Thử tài bạn hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô

Bài trắc nghiệm đo lường mức độ hiểu biết của bạn về Chúa Giêsu Kitô gồm 20 câu hỏi (mỗi câu hỏi có bốn ý trả lời theo thứ tự a, b, c, d). Xin bạn chọn một câu trả lời đúng nhất và đánh dấu vào phần trả lời

 Thử tài bạn hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô

 

Bài trắc nghiệm đo lường mức độ hiểu biết của bạn về Chúa Giêsu Kitô gồm 20 câu hỏi (mỗi câu hỏi có bốn ý trả lời theo thứ tự a, b, c, d).

Xin bạn chọn một câu trả lời đúng nhất và đánh dấu vào phần trả lời

 

1. Những vấn nạn về lời rao giảng, các phép lạ, cuộc phục sinh của Chúa Giêsu bắt nguồn từ đâu?

a. Từ những sự khác biệt trong các bản văn Thánh Kinh giữa các Thánh Sử khi tường thuật các lời nói, hành động, nhất là biến cổ khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

b. Từ phong trào giải trừ huyền thoại cho Phúc Âm do các nhà thần học Thánh Kinh Tin Lành khởi xướng.

c. Từ việc áp dụng phương pháp văn hình sử để giải thích các vấn nạn mà không quan tâm đến việc Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần linh hứng.

d. Từ tất cả những nguyên nhân trên đây.

2. Những khác biệt về lời rao giảng, các phép lạ hay biến cố Vượt Qua giữa các Thánh Sử Phúc Âm được giải thích thế nào?

a. Tất cả những giải thích sau đây:

b. Do mỗi Thánh Sử có ý hướng thần học riêng nên sắp xếp sự kiện, lời giảng dạy của Chúa Giêsu theo ý riêng mình.

c. Do người ta hiểu lầm rằng Chúa Giêsu chỉ nói một ít lời, làm vài chục phép lạ rồi mỗi Thánh Sử chỉ ghi lại, cũng như do không quan tâm đến những khám phá mới về chính cuộc đời Chúa Giêsu, và đời sống văn hoá, xã hội của người Do Thái.

d. Do định luật truyền miệng vì các bản văn Phúc Âm là kết quả của các bài giảng truyền khẩu trong cộng đồng Giáo Hội khác nhau nên càng truyền lâu thì những con số càng thay đổi.Do cộng đồng đón nhận Phúc Âm có những nét đặc thù nên Thánh Sử tự mình thay đổi cho phù hợp với họ.

3. Trong vấn nạn về anh chị em ruột của Chúa Giêsu đã gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ giữa các nhà nghiên cứu Kinh Thánh Tin Lành và Công giáo, chúng ta có thể tìm ra giải pháp dung hoà nào vừa đúng với giáo lý Hội Thánh Công giáo, vừa giúp anh em Tin Lành khám phá ra điều mới mẻ về mối quan hệ với Chúa Giêsu?

a. Từ “anh chị em ruột” được Thánh Kinh nhắc đến nhiều lần thật sự vẫn giữ nguyên giá trị của nó vì muốn nói đến mối liên hệ huyết thống tự nhiên này với ý nghĩa siêu nhiên khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người.

b. Đức Giêsu muốn dẫn đưa tất cả con người vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa nên mọi người là anh chị em ruột thịt của Người.

c. Xét về phương diện khoa học, thân xác con người và vạn vật được cấu tạo bằng những nguyên tố vật chất như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ… luôn biến đổi và trao đổi cho nhau nên thân xác con người chúng ta đang giữ những nguyên tố vật chất đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

d. Tất cả các lập luận trên đây.

4. Nguyên nhân lịch sử nào quan trọng nhất khiến người tín hữu ít hiểu biết về Chúa Giêsu?

a. Do những cố gắng trong năm thế kỷ đầu để khám phá ra sự thật về Chúa Giêsu dẫn đến những tranh luận, thậm chí xung đột với nhau nên Giáo Hội yêu cầu chỉ giữ những điểm cơ bản của các công đồng đầu tiên và ngừng tranh luận hay viết những điều gì mới về Chúa Giêsu.

b. Do khả năng suy luận bị giới hạn của con người trước mầu nhiệm Chúa Giêsu cũng như sự giới hạn của ngôn ngữ và chữ viết để diễn tả những suy tư.

c. Do những quan điểm thần học khác biệt của các dòng tu trong nội bộ Giáo hội Công giáo.

d. Do những tranh cãi với anh em Tin Lành về giáo lý của Chúa Giêsu.

