23 giải pháp thuế gỡ khó doanh nghiệp
Chiều 31-7, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo về phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ.
23 giải pháp thuế gỡ khó doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp báo của Chính phủ – Ảnh: V.Dũng |
Ông Nên cho biết đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và qua bảy tháng đầu năm, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận nếu vẫn duy trì đà tăng trưởng và phát triển như hiện nay, mặc dù đã có những chuyển biến khá toàn diện, nhưng sẽ rất khó khắc phục sự trì trệ chung của nền kinh tế. Cần phải có đột phá trong chỉ đạo, điều hành để đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh mặc dù kinh tế nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song “Chính phủ không điều chỉnh mà bằng các biện pháp và quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm”. Chính phủ đã thảo luận, nhất trí sẽ ban hành nghị quyết các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sẽ có nhiều cải cách thủ tục thuế, hải quan
“Đề nghị các địa phương phải xử lý kiên quyết. Không được vì lợi ích cục bộ của địa phương mà gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho lợi ích của đất nước” Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc “gói” giải pháp thuế nêu trên được dự tính khoảng bao nhiêu tiền, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết có tám giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ và 15 giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những giải pháp này có một nửa tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan để đạt được các yêu cầu cụ thể, đơn cử là đến hết năm 2015 thời gian kê khai nộp thuế của doanh nghiệp là 171 giờ. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích là “không phải gói kích cầu như trước đây, do vậy nếu tính giá trị thì sẽ không chính xác và không đầy đủ”. Ví dụ, theo quy định hiện hành, kinh doanh liên quan đến ngoại tệ khi nộp thuế phải tính theo tỉ giá liên ngân hàng, trong khi doanh nghiệp hạch toán bằng tỉ giá thực tế quan hệ với ngân hàng thương mại, do vậy doanh nghiệp nào cũng phải điều chỉnh sổ sách, một cách làm khác với nguyên lý về kế toán. Lần này sẽ sửa đổi bất cập nêu trên để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Một ví dụ khác, hiện mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị với giá trị trên 30 tỉ USD. Các máy móc, thiết bị này ngay khi thông quan phải nộp thuế theo quy định hiện hành, sau đó làm thủ tục để hoàn thuế với thời gian từ 45-60 ngày. Lần này Chính phủ sửa đổi theo hướng để doanh nghiệp thông quan máy móc, thiết bị ngay, cho tạm chậm nộp thuế tối đa 60 ngày, trong 60 ngày đó cơ quan chức năng làm thủ tục hoàn thuế ngay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Ước tính việc cho tạm chậm nộp này giảm chi phí vốn lên đến 1.800 tỉ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp.
Cùng với các giải pháp nêu trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch – đầu tư, Tài nguyên – môi trường, TP Hà Nội và TP.HCM tiếp tục rà soát để sớm bãi bỏ, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng
Xử lý nghiêm tội phạm bảo kê xe quá tải
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát, ưu tiên bố trí vốn để sớm triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công theo nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo chương trình 167 và xây dựng nhà ở chống lũ cho người dân miền Trung. Theo rà soát và tính toán ban đầu của các bộ, ngành và địa phương thì tổng số hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở là 71.000, tổng số hộ nghèo cần tiếp tục hỗ trợ về nhà ở là 510.000 hộ và tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở tránh lũ tại miền Trung là 40.500 hộ.
Về chủ trương tổ chức một kỳ thi chung quốc gia (thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học), ông Nên cho hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã xây dựng ba phương án và công bố lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, hoàn thiện phương án cuối cùng, sớm công bố phương án chính thức để có thể áp dụng vào năm 2015.
Về tình hình các băng nhóm tội phạm bảo kê cho xe quá tải vượt trạm cân, tình hình buôn lậu qua biên giới và khai thác cát gây hậu quả môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các nhóm tội phạm bảo kê xe quá tải. Các địa phương phải nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý khai thác cát trái phép và Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này. Về tình trạng buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá qua biên giới gây thất thu thuế nghiêm trọng (ước tính hơn 6.000 tỉ đồng mỗi năm), Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết ngăn chặn, trong đó có việc xử lý nghiêm minh các đối tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, trả lời câu hỏi về khoản vốn tồn đọng hơn 90.000 tỉ đồng tại Kho bạc Nhà nước trong khi nhiều dự án chậm tiến độ vì không được giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định đây là vấn đề Thủ tướng đã quan tâm chỉ đạo để các ngành chức năng tính toán phương án giải ngân. “Dù sao đây cũng là sự chậm trễ cần xử lý sớm” – ông Nên nói.