27/11/2024

Thủ công mỹ nghệ “méo mặt” vì rớt giá

Gần đây, dù lượng khách hàng tăng so với năm ngoái nhưng nhiều đơn vị thủ công mỹ nghệ cho rằng thà ngưng sản xuất còn hơn ký hợp đồng. Lý do là giá đối tác đưa ra quá thấp.

Thủ công mỹ nghệ “méo mặt” vì rớt giá

Gần đây, dù lượng khách hàng tăng so với năm ngoái nhưng nhiều đơn vị thủ công mỹ nghệ cho rằng thà ngưng sản xuất còn hơn ký hợp đồng.

Giá bán không tăng, nhiều đơn vị thủ công mỹ nghệ chỉ hoạt động cầm chừng để giữ công nhân. Trong ảnh: cả tháng nay doanh nghiệp Tư Bốn chỉ có mỗi đơn hàng bình cổ lọ để sản xuất – Ảnh: Nguyễn Trí 

Lý do là giá đối tác đưa ra quá thấp.

Trong khi đó, các đơn vị thủ công mỹ nghệ đang đau đầu với bài toán tiết giảm giá thành sản xuất thì lượng lớn khách hàng của Trung Quốc dịch chuyển qua VN từ đầu năm nay lại đang có xu hướng quay trở về lại Trung Quốc.

Giá đầu vào tăng ba, bán ra tăng một

 

Giảm 20-30% giá thành nhờ quy trình khép kín

Để tiết giảm giá thành sản phẩm, HTX Ba Nhất đã bắt đầu đổi mới hệ thống sản xuất bằng quy trình khép kín. Theo ông Tùng, hiện từ nguyên liệu, sản xuất đến vận tải HTX đang dần hoàn thiện thành một quy trình khép kín, với mức độ tự chủ được 80% các công đoạn.

“Nếu trước đây, một bồ đan chuối đơn vị phải mua ngoài với giá 200.000 đồng/bồ thì nay HTX tự sản xuất với giá chỉ 150.000 đồng. Trước đây thuê một container chở hàng từ xưởng ra cảng tốn 5 triệu đồng, thì nay còn 2,5 triệu đồng nhờ HTX có container sẵn. Việc khép kín quy trình đã giúp Ba Nhất tiết giảm được 20-30% giá thành sản xuất so với trước đây. Xu hướng thế giới tiếp tục chuộng hàng giá rẻ sẽ còn kéo dài, nếu không chịu đổi mới để tiết giảm giá thành sản xuất, ngành thủ công mỹ nghệ VN sẽ không còn đất sống” – ông Tùng nói.

 

Không còn sôi nổi như những năm trước, thời điểm này đi dọc làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương) là không khí vắng lặng bao trùm dù đang là thời kỳ xuất khẩu cao điểm, chuẩn bị thị trường cuối năm.

Ông Nguyễn Bá Linh – chủ tịch Hiệp hội Sơn mài điêu khắc Bình Dương, giám đốc doanh nghiệp Tư Bốn – cho biết đầu năm đến nay dù khách đến tìm mua rất nhiều nhưng hầu hết các đơn vị chấp nhận “đói” đơn hàng, bởi khách đưa giá dưới giá thành sản xuất.

“Đầu năm đến nay, riêng thị trường Nhật Bản tôi đã tiếp hàng chục khách nhưng không một ai cho giá đủ để có lời. Vừa rồi tôi nhận đơn hàng kệ gác kiếm cho khách Nhật, xem xong mẫu khách rất ưng ý nhưng nhất định chỉ chịu giá 50 USD/cái, trong khi giá thành sản xuất đã trên 60 USD” – ông Linh dẫn chứng.

Theo ông Linh, chừng vài năm nữa sơn mài Tương Bình Hiệp chỉ còn là quá khứ, bởi năm năm trở lại đây giá thành sản xuất tăng trung bình 15%/năm nhưng giá bán giẫm chân tại chỗ.

“Sơn là vật liệu chính trong sản xuất sơn mài, năm năm trước giá một canh sơn chỉ 150.000 đồng nhưng nay đã lên 300.000 đồng, xăng tăng 1.000 đồng/lít là giá canh sơn tăng 10%, trong khi chiếc bình sơn mài cổ cao năm năm trước bán giá 200.000 đồng/chiếc thì nay giá vẫn vậy” – ông Linh so sánh.

