27/11/2024

Giới học thuật Trung Quốc đang làm gì?

Tư tưởng “Đại Hán” ngày nay của Trung Quốc đang xây dựng một chiến lược an ninh hải dương theo ngược chiều văn minh, khiến một góc của thế giới rơi vào cảnh bất an.

Giới học thuật Trung Quốc đang làm gì?

Tư tưởng “Đại Hán” ngày nay của Trung Quốc đang xây dựng một chiến lược an ninh hải dương theo ngược chiều văn minh, khiến một góc của thế giới rơi vào cảnh bất an. 

TS Kim Vĩnh Minh – Ảnh: sssa.org.cn

 

 

Tạp chí Quốc Tế Triển Vọng  (World Outlook), (Trung văn, 2 tháng 1 kỳ) của Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế – Viện Khoa học xã hội Thượng Hải

 

Liệu các nước trong khu vực có cùng sự tổn hại bởi chiến lược hải dương bá đạo đó có nên hợp tác mạnh mẽ, toàn diện và có mục tiêu hơn trong lĩnh vực khoa học liên quan đến biển?

Sách lược ngoại giao ương ngạnh cùng với những hành động khơi mào khiêu khích hoặc ngang nhiên gây hấn của các lực lượng quân sự và dân sự Trung Quốc trên biển Đông những năm gần đây khiến nhiều nước lo ngại. Vấn đề đường lối của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến chính giới ở các nước xung quanh quan sát hằng ngày từng động thái, học giới thì đào sâu phân tích.

Học giả – Mưu sĩ

Nhìn riêng vào lĩnh vực học thuật, từ sau năm 2009, số lượng học giả quốc tế quan tâm nghiên cứu lĩnh vực chính trị và địa chính trị vùng biển Đông đột nhiên tăng nhanh.

Một vài học giả Trung Quốc – tiêu biểu như giáo sư Học viện Ngoại giao Nhâm Viễn Triết (Ren Yuanzhe) – lý giải hiện tượng này rằng đó là do sự xung đột lợi ích giữa Trung Quốc với Mỹ, rằng các học giả Mỹ nghiên cứu sâu sát vấn đề này với mục đích tư vấn chiến lược cho Chính phủ Mỹ trong việc đối phó Trung Quốc (1).

Nhưng thật ra cách nhìn này chỉ đúng một mặt của hiện tượng, bởi một số không ít học giả không phải người Mỹ, và mặt khác, phần lớn nghiên cứu của họ nhằm vào mục tiêu tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ổn định cho khu vực biển Đông và các nước Đông Nam Á.

Dính đến truyền thông về sự trỗi dậy của Trung Quốc, gần đây người ta thường nghe gắn với cụm từ “lợi ích cốt lõi”. Lợi ích này là gì, nhiều hay ít, lớn hay nhỏ? Theo định nghĩa của Phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hồi năm 2011 thì “Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm những lợi ích tồn tại trong các mặt: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, lãnh thổ hoàn chỉnh, quốc gia thống nhất…” (2).

Tất cả các phạm trù này khi được diễn giải chi tiết đều thấy tổn hại đến lợi ích của các nước xung quanh.

Ở Trung Quốc, một bộ phận học giả ngày nay có vai trò như những mưu sĩ thời xưa, hoặc là tư tưởng của họ được chính phủ áp dụng hoặc là họ diễn giải hay phân tích tính khả thi các chủ trương của chính phủ. Theo một số chuyên gia, khi nắm và giữ được lợi ích cốt lõi, vấn đề đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hải dương số 1 thế giới chỉ còn là một tiến trình.

An ninh hải dương tuy là một bộ phận của an ninh quốc gia nhưng được xem là mục tiêu trọng yếu, vì nó chi phối, đan xen và củng cố hoàn thiện các mục tiêu chủ quyền quốc gia, lãnh thổ hoàn chỉnh và quốc gia thống nhất. Nhiều công trình, hạng mục nghiên cứu chiến lược an ninh hải dương đã và đang được Trung Quốc ráo riết thực hiện.

