29/12/2024

“Người ngủ thuê”: giải nhất Văn học tuổi 20 lần 5

Nhật Phi, một gương mặt mới, sinh năm 1991 giành giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ 5 với truyện dài Người ngủ thuê, vừa được công bố sáng nay 28-8.

“Người ngủ thuê”: giải nhất Văn học tuổi 20 lần 5

 

Nhật Phi, một gương mặt mới, sinh năm 1991 giành giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ 5 với truyện dàiNgười ngủ thuê, vừa được công bố sáng nay 28-8.

 

 

Học lớp 6 đã viết văn

Mặc dù bắt đầu viết văn từ năm lớp 6 nhưng theo tiết lộ của Nhật Phi (tên thật Đỗ Minh Quân), Người ngủ thuêlà truyện dài hoàn chỉnh đầu tiên của anh. Nhật Phi cũng là một cái tên mới trong văn đàn khi anh chỉ mới có một truyện ngắn đăng trên báo.

Trong buổi lễ trao giải, Nhật Phi chia sẻ ý tưởng của tác phẩm này đến từ câu hỏi bất chợt của một người bạn, một người luôn bận rộn và mệt mỏi vì công việc “giá mà ai đó ngủ giùm”.

Từ câu hỏi đó Nhật Phi đã viết thành một câu chuyện dài với mong muốn được chia sẻ với những hoài nghi, những suy tư, những hoang mang, nỗi chán chường của tuổi trẻ với những ý nghĩ mình sẽ làm gì với cuộc đời của mình…

Nhật Phi chia sẻ rằng anh đang “mon men bên cái bìa rừng của văn chương”. Sau 2 năm với tác phẩm này và đoạt giải, anh đã “đến gần hơn cái rìa đó một chút”.

Nhật Phi khẳng định “dù có thế nào thì Nhật Phi cũng sẽ tiếp tục viết, đến khi nào còn có thể suy nghĩ và gõ máy”.

Nói về tác phẩm này, thành viên Hội đồng chung khảo, PGS.TS Nguyễn Thành Thi nhận xét ”hình tượng độc đáo thể hiện khá sinh động nghịch cảnh trớ trêu và sự thoát khỏi nghịch cảnh đầy bất ngờ mà tự nhiên của nhân vật chàng họa sĩ trẻ. Tác phẩm của Nhật Phi ít nhiều giúp người ta liên nhớ đến “Momo” một sáng tác kỳ ảo lừng danh của Michael Ende”.

Nhật Phi ký tặng cho độc giả ngay sau khi nhận giải – Ảnh: Thu Huệ
Nhà văn Lê VănThảo trao giải nhì cho tác giả Nguyễn Ngọc Thuần – Ảnh: Hữu Khoa

Nỗi buồn chiến tranh hiện hữu

Nếu giải nhất là một gương mặt mới thì giải nhì là một gương mặt quen thuộc: Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần với tác phẩm Cơ bản là buồn. Đây là một truyện dài với đề tài hậu chiến.

Chia sẻ tại lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần cho biết duyên cớ để mình viết ra tác phẩm này “Trong một lần đi ngang qua sân bay Biên Hòa cũ, tôi nghe tiếng máy bay rất lớn trên đầu mình. Tôi nghĩ âm thanh trên bầu trời đó hẳn phải có một mối liên hệ nào đó với mặt đất,  trong hiện tại và trong cả quá khứ. Thế là tôi đi tìm ra con người – kết nối giữa bầu trời và mặt đất, giữa quá khứ và hiện tại đó chính là nhân vật cháu bé nạn nhân chất độc dioxin – Hữu Nghị”.

Nhà văn Lê Văn Thảo, thành viên ban giám khảo phát biểu rằng với đề tài chiến tranh trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần ông tin rằng đề tài này sẽ còn được tiếp tục viết từ thế hệ này đến thế hệ khác và có khi hậu thế viết về đề tài này hay hơn cả thế hệ đi trước.

Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Thành Thi nhận xét “với tác phẩm này, người đọc nhận ra rằng nỗi buồn chiến tranh không của một thời, không của riêng ai, vẫn hiện hữu đâu đó trong không gian sống không gian tâm thức của các nạn nhân”.

 Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (trái) giao lưu với 2 tác giả giải ba Lê Minh Nhựt (phải) và Minh Moon (giữa) - Ảnh: Hữu Khoa
Nhà văn Nguyễn Đông Thức (bìa trái) và Đoàn Thạch Biền (bìa phải)  trao giải cho 5 tác giả giải khuyến khích – Ảnh: Hữu Khoa

Dòng văn học kỳ ảo

 ”Mỗi tác phẩm vào chung khảo có thể xem là một điểm nhấn của giải thưởng Văn học tuồi 20 lần này. Chúng đều hàm chứa vẻ đẹp riêng, đáp ứng về cơ bản yêu cầu nghệ thuật của cuộc thi. Những tác phẩm dự thi thể hiện một nhãn quan tươi sáng, giàu suy tưởng và mộng mơ”.

Thành viên Hội đồng chung khảo, PGS.TS Nguyễn Thành Thi

Cuộc thi văn học tuổi 20 lần thứ 5 do Hội nhà văn TPHCM, báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, diễn ra từ ngày 14-9-2012 đến ngày 24-3-2014. Cuộc thi lần này đã nhận được 328 tác phẩm dự thi (147 truyện dài, 179 truyện ngắn), thu hút các tác giả từ 12 tuổi đến 63 tuổi.

Điểm mới của cuộc thi lần này là công khai tên tác giả tác phẩm ngay từ đầu. Đồng thời trong quá trình diễn ra cuộc thi ban tổ chức cũng in, phát hành đề giới thiệu những tác phẩm chất lượng của cuộc thi đến với đông đảo độc giả. Việc này đã tăng cường tính công khai cũng như có thêm một thành viên giám kháo công tâm nhất đó chính là độc giả.

Một điểm đặc biệt của cuộc thi lần này là dòng văn học mới mẻ đối với độc giả cũng như trong văn chương hiện đại của Việt Nam là – dòng văn học Fantasy (kỳ ảo) đã có mặt trong cuộc thi. Tác phẩm Urem – người đang mơ của tác giả Phạm Bá Diệp viết theo thể loại này đã giành được giải khuyến khích.

Nói về dòng văn học này, Phạm Bá Diệp chia sẻ “viết một tác phẩm thể loại văn học Fantasy là một sự liều lĩnh , một canh bạc lớn vì dòng văn học này ở Việt Nam chưa phổ biến và nhiều độc giả cũng chưa sẵn sàng để tiếp nhận”…