09/01/2025

Vốn từ Mỹ đang chảy vào VN

Sự có mặt của đại diện các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn từ Mỹ tại VN trong nửa đầu năm nay được các chuyên gia kinh tế nhận định là tín hiệu cho thấy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào VN sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

 

Vốn từ Mỹ đang chảy vào VN

Sự có mặt của đại diện các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn từ Mỹ tại VN trong nửa đầu năm nay được các chuyên gia kinh tế nhận định là tín hiệu cho thấy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào VN sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Công nhân nhà máy GE (Mỹ) lắp ráp tua bin điện gió tại Hải Phòng – – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Mở đường cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ           

 
 

Phải có tính chuyên biệt trong mời gọi mỗi lĩnh vực sẽ hay hơn là cứ mời gọi chung chung làm mất thời gian và dễ làm nản lòng nhà đầu tư khi tiếp cận

 

Ông Robert Trần, Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny (Canada)

 

Hồi đầu năm, gần 80 nhà quản lý của 33 tập đoàn hàng đầu nước Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tổ chức đã đến VN. Hơn một tháng sau đó, Liên minh phát triển thương mại thành phố Seattle (Mỹ) cũng tổ chức một đoàn gồm hơn 20 CEO, cố vấn đầu tư, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, các tổ chức kinh tế và trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dược phẩm, giáo dục như Microsoft, Boeing, Virginia Manson Mediacal Center, Global Reach K.K, Đại học Washington… vào VN để tìm hiểu về cơ hội hợp tác đầu tư. Đầu tháng 6 vừa qua, một đoàn doanh nghiệp (DN) do Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ dẫn đầu, đã có chuyến thăm với thông điệp khẳng định VN là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) nhận định, đang có một làn sóng đầu tư mới từ Mỹ vào VN. Việc các tập đoàn lớn như Exxon Mobil với kế hoạch triển khai dự án điện – khí lên đến 20 tỉ USD là một xu hướng tích cực vì họ đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính tốt. Trong 7 tháng qua, nhiều dự án đầu tư lớn của Mỹ cũng đã được triển khai. Lớn nhất là dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu của Good Choice với vốn 1,29 tỉ USD. Thông tin từ Intel VN cho biết, tập đoàn này sẽ đóng cửa hoạt động kiểm tra lắp ráp tại Costa Rica vào cuối năm nay và sẽ chuyển một phần vào VN trong năm tới.

Ông Robert Trần, Tổng giám đốc, phụ trách 2 thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny (Canada), cho rằng các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ hầu hết đã vào VN. Hơn một năm có văn phòng tại VN, Walmart đã xuất đi hàng ngàn container hàng hóa VN mỗi năm. Tập đoàn thương mại lớn thứ hai là JCPenney cũng đã vào VN mấy năm qua, tuy hoạt động âm thầm nhưng kết quả kinh doanh khá tốt.

“Các tập đoàn thương mại lớn của Mỹ đến VN trong thời gian qua thực chất là những chuyến đi mở đường cho khối DN vừa và nhỏ (SME) của nước này nhằm đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi VN chính thức gia nhập trong năm tới. Luồng vốn từ nhóm SME Mỹ cực kỳ quan trọng bởi họ tốn ít thời gian thăm dò hơn và xúc tiến các việc cũng nhanh nhạy hơn”, ông Robert Trần nhận định. Cũng theo ông Robert Trần, ngoài các ký kết, hợp tác các dự án lớn về năng lượng, hàng không, công nghiệp nặng, còn rất nhiều nhóm các công ty đầu tư trong lĩnh vực nông sản, du lịch, giáo dục, tài chính… tìm đến để tìm hiểu môi trường đầu tư và thị trường ở VN. “DN vừa và nhỏ thường chọn kênh thu mua trước, sau mới đầu tư nhà máy nếu mọi cái thuận lợi” – ông Robert Trần nói.

“Chảy”qua các quỹ tư nhân         

 
 

Mỹ hiện nằm trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào VN. Trong 20 năm qua, theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có gần 700 dự án còn hiệu lực của Mỹ đầu tư tại VN với tổng vốn đầu tư trên 11 tỉ USD. Từ đầu năm 2014 đến nay, có 5 dự án đầu tư của Mỹ vào VN. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư Mỹ trong các lĩnh vực hạ tầng, nhiệt điện đang tăng cường chuyến đi đến VN để tìm cơ hội.

 

Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Vietnam Capital Partners, SME đến từ Mỹ thường thông qua các quỹ đầu tư tư nhân. Đơn cử KKR, Tập đoàn quản lý tài sản tư nhân đến đã đầu tư vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên 5,2 tỉ USD. 4 công ty thuộc khu vực Đông Nam Á nhận 20% trong gói 5,2 tỉ USD. Trong đó, KKR đã đầu tư gần 360 triệu USD vào Tập đoàn Masan của VN. Quỹ này đang ráo riết tìm kiếm cơ hội tiếp tục đầu tư vào VN trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ.

Quỹ đầu tư TPG (Texas Pacific Group) thì rót vốn đầu tư vào một DN VN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hiện DN này đang sở hữu 40% cổ phần thương hiệu Cám Con Cò.“Nhiều nhà đầu tư Mỹ đã nhòm ngó thị trường VN từ 5 – 6 năm trước nhưng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên chựng lại. Động thái tổ chức các chuyến đi nhiều hơn đến VN cho thấy họ đã chuẩn bị tinh thần để quay trở lại thị trường Đông Nam Á nói chung, không riêng VN”, ông Nguyễn Nam Sơn nhận xét.

Để đón làn sóng này, ông Robert Trần cho rằng, các tỉnh thành phải có chiến lược mời gọi rõ ràng. “Chẳng hạn Khánh Hòa sẽ tập trung du lịch là điểm chính để mời gọi đầu tư, TP.HCM tập trung công nghệ cao, tài chính, giáo dục… Phải có tính chuyên biệt trong mời gọi mỗi lĩnh vực sẽ hay hơn là cứ mời gọi chung chung làm mất thời gian và dễ làm nản lòng nhà đầu tư khi tiếp cận”, ông Robert Trần nhấn mạnh.

Còn chuyên gia kinh tế Võ Tá Hân cho rằng, chính sách là việc nhà nước lo, nhưng trực tiếp thu hút FDI là công việc sống còn của các khu công nghiệp. Các nhà làm tiếp thị đầu tư các khu công nghiệp cần nghiên cứu để lập một danh sách những DN thuộc những ngành muốn thu hút, đến thăm trực tiếp văn phòng của họ tại Mỹ hoặc tại văn phòng vùng ở Singapore để giới thiệu về mình nhằm chuẩn bị đón đầu tốt hơn.