Tiêu biểu, chúng ta có thể lướt qua công trình “Nghiên cứu chiến lược an ninh hải dương Trung Quốc” của tiến sĩ Kim Vĩnh Minh – chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu luật biển thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải – công bố vào tháng 8-2012 (3). Theo nghiên cứu của tiến sĩ Kim, mục tiêu chiến lược để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hải dương số 1 sẽ trải qua ba giai đoạn:

1 – Mục tiêu chiến lược cận kỳ (2012-2020). Chủ yếu là cố gắng giữ bình ổn vấn đề hải dương, giảm tối đa các mối uy hiếp hoặc tổn hại trên biển đối với Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể là xây dựng, hoàn thiện thể chế và cơ chế, bao quát việc thiết lập các cơ cấu tổ chức quản lý sự vụ hải dương quốc gia; hoàn thiện chế độ pháp luật và chính sách trong lĩnh vực hải dương nhằm sáng tạo các điều kiện thu hồi các đảo, đá, bãi đá ngầm.

2 – Mục tiêu chiến lược trung kỳ (2021-2040). Sáng tạo các điều kiện, dựa vào lực lượng tổng hợp quốc gia, cố gắng giải quyết riêng các vấn đề hải dương trọng yếu (như vấn đề Nam Hải), thực hiện mục tiêu cường quốc hải dương khu vực. Mục tiêu cụ thể là từng bước thu hồi và khai thác các đảo, đá, bãi đá ngầm mà nước khác chiếm đóng, giữ quyền tự chủ khai thác, việc hợp tác khai thác và cộng đồng khai thác là sách lược bổ trợ.

3 – Mục tiêu chiến lược viễn kỳ (2041-2050). Tổng hợp thực lực đầy đủ về kinh tế và khoa học kỹ thuật, xử lý toàn diện và giải quyết vấn đề hải dương, hoàn thành sự nghiệp lớn thống nhất đất nước, thực hiện mục tiêu cường quốc hải dương thế giới. Mục tiêu cụ thể là quản lý 3 triệu km2 hải vực không một trở ngại nào, tự do sử dụng hải dương toàn cầu với các nguồn lợi của nó.

 

PGS Giang Hồng Nghĩa – Ảnh: hainu.edu.cn

 

 

Tạp chí Thế Giới Kinh Tế Dữ Chính Trị Luận Đàn (Forum of World Economics & Politics/ Luận đàn kinh tế và chính trị thế giới), (Trung văn, 2 tháng 1 kỳ) của Viện nghiên cứu kinh tế thế giới – Viện Khoa học xã hội tỉnh Giang Tô (Nam Kinh)

 

Bản chất tham lam vô tận

Nhìn tổng quan cũng thấy được chiến lược này phản ánh khá rõ bản chất tham lam vô tận của một bộ phận trí thức và chính giới Trung Quốc, với tham vọng theo đuổi đến cùng mục tiêu làm chủ trọn vùng biển Đông, khu vực quần đảo Điếu Ngư, sáp nhập Đài Loan để thống nhất quốc gia.

 Theo các kế hoạch cụ thể nhằm thực thi cho từng giai đoạn của chiến lược này, điểm lo ngại nhất thể hiện trong phân tích của tiến sĩ Kim là vấn đề hợp thức hóa khu vực bên trong đường chữ U: “cố gắng giải quyết riêng các vấn đề hải dương trọng yếu (như vấn đề Nam Hải)”, để khu vực này hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Trong vai trò hoạch định chiến lược, tiến sĩ Kim không đi sâu vào giải pháp chuyên môn thuộc phần việc nghiên cứu luật pháp, tuy nhiên ông ta nhìn ra được sự trở ngại mấu chốt từ bên trong, tức là vấn đề phải giải thích như thế nào về tính pháp lý của đường chữ U để nó có sự tương thích với Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Tiến sĩ Kim cũng đặt ra vấn đề là Chính phủ Trung Quốc phải nhanh chóng chọn thời cơ thích hợp để công bố “Sách trắng về chính sách đường 9 đoạn Nam Hải”, gồm “bản học giới” và “bản chính phủ”, đề ra việc nên có hai bản sách trắng có lẽ một bản nhằm để ổn định tình hình phân tán trong nghiên cứu lý luận và một bản dành cho vấn đề ngoại giao.

