Con nhà giàu vẫn bị suy dinh dưỡng
Là một đô thị lớn nhất nước, có mức sống cao nhưng hiện TP.HCM vẫn còn khoảng 38.000 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Con nhà giàu vẫn bị suy dinh dưỡng
Hướng dẫn các bà mẹ nấu ăn cho trẻ tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – Ảnh: T.Dương
Trong đó có nhiều gia đình khá giả, giàu có nhưng con vẫn bị suy dinh dưỡng.
Nhiều gia đình khá giả, giàu có đưa trẻ đến Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khám vì trẻ còi cọc và không tăng cân trong một thời gian dài. Khi bác sĩ hỏi trẻ ăn được không thì ba mẹ các cháu đều khẳng định trẻ ăn nhiều lắm.
Bác sĩ hỏi tiếp trong những bữa ăn trẻ ăn các loại thức ăn gì? Đến lúc này các bậc phụ huynh mới tỏ ra lúng túng và tiết lộ đã khoán trắng việc chăm sóc trẻ cho nhà trường.
Khoán trắng cho nhà trường, người giúp việc…
Năng suất lao động thấp khi đến tuổi trưởng thành Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ có sức đề kháng kém nên những trẻ này sẽ rất hay bị mắc bệnh và vòng luẩn quẩn giữa suy dinh dưỡng và mắc các bệnh nhiễm trùng là không tháo gỡ được. Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng còn có nguy cơ tử vong cao hơn khi trẻ mắc bệnh. Trẻ bị suy dinh dưỡng chậm tăng trưởng cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt ở trẻ nhỏ còn bị chậm tăng trưởng não, trẻ có chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc thấp hơn, từ đó kết quả học tập không tốt, năng suất lao động thấp khi đến tuổi trưởng thành. Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mặc cảm, tự ti và chắc chắn sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội. |
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết đây là những ông bố, bà mẹ khá bận rộn nên gửi con tại những trường mẫu giáo, nhà trẻ tư nhân với mức học phí cao.
Những trường này nhận giữ trẻ từ sáng đến tối. Khi ba mẹ đón con về, trẻ đã được tắm rửa sạch sẽ và ăn xong bữa tối. Khi ba mẹ hỏi, các cô vẫn trả lời trẻ ăn được nhiều nên gia đình khá yên tâm.
Tuy nhiên, khi thấy trẻ không tăng cân nên đi khám thì bác sĩ kết luận trẻ bị suy dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, tại TP.HCM hiện có khoảng 38.000 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân và thể thấp còi). Số trẻ em lớn hơn 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cũng có nhưng số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm tỉ lệ cao nhất.
Ngoài một số nguyên nhân ít gặp như trẻ bị mắc các bệnh lý bẩm sinh, trẻ sinh non… phần lớn trẻ bị suy dinh dưỡng tại TP.HCM là do kiến thức về dinh dưỡng, sức khoẻ cho trẻ của những người chăm sóc và thực hành các kiến thức này còn hạn chế.
Cụ thể, nhiều bà mẹ không cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, cai sữa mẹ sớm (trước 1 tuổi), cho trẻ ăn giặm quá sớm hoặc quá muộn.
Ngay tại TP.HCM vẫn có gia đình cho trẻ ăn giặm khi trẻ mới được hơn một tháng tuổi, ngược lại có nhiều gia đình vẫn không cho trẻ ăn giặm, chỉ cho trẻ bú sữa khi trẻ đã được 12 tháng tuổi, trong khi đúng ra trẻ 6 tháng tuổi cần được tập ăn giặm.
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp cho trẻ ăn giặm không cân đối giữa các nhóm chất (ăn toàn thịt, ít rau…) hoặc cứ xay nhuyễn đồ ăn dù trẻ đã mọc nhiều răng làm trẻ đi học không ăn được thức ăn cứng. Dù Nhà nước đã có chính sách cho các bà mẹ nghỉ hậu sản sáu tháng để cho trẻ bú sữa mẹ nhưng ở TP.HCM nhiều bà mẹ vẫn đi làm sớm.
Khi tư vấn cho nhiều bà mẹ trẻ có con bị suy dinh dưỡng, các bác sĩ phát hiện có nhiều bà mẹ nắm rất rõ các kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhưng lại không thực hiện.
Lý do được các bà mẹ đưa ra là vì công việc quá bận rộn nên không thể thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ hoặc phải giao con cho những người khác chăm sóc như ông bà, người giúp việc, người giữ trẻ… và những người được giao chăm trẻ này không có đủ kiến thức nuôi trẻ mà thường theo kiểu cũ…
Ngoài ra, nhiều bà mẹ có thói quen lên mạng tìm thông tin nuôi con, hoặc nghe bà mẹ khác rỉ tai truyền kinh nghiệm nuôi con đã dẫn đến cách chăm sóc trẻ sai như lấy nước cháo pha sữa cho trẻ, hoặc nghe nói nước xương bổ nên chỉ pha nước xương với bột cho trẻ, trẻ lớn vẫn cho ăn cháo xay nhưng có trẻ chưa đến 2 tuổi đã cho ăn cơm…
Nên dành thời gian chăm sóc trẻ
Bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh chăm sóc dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ tốt rất quan trọng cho sự phát triển thể chất, tinh thần và cả tương lai của trẻ. Do vậy, những người chăm sóc trẻ (các bà mẹ, ông bố, ông bà nội, ngoại…) cần đầu tư thời gian tìm hiểu một cách chính thống kiến thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ và kiên trì thực hành.
Bên cạnh đó, cần theo dõi sự tăng trưởng của trẻ bằng cách cân, đo trẻ định kỳ hằng tháng để kịp thời phát hiện tình trạng trẻ bị đứng cân, đi khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời để có thể giải quyết tình trạng này chứ không nên để trẻ bị suy dinh dưỡng.
Trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, cần chăm sóc trẻ có chế độ ăn với mức năng lượng và dinh dưỡng cao hơn, phù hợp với trẻ.
Ngoài ra cũng cần giữ vệ sinh môi trường, chích ngừa đầy đủ, tuân thủ chế độ tái khám ở các chuyên khoa để phục hồi sớm sức khoẻ cho trẻ.
Từ lâu, sữa mẹ đã được chứng minh là một giải pháp giúp cho trẻ phòng ngừa và giải quyết tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng nên các bà mẹ phải cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Giai đoạn chăm sóc trẻ nhỏ là giai đoạn rất khó khăn, vất vả nhưng cũng qua rất nhanh.
Do vậy, các bà mẹ cần ưu tiên đầu tư việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt khi trẻ dưới 3 tuổi, vì đây là đối tượng bị suy dinh dưỡng nhiều nhất. Các bà mẹ nên sắp xếp thời gian, công việc để chính mình chăm sóc trẻ, chứ không nên khoán cho những người xung quanh.
Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng cần sự hỗ trợ, nâng đỡ từ các thành viên khác trong gia đình để nuôi con bằng sữa mẹ và có nhiều thời gian dành cho trẻ.
THÙY DƯƠNG