Biển Đông trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Được thông qua lúc gần nửa đêm 9.8, Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) thứ 47 dành một phần rất lớn đề cập vấn đề biển Đông.
Biển Đông trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Được thông qua lúc gần nửa đêm 9.8, Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) thứ 47 dành một phần rất lớn đề cập vấn đề biển Đông.
|
Có độ dài tổng cộng 55 trang A4 với 166 khoản, bản Thông cáo đề cập từ các nguyên tắc, giá trị cốt lõi của khối; tiến độ, phương cách thức tiến đến Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; cho đến quan hệ của khối với mỗi trong số 10 đối tác bên ngoài, với các tổ chức kinh tế - thương mại toàn cầu; phương cách vận hành các cấu trúc hợp tác do ASEAN làm trung tâm; và những vấn đề an ninh nóng bỏng trong khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đánh giá Thông cáo chung của AMM thứ 47 là một văn kiện “toàn diện và rất quan trọng”, bởi nó “chỉ rõ các mục tiêu và đường hướng phát triển của khối vượt ngoài mốc thời gian 2015”, tức sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời.
Tuy nhiên, được chú ý nhất trong Thông cáo vẫn là nội dung phản ánh tình hình biển Đông hiện nay, mà Thứ trưởng Phạm Quang Vinh tỏ ra “rất hài lòng” vì “nó phản ánh sự chia sẻ và nhất trí cao của ASEAN” đối với vấn đề đang gây quan ngại cho an ninh toàn cầu.
Ông Vinh cũng tự hào về sự đóng góp của Việt Nam trong nội dung bản Thông cáo này.
Tuyên bố 7 khoản về biển Đông
Nằm trong mục “Các vấn đề an ninh khu vực và thế giới”, biển Đông được phản ánh trong 7 khoản với độ dài hơn 2 trang, so với các vấn đề khác như an ninh trên bán đảo Triều Tiên, Ukraine, vụ máy bay dân sự MH17 của Malaysia bị bắn hạ… chỉ được “gói gọn” trong một khoản cho mỗi một vấn đề.
Trong bản Thông cáo chung lẽ ra phải được thông qua ngay sau khi 2 cuộc họp AMM kết thúc chiều 8.8, các Ngoại trưởng ASEAN khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông” (khoản 149).
Khẳng định lại các nguyên tắc mà ASEAN đã đồng thuận nội khối hoặc với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, bản Thông cáo chỉ rõ: “Chúng tôi khẳng định lại các cam kết đối với những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông năm 2012 của các Ngoại trưởng ASEAN, Tuyên bố chung năm 2012 của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC) năm 2002, và Tuyên bố riêng ngày 10.5.2014 của các Ngoại trưởng ASEAN về những diễn biến gần đây trên biển Đông” (khoản 150).
|
Trước những diễn biến phức tạp chưa có dấu hiệu ngưng hoặc không tái diễn ở vùng biển huyết mạch của khu vực và thế giới, các Ngoại trưởng kêu gọi: “Chúng tôi thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS)” (khoản 151).
Bên cạnh đó, khoản 152 nêu: “Chúng tôi nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Chúng tôi nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC). Chúng tôi giao các Quan chức cao cấp triển khai nội dung công tác này”.
“Chúng tôi ghi nhận Báo cáo tiến độ về thực hiện Tuyên bố DOC trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và giao các quan chức làm việc với phía Trung Quốc hoàn tất về các mục tiêu và cấu trúc cũng như cụ thể hóa các thành phần của COC, bao gồm các thành tố cụ thể nhằm thúc đẩy tin cậy và lòng tin, ngăn chặn sự số, quản lý sự cố khi xảy ra. Chúng tôi cũng giao các quan chức xây dựng các biện pháp “thu hoạch sớm” liên quan” (khoản 153).
|
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đà tham vấn và khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được COC, tiếp theo những kết quả mang tính xây dựng của Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 7 về thực hiện DOC ngày 21.4.2014 tại Pattaya, Thái Lan, và cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10 và 11 về thực hiện DOC ngày 18.3.2014 tại Singapore và ngày 25.6.2014 tại Bali, Indonesia. Theo đó, chúng tôi trông đợi nhiều thảo luận thực chất hơn nữa tại Hội nghị SOM về DOC lần thứ 8 và cuộc họp Nhóm công tác chung về DOC thứ 12 cùng được tổ chức vào tháng 10.2014 tại Bangkok, Thái Lan” (khoản 154).
“Chúng tôi ghi nhận tài liệu về Kế hoạch hành động 3 bước (TAP) do Philippines giới thiệu và các đề xuất khác liên quan Điều 5 của DOC được các Ngoại trưởng ASEAN khác đưa ra về vấn đề biển Đông” (khoản 155).
Hôm nay 10.8, trong khuôn khổ AMM thứ 47 và các hội nghị liên quan, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã họp với người đồng cấp các quốc gia vùng Tây Nam Thái Bình Dương (gồm Đông Timor, Papua New Guinea, Indonesia, Philippines, Úc và New Zealand), họp ASEAN - Úc, ASEAN - New Zealand. Đặc biệt, tại cuộc họp các Ngoại trưởng trong Thượng đỉnh Đông Á (ASEAN + Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ), quan ngại về an ninh biển Đông “dâng cao chưa từng thấy”, Reuters trích lời một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên cho hay.
Vào lúc này, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF, gồm ASEAN và 17 đối tác) đã diễn ra cuộc họp hẹp, trước khi bước vào cuộc họp toàn thể.
AMM thứ 47 và các hội nghị liên quan sẽ kết thúc cuối ngày hôm nay 10.8 sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida với 5 nước vùng Hạ Mê Kông (Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Myanmar).
|
Thục Minh