5. Trong những nguyên nhân hiện nay khiến người ta ít hiểu biết về Chúa Giêsu, nguyên nhân nào là quan trọng hơn cả?

a. Kitô học là môn học kém phát triển nhất trong khoa Thần học và được dạy rất ít so với môn Kinh Thánh, luân lý, mục vụ…

b. Để tránh căng thẳng giữa các quan điểm thần học khác nhau về Đức Kitô, nhiều đại học Công giáo không giảng dạy môn Kitô học theo hệ thống mà chỉ trình bày theo từng chủ đề.

c. Phương pháp dùng trong Kitô học như là một môn thần học, vì quên mất Đức Giêsu không phải chỉ là Thiên Chúa thật mà còn là con người thật, nên cần sự phối hợp giữa khoa thần học và các khoa học khác để khám phá trọn vẹn Đức Giêsu Kitô và giải đáp được những vấn nạn.

d. Khuynh hướng giải trừ huyền thoại cho Phúc Âm khiến người ta chối bỏ tất cả những phép lạ và nhất là cuộc phục sinh của Chúa Kitô khiến Phúc Âm chỉ còn là một loại sách đạo đức.

6. Để có thể trình bày giáo lý về Chúa Kitô một cách hữu hiệu và tốt đẹp người chưa biết Đức Giêsu Kitô, người tín hữu cần điều gì quan trọng nhất?

a. Cần một sự hiểu biết đầy đủ và trọn vẹn về Đức Kitô.

b. Cần người tín hữu gặp gỡ được chính Chúa Giêsu rồi kể lại những kinh nghiệm gặp gỡ ấy cho người khác.

c. Cần kỹ năng truyền đạt giáo lý cách sống động và thu hút.

d. Cần một cuốn sách giáo lý căn bản với những câu hỏi-thưa rõ ràng, dễ hiểu để truyền lại cho các học viên.

7. Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Đức Giêsu Kitô. Vậy chúng ta nên làm gì để có thể gặp gỡ được Người?

a. Tất cả những công việc sau đây:

b. Giống như người mù Bartimê ta cần nhận thức được tình trạng khốn khổ, nghèo túng của mình để tìm gặp Đức Giêsu với tất cả ý thức và tự do, thay vì tự mãn bằng lòng với những gì mình đang có.

c. Tiếp theo, ta cần phải kêu lớn dù đám đông con người có thể bắt chúng ta im tiếng vì Đức Giêsu ở rất gần ta và luôn nghe tiếng ta kêu. Sau đó, ta can đảm vất bỏ những gì riêng tư, ích kỷ như tấm áo choàng của Bartimê vượt khỏi tình trạng ngồi yên bất động để tìm về Đức Giêsu là nguồn sống và chân thiện mỹ.

d. Cuối cùng, ta cùng bước theo Đức Giêsu để đi trên con đường của Người cùng với cộng đồng môn đệ loan báo Tin Mừng và chia sẻ niềm tin cho người khác.

8. Danh hiệu Mêsia trong Cựu Ước khác với danh hiệu Kitô trong Tân Ước ở điểm căn bản nào?

a. Nhà vua được xức dầu để thiết lập nước Thiên Chúa.

b. Vị tiên tri cao cả đến để công bố Lời Chúa và chết như người tôi tớ để đền tội cho muôn người.

c. Con người tổng hợp vừa của Edekiel và Daniel: con người bình thường nhận sứ mạng Chúa trao và con người tiền hữu, ngự bên ngai Thiên Chúa.

d. Đấng Mêsia đó vừa là con người vừa là chính Thiên Chúa với quyền năng vô biên để cứu độ muôn loài.

9. Khi dùng từ Mêsia thay cho từ Kitô, chúng ta nên chú ý đến điểm khác biệt nào nhất?

a. Cả hai từ đều có nghĩa như nhau.

b. Từ Kitô có nghĩa rộng hơn từ Mêsia.

c. Từ Mêsia có nội dung theo hướng hoàn toàn thuộc về con người, không bao gồm ý nghĩa Đấng Mêsia là Thiên Chúa như Đức Giavê.

d. Nhấn mạnh đến ý nghĩa theo lịch sử dân Do Thái.

10. Khi bạn hiểu mình là một Kitô hữu, bạn ý thức mình phải đảm nhận những trách nhiệm nào trong đời sống hằng ngày?

a. Tất cả bốn trách nhiệm sau đây:

b. Trách nhiệm làm vương đế để thiết lập Nước Trời và trách nhiệm làm tiên tri để loan báo Lời sống động của Thiên Chúa.

c. Trách nhiệm làm con người để xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới.

d. Trách nhiệm làm con Thiên Chúa để thông hiệp đời sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa mà cứu độ muôn loài.