Vài học giả khác lại có những gợi ý cụ thể trong quá trình thực thi chiến lược an ninh hải dương. Theo phó giáo sư Giang Hồng Nghĩa (Jiang Hongyi) – phó viện trưởng Học viện Chính trị và quản lý công thuộc Đại học Hải Nam, Chính phủ Trung Quốc nên ưu tiên dùng chiến lược xây dựng khung pháp lý thích hợp để từng bước hợp thức hóa vùng biển Đông, tránh đối đầu quân sự.

Trong lúc khung pháp lý chưa hoàn bị, chưa thể quản lý hợp pháp toàn bộ diện tích bên trong phạm vi đường chữ U, biện pháp trước mắt để chế ngự biển Đông là lấy khoa học kỹ thuật làm phương tiện hàng đầu, lấy kinh tế làm nền tảng, lấy sức mạnh quân sự yểm trợ các hoạt động khoa học.

Phó giáo sư Giang cho rằng: “Trước mắt, cạnh tranh quốc tế trên biển thực tế chỉ là sự cạnh tranh về trình độ khoa học kỹ thuật, khoa học kỹ thuật có chiếm ưu thế thì mới làm chỗ dựa cho quyền chủ động khai thác…”(4).

Nhìn biện pháp trước mắt mà ông Giang Hồng Nghĩa đưa ra, chúng ta có thể thấy nó đã được ứng dụng phần nào trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua. Còn rất nhiều loại hình hoặc hình thức thuộc nội dung khoa học kỹ thuật khác có thể được thi triển trong giai đoạn chiến lược cận kỳ, mãi đến giai đoạn trung kỳ, và các quốc gia có đường biên xung quanh đường chữ U thách thức ấy sẽ đầy khó khăn trong tương lai.

Qua nhiều thay đổi, Công ước Luật biển 1982 lần đầu tiên mang đến quyền thụ hưởng chính đáng và bình đẳng cho tất cả các quốc gia ven biển, đánh dấu một nấc thang trong tiến trình văn minh nhân loại. Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ hải dương”, các quốc gia sở hữu vùng biển đều nhìn ra lợi ích và tiềm năng từ biển, mọi khả năng trí tuệ và sức lực có thể đang được vận dụng tối đa nhằm đưa nguồn lợi từ biển phục vụ con người.

Nhưng tư tưởng Đại Hán ngày nay của Trung Quốc lại xây dựng một chiến lược an ninh hải dương theo ngược chiều văn minh, khiến một góc của thế giới rơi vào cảnh bất an.

Liệu các nước trong khu vực có cùng sự tổn hại bởi chiến lược hải dương bá đạo của Trung Quốc có nên hợp tác mạnh mẽ, toàn diện và có mục tiêu hơn trong lĩnh vực khoa học liên quan đến biển, ngoài sự hợp tác/tương trợ trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự?

Câu trả lời đã rất rõ ràng.

PHẠM HOÀNG QUÂN

(1): Nhâm Viễn Triết (Ren Yuanzhe/), “Vấn đề Nam Hải và an ninh khu vực: Góc nhìn của học giả Tây phương”, Ngoại Giao Bình Luận (tạp chí của Học viện Ngoại giao Trung Quốc), số 4-2012.

(2): Sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, Phòng báo chí Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa biên soạn, Nhà xuất bản Nhân Dân, 2011.

(3): Kim Vĩnh Minh (Jin Yongming/), toàn văn đăng trên Quốc Tế Triển Vọng (World Outlook , tạp chí của Viện nghiên cứu quốc tế – Thượng Hải), số 4-2012.

(4): Giang Hồng Nghĩa (Jiang Hongyi/), “Nhìn lại vấn đề nghiên cứu Nam Hải và phân tích yếu điểm cơ bản về chính trị hải dương”, tạp chí Thế Giới Kinh Tế Và Chính Trị Luận Đàn, số 4, tháng 7-2013.