Không chỉ hàng xuất khẩu, bán lẻ cũng lâm vào tình cảnh khó khăn. Quan sát hàng chục cửa hàng sơn mài nằm san sát nhau ở đầu đường vào làng Tương Bình Hiệp hàng giờ liền nhưng không cửa hàng nào bán được một món đồ. Đang bện lại mấy sợi mây, ông Trần Văn Thanh, chủ cửa hàng sơn mài Thanh Long (Tương Bình Hiệp), than thở ế quá nên ông phải nhận hàng mây, tre, lá về làm kiếm thêm. Theo ông Thanh, giá nhân công tăng vọt, giá bán không tăng nên dù vừa có khách đặt 200 cái bàn xuất khẩu nhưng không dám ký.

Mừng thầm vì đầu năm đã thấy hàng chục khách hàng Nhật Bản rời bỏ thị trường Trung Quốc qua đặt mua với nhu cầu hàng trăm nghìn đôi guốc nhưng ông Thái Văn Anh Hùng, giám đốc Công ty guốc mộc Hùng Thái (Bình Dương), đã sớm vỡ mộng.

“Tiếp gần 20 lượt khách nhưng không làm ăn được với một ai, giá bán chỉ 3-4 USD/đôi nhưng họ luôn trả thấp hơn 30%” – ông Hùng nói. Đầu năm đến nay giá trị xuất khẩu hàng mây, tre, lá của HTX Ba Nhất (TP.HCM) đạt trên 800.000 USD, tăng hơn so với năm ngoái, nhưng theo ông Lê Thanh Tùng – phó chủ nhiệm HTX Ba Nhất, lợi nhuận giảm rõ rệt do giá thành sản xuất tăng bình quân 6%/năm trong khi giá bán chỉ tăng 1-2%.

Phụ thuộc Trung Quốc

Theo ông Linh, nhiều người giờ chỉ thích xài trong giai đoạn ngắn nên rất chuộng về mẫu mã và giá cả, ở phương diện này thì hàng sơn mài Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối. “Giá thành sản xuất hàng sơn mài VN trung bình cao hơn ít nhất 20% so với hàng Trung Quốc, đơn cử bản lề dùng trong hộp nữ trang Trung Quốc được đúc khuôn với số lượng lớn, còn VN để ra cái bản lề phải qua cả chục công đoạn thủ công nên giá thành cao hơn 50% so với Trung Quốc” – ông Linh khẳng định.

Ông Thái Văn Anh Hùng cho biết việc giá thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ VN không cạnh tranh lại hàng Trung Quốc là do hầu hết các nguyên vật liệu phải nhập từ Trung Quốc. Nên từ chỗ độc quyền, nay guốc mộc Hùng Thái phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc và dù đầu năm nay rất nhiều khách hàng của Trung Quốc chuyển sang VN nhưng theo ông Hùng chủ yếu là đi dò giá, và hầu hết họ vẫn quay trở lại thị trường Trung Quốc.

“Khách hàng cho biết nếu bằng giá họ sẽ mua hàng VN, nhưng sao bằng cho được khi Trung Quốc có nền công nghiệp phụ trợ cho thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh, những lô hàng không đạt chất lượng họ dễ dàng “biến” thành lô hàng chất lượng, còn VN bao nhiêu năm qua đi kiểm tra guốc mộc phải chạy qua Trung Quốc thì sao thắng họ nổi” – ông Hùng than.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ cũng cho biết khách hàng của Trung Quốc đầu năm nay qua VN rất nhiều nhưng không mấy ai ở lại vì giá gốm sứ VN vẫn cao hơn Trung Quốc khoảng 20-30% nên họ lại quay về Trung Quốc. Theo nhiều đơn vị sản xuất thủ công mỹ nghệ, khác với những năm trước, hiện nay vốn không phải là yếu tố quyết định thành bại trong ngành thủ công mỹ nghệ, điều ngành thủ công mỹ nghệ cần là tiết giảm giá thành sản phẩm. Để làm được điều này, Nhà nước nên có chính sách nghiên cứu cải tiến nguyên vật liệu và kỹ thuật sản xuất.

 

NGUYỄN TRÍ