11. Trong thời Chúa Giêsu, những người biệt phái và đa số dân chúng theo phong trào thiên sai nào?

a. Vương đế.                      b. Tiên tri.

c. Khải huyền.                    d. Không có Đấng Thiên sai.

12. Tại sao ngôi mộ trống của Đức Giêsu lại là nơi đo lường tình yêu của người môn đệ đối với Chúa Giêsu?

a. Mộ là nơi chôn táng người chết, bẩn thỉu, ô uế đồng thời là nơi nguy hiểm vì đến đó có thể bị tù tội, giam cầm nên người ta ngại đến.

b. Mộ là nơi an táng tượng trưng cho những con người bị đối xử bất công, bị gạt ra ngoài lề xã hội nên người ta sợ không dám đến.

c. Mộ là nơi mà người môn đệ được tình yêu đối với Chúa Giêsu thôi thúc, tìm đến để lo cho xác thân bất động, đau khổ của Chúa Giêsu, bất chấp sợ hãi.

d. Mộ không có ý nghĩa gì cả vì tôi là một tín hữu bằng lòng với nghi lễ và cầu nguyện thường lệ. Tôi không thích mạo hiểm.

13. Trong sự kiện các môn đệ Phêrô, Gioan và Maria Magdala ở ngôi mộ trống, lý do nào khiến hầu hết tín hữu chỉ đạt tới mức độ “đã thấy các khăn vải và đã tin” như Gioan mà không gặp được chính Đức Giêsu như Maria Magdala?

a. Vì mức độ thao thức, chạy tới và dừng lại của họ ở mức thấp nhất.

b. Vì mức độ thao thức, chạy tới và dừng lại của họ ở mức trung bình.

c. Vì mức độ thao thức, chạy tới và dừng lại của họ ở mức cao nhất.

d. Vì họ không có những biểu hiện tình yêu nào đối với Đức Giêsu.

14. Có bao nhiêu lần Chúa Phục Sinh hiện ra trong dòng lịch sử con người?

a. 14 lần theo thánh Ignatio Loyola.

b. 13 lần theo các bản văn Tân Ước.

c. 8 lần theo các bản văn Phúc Âm.

d. Không thể xác định.

15. Nghi vấn về khoảng cách từ Giêrusalem tới làng Emmaus và lời giải đáp chính xác về vị trí của làng này trong khoa lịch sử địa lý Do Thái dẫn ta đến một kết luận quan trọng nào?

a. Những kiểu giải thích theo bản văn (lúc thì 60 dặm, lúc thì 160 dặm) có thể trở thành những phản chứng, chối bỏ cả sự kiện Chúa phục sinh.

b. Những lời chú giải theo ý nghĩa đạo đức không minh chứng cho sự kiện.

c. Những lý luận thần học mà không dựa vào thực tế khách quan sẽ không thể nào thuyết phục được người khác.

d. Những nghi vấn chối bỏ sự kiện Chúa phục sinh của các nhà thần học theo chủ trương giải trừ huyền thoại có thể được giải đáp rõ ràng nhờ những khám phá mới về văn hoá, lịch sử, địa lý Do Thái.

16. Việc Đức Giêsu Phục Sinh không có mặt để cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus về lại Giêrusalem có ý nghĩa đạo đức gì?

a. Vì Chúa Giêsu đã giải thích đủ cho hai ông hiểu về Người lúc đi từ Giêrusalem đến Emmaus.

b. Vì Chúa Giêsu chỉ tạm vắng mặt khi chúng ta đủ an vui và hy vọng bước đi một mình trên đường đời sau khi đã gặp được Người.

c. Vì Chúa Giêsu muốn giúp ta trưởng thành trong đức tin và tình yêu sau khi đã gặp Người.

d. Vì Chúa Giêsu không thể hiện ra với nhiều người cùng một lúc trên những nẻo đường khác nhau.

17. Khi giới thiệu “Thầy là con đường” (Ga 14,6), Đức Giêsu muốn chỉ cho ta con đường nào?

a. Con đường tâm linh là Kitô giáo.

b. Con đường độc đáo nối kết mỗi người chúng ta với Thiên Chúa Cha để giúp ta đạt được sự sống kỳ diệu.

c. Con đường cụ thể là chính Người, nếu đi theo Người sẽ tìm được sự thật toàn diện và sự sống hoàn hảo.

d. Con đường đạo đức giống như các tôn giáo khác.

