08/01/2025

Nhật cảnh báo nguy cơ đụng độ Trung Quốc

Sách trắng quốc phòng Nhật khẳng định vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc đang khiến căng thẳng leo thang trên biển Hoa Đông và có thể dẫn tới những cuộc đụng độ quân sự.

Nhật cảnh báo nguy cơ đụng độ Trung Quốc

Sách trắng quốc phòng Nhật khẳng định vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc đang khiến căng thẳng leo thang trên biển Hoa Đông và có thể dẫn tới những cuộc đụng độ quân sự.

Máy bay quân sự Nhật bay trên bầu trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP 

Nguồn tin Kyodo News cho biết sách trắng sẽ được nội các Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn vào đầu tháng 8. Trong sách trắng, Chính phủ Nhật đánh giá việc Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông là hành vi đơn phương, khiêu khích, làm leo thang căng thẳng trên vùng biển giữa hai quốc gia. “Trung Quốc đã xâm phạm nguyên tắc tự do hàng không ở vùng trời trên biển” – sách trắng nhấn mạnh.

Có thể đụng độ vũ trang

 

Đầu tư của Nhật vào Trung Quốc suy giảm

Theo Bloomberg, do căng thẳng leo thang, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc đã giảm 4,3% trong năm 2013 và tiếp tục chiều hướng giảm trong năm nay. Năm 2012, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc tăng tới 16,3%, lên 7,28 tỉ USD. Các nhà phân tích cho biết giới đầu tư Nhật không muốn mạo hiểm với bầu không khí chính trị thù địch ở Trung Quốc.

 

Sách trắng quốc phòng Nhật nhắc lại việc hồi tháng 5 và 6 vừa qua, chiến đấu cơ Trung Quốc đã nhiều lần áp sát một cách nguy hiểm máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) trên bầu trời Hoa Đông, nơi ADIZ hai nước chồng lấn. Cộng với việc Trung Quốc thường xuyên điều tàu và máy bay tới áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính quyền Tokyo cảnh báo một cuộc đụng độ vũ trang có thể bất ngờ nổ ra trên biển Hoa Đông.

Trên tạp chí National Interest, giáo sư Hugh White thuộc ĐH Quốc gia Úc nhận định hoàn toàn có khả năng xung đột quân sự nổ ra giữa Nhật và Trung Quốc. “Nhưng hai nước sẽ không giao tranh để giành quần đảo Senkaku hay nguồn tài nguyên ở đó. Senkaku chỉ là vật lưu niệm trong cuộc đối đầu để khẳng định vị thế giữa hai cường quốc châu Á” – giáo sư White cho biết.

Ông khẳng định trên thực tế Bắc Kinh muốn dùng tranh chấp Senkaku để chứng minh rằng Mỹ sẽ không hành động quyết liệt để bảo vệ các đồng minh châu Á.

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục đe dọa triển khai quân sự ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các vụ vờn nhau trên không vừa qua là một bằng chứng. Giáo sư White cho rằng Washington đã phản ứng theo cách Bắc Kinh lường trước và mong đợi. Đó là chỉ đưa ra các thông điệp không rõ ràng mà không khẳng định quả quyết sẽ bảo vệ Nhật nếu xung đột xảy ra ở Senkaku/Điếu Ngư.

Cơn ác mộng tại châu Á

“Liên minh Mỹ – Nhật sẽ bị giáng một đòn mạnh nếu Trung Quốc tấn công Senkaku mà Washington không hỗ trợ Tokyo. Bắc Kinh sẽ rất muốn thử thách vị thế của Mỹ ở châu Á. Chính quyền Trung Quốc tỏ ra tự tin cho rằng Mỹ sẽ khiến Nhật thất vọng” – giáo sư White cảnh báo. Trên thực tế, nhiều nhà phân tích quốc tế cũng đánh giá việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ngần ngại can thiệp vào Libya, Syria, Ukraine và Iraq khiến các quan chức Bắc Kinh xác định ông sẽ không dám hành xử quyết liệt khi xung đột nổ ra trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Trên tạp chí The Diplomat, giáo sư James Holmes thuộc ĐH Naval War của Mỹ đánh giá chiến tranh giữa Nhật và Trung Quốc sẽ là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” tại châu Á. Và rất khó để dự đoán bên nào sẽ chiến thắng nếu chiến tranh xảy ra. Theo trang Global Security, Trung Quốc đang phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung đủ sức bắn phá các căn cứ quân sự cùng tàu chiến của Mỹ và Nhật. Ngược lại, tàu ngầm, tàu khu trục và tên lửa mặt đất chính xác của Mỹ và Nhật thừa khả năng đánh chìm nhiều tàu chiến và phá nát các căn cứ không quân Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã mở một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn để chống Nhật. Giới quan sát cho biết mặt trận tuyên truyền chống Nhật của Trung Quốc trở nên đặc biệt nóng bỏng sau khi nội các Thủ tướng Shinzo Abe thông qua cách hiểu mới hiến pháp hòa bình, tạo điều kiện cho Tokyo thực thi quyền phòng vệ tập thể. Bắc Kinh e ngại tầm ảnh hưởng quân sự mở rộng của Tokyo trong khu vực sẽ ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

HIẾU TRUNG