09/01/2025

Cánh cửa của con, hãy để con tự mở!

“Phải giáo dục người trẻ không ngừng tự học, học mọi lúc mọi nơi chứ không phải chỉ trong sách vở, học một cách cầu thị từ người đi trước… thay vì băn khoăn với câu hỏi đi học hay không đi học, học trường nào thì giỏi?”, Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ

Cánh cửa của con, hãy để con tự mở!

Chuyên mục “Đối thoại tuổi 20” kỳ này là những chia sẻ từ giáo sư – tiến sĩ – Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí về việc giáo dục con theo một hướng đi khác biệt.

Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Anh Trí Ảnh: Công Nhật 

Ông Trí cho biết: “Nếp sống nhà tôi là luôn lắng nghe nhưng ít khi can thiệp sâu vào cuộc sống của nhau. Từ nhỏ con muốn học ở đâu, chơi gì… miễn chính đáng thì chúng tôi đều tôn trọng”.

* Cả ông lẫn vợ đều làm trong ngành y nhưng lại đồng ý để con trai duy nhất theo một lĩnh vực hoàn toàn khác. Đó có là một quyết định khó khăn?

– Thật lòng chúng tôi rất muốn con nối nghiệp gia đình bởi nghề y là một nghề thú vị để rèn người, vợ chồng tôi lại có nhiều mối quan hệ trong ngành… những thuận lợi này không phải ai cũng có được.

 

“Phải giáo dục người trẻ không ngừng tự học, học mọi lúc mọi nơi chứ không phải chỉ trong sách vở, học một cách cầu thị từ người đi trước… thay vì băn khoăn với câu hỏi đi học hay không đi học, học trường nào thì giỏi?”

Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Anh Trí

 

Ngày con chọn du học ngành marketing thay vì y khoa, chúng tôi có hỏi vì sao. Con tôi ngồi lý giải một cách rành mạch và khẳng định tính cách không hợp với ngành y, chúng tôi nghe hợp lý thì gật đầu ngay. Được học ngành bản thân thật sự yêu thích, con tôi đã hoàn thành bằng thạc sĩ và hiện đang là quản lý cấp cao. Suy cho cùng chỉ có con mới hiểu rõ bản thân có điểm mạnh yếu gì và phù hợp ngành nào. Chúng tôi không thể thay con quyết định hướng đi sẽ theo con cả cuộc đời được.

* Nhưng nhiều người tin chỉ có học ở trường danh tiếng, trường chuyên lớp chọn mới đảm bảo thành công cho tương lai của con họ…

– Mưu cầu cho con cái được học trường tốt, học cao là nguyện vọng hết sức chính đáng của các bậc phụ huynh. Tôi rất ủng hộ điều này.

Tuy nhiên, việc học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu người trẻ được vào môi trường học tập phù hợp với khả năng, hoàn cảnh. Việc nhất nhất ép trẻ vào trường chuyên, lớp chọn… đôi khi phản tác dụng và sẽ gây những hậu quả đáng tiếc như báo chí vẫn thường đưa tin.

Thời sinh viên ở trường y, tôi từng nhiều lần chứng kiến cảnh cùng một bài học nhưng có sinh viên chỉ cần 30 phút là học xong, có người phải mất đến ba buổi nhưng vẫn chưa thuộc. Khi thấy con mình học hành quá khổ sở thì chúng ta phải xem lại ngay.

Học ở đâu cũng được, miễn có ý chí là tốt. Đâu phải giáo sư, nhân tài nào cũng đến từ trường danh tiếng.

Gia đình tôi có hai giáo sư, gia đình bên vợ cũng có hai giáo sư… nhưng chúng tôi không bao giờ lấy điều này gây áp lực cho con trai mình. Ngày xưa cha tôi cũng từng để tôi học một cách thoải mái, không đòi hỏi cao xa.

* Dường như giữa ông và con trai không có nhiều khoảng cách thế hệ?

– (Cười) Đúng là như vậy, có thể nói chúng tôi như hai người bạn cùng thế hệ, chuyện gì cũng tin tưởng chia sẻ với nhau được. Chính nhờ điều này mà tôi từng can thiệp kịp thời một vài rắc rối lớn con chạm phải. Tuy nhiên, tôi thừa nhận bản thân cũng như nhiều bậc phụ huynh Á Đông khác, từng nhiều lần đánh giá sai về con.

Tôi nhớ mãi lần Trí Anh – con tôi – cứ nằng nặc đòi tôi phải cho cháu mang cuốn sách ảnh Việt Nam nặng gần 4kg khi đi du học. Tôi hỏi vì sao, câu trả lời của con khiến tôi giật mình: “Con muốn mang theo để cho bạn bè con biết VN đẹp như thế nào”. Tôi coi vali cháu thấy chất đầy trong đó những tác phẩm như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Mãi mãi tuổi 20… trong khi trước đó tôi cứ nghĩ cháu chỉ đọc mỗi truyện tranh. Tôi nghĩ người lớn chúng ta nên tin tưởng hơn vào con mình, đừng mãi xem con là con nít.

* Từ những điều vừa được chia sẻ, chúng tôi hình dung giáo sư đã lớn lên trong một môi trường giáo dục hoàn hảo…

– Sự thật ngược lại, tôi xuất thân trong một gia đình nghèo. Cha tôi đi công tác suốt, mẹ là nông dân chính gốc nên tư duy thuần túy “lũy tre làng”. Bà chỉ mong lũ con mạnh khoẻ, có nhiều trâu để chăn là được. Tuy nhiên, cha tôi lại là người rất yêu sự học và luôn tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi được học. Chúng tôi học không vì áp lực mà học vì thương cha mẹ vất vả hi sinh để mình được đến trường.

Còn nhớ ngày đi thi vào cấp III, mẹ vét lu không còn một hột gạo, đành giúi vào tay tôi vài đồng để mua mấy que kẹo lót dạ. Những hình ảnh đó không khiến tôi nản lòng, mà trái lại là động lực để tôi học nhiều hơn nữa.

 

 

Giáo sư – tiến sĩ – Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí (sinh 1957, Quảng Bình) hiện là viện trưởng Viện Huyết học – truyền máu trung ương. Trong danh sách được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 2001-2011 (do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký), ông là cá nhân duy nhất nhận được vinh dự trên. Ông cũng là người sáng lập và điều hành Hành trình đỏ, chương trình thường niên nhằm vận động hiến máu tự nguyện, tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh.

 

 

CÔNG NHẬT