.

Điều khiến ông trăn trở là việc nhận diện khoai tây Đà Lạt bằng những điểm rất yếu thế như: khoai tây Đà Lạt nhỏ, không đồng đều, vỏ mỏng dễ bong tróc…

Ông Đường tự hỏi liệu có thể sản xuất khoai tây Đà Lạt củ to, đồng đều, lớp vỏ mịn màng và đặc biệt bề ngoài sạch như quả trên cây? Tìm tòi một thời gian, dự án trồng khoai tây Đà Lạt trên giá thể bằng công nghệ thủy canh ra đời và cho ra sản phẩm đạt chuẩn sau hai lần thử nghiệm.

Tại khu quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng (huyện Lạc Dương), 4.000m2 nhà kính trồng khoai tây không dùng đất của LangBiang Farm chia thành hai khu: một khu đang thu hoạch, cạnh đó là một khu công nhân đang xử lý giá thể để tiếp tục xuống giống.

Ở khu vực chuẩn bị xuống giống, những tấm nilông được trải dài thành luống khoảng 30m, rộng khoảng 0,6m, mép được dựng lên tạo thành bờ cao khoảng 0,3m. Ông Đường giải thích: “Luống bằng màng nilông ngăn cách hẳn môi trường sống của khoai tây với mặt đất”.

Nói rồi ông Đường cho những chiếc xe rùa đổ đầy giá thể xơ dừa đã qua xử lý lên những luống nilông, cao khoảng 20cm. Giá thể xơ dừa là hỗn hợp xơ dừa, tro và mùn cưa gỗ thông sẽ có vai trò giữ chất dinh dưỡng sau khi được đưa vào bằng hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm giúp khoai tây phát triển.

Hiểu nôm na, giá thể sau khi được bơm dinh dưỡng thì trở thành một loại đất nhân tạo lý tưởng. “Mấu chốt của khoai tây sạch nằm ở chỗ này. Nhờ trồng trong giá thể nên đảm bảo kiểm soát được lượng dinh dưỡng từ phân bón, từ đó tránh dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng” – ông Đường giải thích.

Phân tích lợi thế đầu tư giữa trồng khoai tây trên giá thể công nghệ thủy canh và phương pháp truyền thống, ông Đường cho biết khoai tây trồng giá thể có trọng lượng khoảng 3-4 củ/kg, trong khi khoai tây trồng ngoài trời 5-6 củ/kg. Nếu trồng thuận vụ thì cả hai loại khoai tây giống Đà Lạt có khối lượng củ tương đương, nhưng năng suất khoai tây ngoài trời cao hơn 30%.

Bù lại, khoai tây trồng trong giá thể được xếp vào nhóm nông sản công nghệ cao nên giá gấp 1,5-2 lần khoai tây thông thường. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu của trồng khoai tây trên giá thể cao hơn từ 1,5-3 lần trồng ngoài trời, nhưng trồng trên giá thể tiết kiệm được 30% lượng phân bón, tận dụng được phế phẩm nên tính ra chi phí đầu tư cho trồng khoai tây trong nhà kính không cao. Chưa kể rủi ro do thời tiết khi trồng trong nhà kính giảm xuống dưới 20%, trong khi trồng ngoài trời rủi ro cao hơn 70%.

Điều khá thú vị là khi thu hoạch, công nhân không cần dùng cuốc xẻng, chỉ cần đeo găng tay và len sâu vào những luống khoai moi ra những củ khoai to không mấy khó khăn. Khoai tây sau khi lấy ra khỏi luống chỉ cần lấy tay xoa nhẹ đã sạch bóng, lộ ra lớp vỏ mỏng, hồng hào…

Sẽ đánh bật khoai Trung Quốc

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, nhận định với sản phẩm khoai tây Đà Lạt mới, việc định giá khoai tây Đà Lạt sẽ không còn dựa trên lớp đất nữa mà dựa vào chất lượng và những dấu hiệu như: vỏ hồng, củ đồng đều.

Ông Sơn khẳng định sẽ phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng và Công ty Langbiang Farm để hiệu chỉnh quy trình nhằm vừa có khoai tây chất lượng cao, vừa có giá cạnh tranh và sản lượng không bị hụt theo thời tiết. “Phương pháp trồng thủy canh trong giá thể là cánh cửa để đánh bật khoai tây Trung Quốc giả mạo” – ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp sạch, cho rằng phương pháp trồng nông sản trên giá thể không phải là mới mẻ, trước đây nhiều nơi đã trồng dâu, cà chua, đậu Hà Lan trên giá thể nhưng trồng khoai tây Đà Lạt mới vài nơi nghiên cứu.

Do vậy, cách trồng khoai của ông Đường nếu áp dụng đại trà sẽ đảm bảo có khoai tây Đà Lạt quanh năm cung cấp cho thị trường.

Hiện Đà Lạt đang mùa mưa, đây là lúc khoai tây Đà Lạt gần như không có, hơn 300ha vốn trồng khoai tây tại Đà Lạt, Đức Trọng chuyển sang trồng các loại rau củ khác khiến Đà Lạt thiếu hụt khoai tây nên việc khoai tây Trung Quốc tràn vào Đà Lạt là điều dễ hiểu.

Dù hào hứng với sản phẩm khoai tây sạch trồng trong giá thể nhưng ông Đường cũng cho rằng cần thận trọng, nếu muốn có năng suất ổn định quanh năm thì nên áp dụng luân phiên trồng trên đất ngoài trời trong mùa nắng ráo và canh tác trên giá thể trong mùa mưa ẩm.

Ông Đường tính toán với 4.000m2 trồng nghịch vụ mang lại cho ông 10 tấn khoai tây thương phẩm và hơn 200.000 củ giống loại A, giá bán gấp đôi giá khoai tây Đà Lạt hiện bán trên thị trường.

“Dù giá cao nhưng khoai thu hoạch xong bán sạch, không trải qua một ngày lưu kho, điều này chứng tỏ nhu cầu nông sản Đà Lạt có nguồn gốc rõ ràng canh tác công nghệ cao rất lớn” – ông Đường khẳng định.

MAI VINH