29/12/2024

Nhộn nhịp làng đèn sao Báo Đáp

Làng làm đèn ông sao Báo Đáp cách trung tâm TP Nam Định hơn 10km, theo quốc lộ 21. Xã Hồng Quang hiện gồm 10 xóm với 1.000 hộ dân, trong đó có đến chín xóm đều làm đèn ông sao, riêng xóm 4 có khoảng 20 gia đình theo nghề này.

Nhộn nhịp làng đèn sao Báo Đáp

Những ngày gần đây, không khí tại xã Hồng Quang (huyện Nam Trực, Nam Định) – nơi gắn liền với nghề làm đèn ông sao Báo Đáp – lại nhộn nhịp.

Làm không ngưng tay dù lồng đèn đã xếp kín nhà – Ảnh: P.Nhâm 

Người thì tỉ mẩn dán hồ, người khác nhuộm giấy bóng, người mải miết in hoa văn…

Bước tới cổng nhà ông Vũ Văn Kháng, 64 tuổi (xóm 4), hộ gia đình đã có năm đời theo nghề làm đèn ông sao, chúng tôi thật sự bị “ngợp” trước những chồng đèn sặc sỡ xếp kín, bày khắp khoảng sân rộng. Trong nhà, hai vợ chồng ông Kháng đang hì hụi đóng gói đèn sao chuẩn bị xuất xưởng, các thành viên khác trong gia đình cũng bận rộn với việc làm khung, kéo diềm, in hoa văn cho kịp chuyến hàng.

 

Làng làm đèn ông sao Báo Đáp cách trung tâm TP Nam Định hơn 10km, theo quốc lộ 21. Xã Hồng Quang hiện gồm 10 xóm với 1.000 hộ dân, trong đó có đến chín xóm đều làm đèn ông sao, riêng xóm 4 có khoảng 20 gia đình theo nghề này.

 

Quẹt mồ hôi nhễ nhại, lấm lem thứ bột màu đỏ, xanh trên trán, ông Kháng chỉ tay vào những chồng hàng lớn chuẩn bị gửi vào Lâm Đồng cho biết: “Năm nay nhà tôi làm khoảng 100.000 chiếc đèn, khách đặt nhiều nên trong tuần tới có thể sẽ tăng thêm nữa, nhà cũng neo người nên phải thuê nhân công làm mới kịp”.

Theo ông Kháng, đến thời điểm này gia đình ông đã xuất hơn 50.000 chiếc đèn ông sao đi các địa phương như TP.HCM, Lâm Đồng…

Theo ông Vũ Xuân Sở (xóm 4), đèn ông sao là món đồ chơi phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết: “Những ngày vừa qua mưa nhiều, công việc nhuộm giấy bóng, phơi tre tránh mốc của nhiều hộ bị gián đoạn, lái buôn cũng e ngại lấy hàng, tôi phải sấy khô đèn trong kho để bảo quản”. Ông cũng cho biết mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 20.000-30.000 chiếc đèn, năm nay nhà ông “cháy hàng”, được giá cao mà không kịp làm đèn để bán.

Được biết đến là hộ gia đình duy nhất trong làng làm đèn ông sao cỡ lớn với nhiều mẫu hình ảnh như măng non, Bác Hồ, Trung thu nhớ Bác…, ông Nguyễn Văn Bản (xóm 1) cho biết do đây là loại đèn cỡ lớn nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo nhất định của người thợ, ba thành viên trong gia đình ông mỗi ngày làm được khoảng 20 chiếc. “Đèn có hình Bác Hồ được nhiều người tìm mua, do hình ảnh gần gũi, ý nghĩa với thiếu nhi” – ông Bản cho biết.

Đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, mắt kém nhưng bà Nguyễn Thị Chương (88 tuổi) vẫn đang tỉ mỉ ngồi chẻ tre, vót nứa, làm xương đèn với gia đình. Bà Chương cho biết mình là thế hệ thứ ba kế tục nghề làm đèn ông sao truyền thống của gia đình. “Đến thế hệ con trai, con gái tôi cũng đều làm nghề đèn ông sao. Nghề làm đèn đã giúp bao hộ dân trong làng thoát nghèo, nuôi con cái ăn học trưởng thành” – bà Chương nói.

Không chỉ người lớn, nhiều trẻ em làng đèn ông sao Báo Đáp cũng tham gia tích cực vào công việc làm lồng đèn truyền thống của gia đình. Vẫn thoăn thoắt ngồi dán viền sao, Vũ Văn Phúc học lớp 9 (xóm 4) cho biết từ bé đã tham gia làm đèn, ban đầu học những công đoạn dễ như dán giấy bóng, xếp đèn vào khuôn… Sau một thời gian học hỏi, đến nay Phúc đã biết làm những đèn ông sao hoàn chỉnh, đẹp mắt, một buổi em có thể làm 50 – 100 chiếc đèn đủ kích cỡ.

Theo em Vũ Văn Hưng (sinh 1994), con trai của ông Vũ Văn Kháng (xóm 4), sau khi tốt nghiệp em đã chọn công việc làm đèn trung thu nối nghiệp gia đình, một phần vì yêu thích, phần cũng muốn đỡ đần cho bố mẹ tuổi về già.

PHẠM NHÂM