18. Trong lịch sử suy tư về Đức Giêsu Kitô, nhiều học giả đã không tiếc những lời khen ngợi hoặc đưa ra những hình ảnh méo mó về Người, chúng ta không nên có thái độ nào?

a. Bình tĩnh để lắng nghe vì mỗi người được tự do suy nghĩ và phát biểu về Đức Giêsu theo khả năng và hoàn cảnh của họ.

b. Trân trọng giới thiệu những sự thật về Đức Giêsu Kitô mà ta hiểu biết để giúp họ vượt qua những sai lầm.

c. Tranh cãi gay gắt về những điều ta cảm thấy sai trái hay bất xứng với Đức Giêsu Kitô.

d. Im lặng xa tránh những con người đó để bảo vệ đức tin và tình yêu của mình đối với Đức Giêsu Kitô.

19. Thánh Tôma Aquinô, trong bộ Tổng luận Thần học, đã chủ trương Đức Giêsu chỉ mặc lấy những gì tương hợp với sự thánh thiện và khôn ngoan xứng với bản tính con người trước khi bị tội nguyên tổ làm hư hỏng. Vì thế, Đức Giêsu không có khuynh hướng xấu, không thể không biết điều gì, không thể có tính chất dấu di truyền. Quan điểm này đã được Giáo Hội sửa sai trong các số từ 456-483 của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người tín hữu vẫn cho rằng: Đức Giêsu là người giỏi nhất, đẹp trai nhất, biết hết mọi sự, không có một chút xấu xa nào… Chúng ta nên giúp họ cách nào để nhận ra Đức Giêsu thật sự?

a. Với lòng tin, lời cầu nguyện và sự học hỏi, chúng ta giới thiệu Đức Giêsu và sứ điệp của Người.

b. Với sự khiêm tốn và chân thành, chúng ta giới thiệu Đức Giêsu là một con người lịch sử được xác định trong không gian và thời gian rõ ràng, nên Người hoà nhập vào dòng lịch sử ấy.  

c. Với niềm vui và an hoà, chúng ta giới thiệu Đức Giêsu là con người giống chúng ta mọi mặt, chỉ trừ tội lỗi, nên không xấu hổ vì những yếu đuối, bất toàn của con người.

d. Tất cả các thái độ trên đây.

20. Trong dòng lịch sử của nghệ thuật, người ta đã vẽ Đức Giêsu mang hình ảnh của từng dân tộc, thí dụ mặc áo dài, đội khăn đóng… ta nên cổ vũ quan niệm “dân tộc hoá” Giêsu hay quan niệm trân trọng văn hoá của một Đức Giêsu lịch sử?

a. Không nên dân tộc hoá Giêsu vì nếu thế có nhiều điều không thể hiểu về Chúa Giêsu, thí dụ như cách an táng chôn sâu của người Việt khác cách an táng của người Do Thái.

b. Có thể dân tộc hoá Giêsu về một số điểm tương đồng giữa hai dân tộc.

c. Luôn tộn trọng “lịch sử tính” trong cuộc đời và sứ điệp của Người nhưng được diễn giải cho phù hợp với văn hoá dân tộc.

d. Hoàn toàn dân tộc hoá Giêsu để hội nhập văn hoá trọn vẹn Kitô giáo.

 

 

1. Cách tính điểm

Bạn hãy tự tính điểm xem mình đạt được mức độ nào trong sự hiểu biết về Tân Phúc Âm hoá: trung bình – khá – giỏi – xuất sắc

Mỗi câu tính 1 điểm:

10 điểm: trung bình

10-14 điểm: khá

15-18 điểm: giỏi

19-20 điểm: xuất sắc

 

2. Sau đây là phần giải đáp để bạn so sánh và chấm điểm cho mình

  1.  a    b    c    d               11.  a    b    c    d

  2.  a    b    c    d               12.  a    b    c    d

  3.  a    b    c    d               13.  a    b    c    d

  4.  a    b    c    d               14.  a    b    c    d

  5.  a    b    c    d               15.  a    b    c    d

  6.  a    b    c    d               16.  a    b    c    d

  7.  a    b    c    d               17.  a    b    c    d

  8.  a    b    c    d               18.  a    b    c    d

  9.  a    b    c    d               19.  a    b    c    d

10.  a    b    c    d               20.  a    b    c    d

 

Chúc bạn luôn an mạnh, tràn đầy ơn Chúa và mỗi ngày yêu mến Chúa Giêsu Kitô hơn.

Luôn hiệp thông với nhau trong Chúa Giêsu Kitô.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn