Cơ hội cho nước mắm Phú Quốc tại châu Âu
Là sản phẩm đầu tiên của Asean được Liên minh châu Âu (EU) công nhận và bảo hộ xuất xứ địa lý, nước mắm Phú Quốc của VN có rất nhiều cơ hội để tăng sản lượng và giá bán vào thị trường châu Âu.
Cơ hội cho nước mắm Phú Quốc tại châu Âu
Đóng gói nước mắm Phú Quốc để vận chuyển về TP.HCM (ảnh chụp tại cơ sở sản xuất nước mắm Khải Hoàn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) – Ảnh: N.C.T.
Tuy nhiên, bảo hộ của EU mới tạo ra hành lang pháp lý để chống lại các nhãn hiệu cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc để thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường châu Âu. Đó là ý kiến của ông Claudio Dordi, trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU – MUTRAP), trao đổi với Tuổi Trẻ ở hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm” tổ chức ngày 17-7 tại TP.HCM do Bộ Công thương, UBND tỉnh Kiên Giang và EU – MUTRAP tổ chức.
* Ông HUỲNH QUANG HƯNG (phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc): Sẽ xây dựng làng nghề nước mắm Phú Quốc Được EU bảo hộ chứng nhận địa lý, cơ hội xuất khẩu của nước mắm Phú Quốc sẽ càng mở rộng hơn trong thời gian tới. Hiện Phú Quốc đã có đường bay thẳng từ Nga, đã công bố cảng biển quốc tế Phú Quốc. Đây là những điểm thuận lợi để quảng bá và xuất khẩu nước mắm Phú Quốc trong thời gian tới. Chúng tôi đang rà soát lại quy hoạch để bố trí một khu sản xuất nước mắm tập trung tại Phú Quốc, sau đó đưa toàn bộ các cơ sở sản xuất, đóng chai nước mắm về khu phức hợp này. Không chỉ là nơi sản xuất và cung cấp nước mắm Phú Quốc, làng nghề này còn là một điểm đến trong các tour du lịch Phú Quốc. * Bà NGUYỄN THỊ TỊNH (chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc): Xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang EU tăng Sau khi nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại EU, có bốn doanh nghiệp nước mắm tại Phú Quốc xuất khẩu vào EU, tăng thêm hai doanh nghiệp so với trước, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này cũng tăng mạnh so với trước, khoảng 10-12% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, tình trạng một số nhà sản xuất của Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) lấy thương hiệu nước mắm Phú Quốc bán vào EU vẫn còn, VN cần có tác động để cơ quan chức năng EU tăng cường giám sát, loại bỏ những sản phẩm nhái nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc VN. |
Ông Claudio Dordi nói:
– Việc EU trao chứng nhận về tên gọi xuất xứ được bảo hộ đối với nước mắm Phú Quốc của VN (tháng 12-2012) là một sự kiện lịch sử vì đây không những là sản phẩm đầu tiên tại VN mà còn của cả Đông Nam Á được EU trao chứng nhận này. Đồng nghĩa với việc tên gọi “nước mắm Phú Quốc” sẽ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ của 28 quốc gia thành viên hiện tại của EU. Đây là một thành công rất quan trọng cho các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc.
* Những lợi ích của việc được công nhận và bảo hộ xuất xứ địa lý đối với nước mắm Phú Quốc là gì, thưa ông?
– Khi nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tên gọi địa lý tại châu Âu, các sản phẩm nước mắm sản xuất và đóng chai ở nơi khác sẽ không được kinh doanh, buôn bán tại thị trường 28 nước trong EU với tên gọi nước mắm Phú Quốc nữa.
Đây là cơ sở để EU xử lý các vi phạm xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý Phú Quốc trên lãnh thổ EU. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo hộ sản phẩm nước mắm Phú Quốc tại EU sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Nếu các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc có tranh chấp về thương hiệu với các nhà sản xuất nước khác thì doanh nghiệp VN có thể kiện lên Tòa án công lý châu Âu.
Các công ty trước đây lấy thương hiệu Phú Quốc cũng bị mất thương hiệu và khoảng trống thị trường này sẽ thuộc về các công ty nước mắm Phú Quốc chính hiệu. Không chỉ gia tăng khối lượng nước mắm xuất khẩu vào thị trường châu Âu để lấp khoảng trống này, nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc sẽ có cơ hội để bán với giá tốt hơn.
* EU sẽ làm những gì để kiểm soát các nhãn hiệu sử dụng tên gọi “nước mắm Phú Quốc” bất hợp pháp?
– Nếu một sản phẩm vi phạm nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc được phát hiện tại một nước thuộc EU thì lập tức sẽ bị thu hồi, đồng thời thông báo đến EU để cảnh báo đến các quốc gia thành viên về việc kiểm soát thị trường và thu hồi sản phẩm vi phạm nếu phát hiện. Ngoài ra còn có một số hình thức xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm tùy vào từng nước cụ thể.
Được bảo hộ địa lý tại EU là cơ hội nhưng cũng là một thách thức đối với VN trong việc đảm bảo chất lượng như đã đăng ký với EU. Chỉ cần một sản phẩm, một nhà sản xuất vi phạm, danh tiếng chung của nước mắm Phú Quốc sẽ bị tổn hại tại châu Âu. Vì vậy việc quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm là cực kỳ quan trọng. Để tận dụng được cơ hội này, các bên liên quan từ nhà sản xuất, nhà phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng phải hành động tích cực hơn.
* Bên cạnh thủ tục đăng ký bảo hộ tại EU, EU – MUTRAP sẽ hỗ trợ gì để doanh nghiệp VN tiếp cận thị trường châu Âu?
– Trong khuôn khổ dự án Mutrap, chúng tôi có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức sản phẩm nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý tại VN. Ngoài ra, chúng tôi có một chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư của VN ở ba thành phố lớn tại EU trong thời gian tới. Tại các sự kiện này, các nhà đầu tư và các công ty thương mại của EU biết đến nhiều hơn các sản phẩm của VN. Tôi nghĩ đây là cơ hội để lồng ghép quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc tại EU.
Tuy nhiên theo tôi, các doanh nghiệp VN cần chủ động để tiếp cận thị trường châu Âu, tận dụng lợi thế của bảo hộ địa lý. Trước mắt, nên tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức, quảng bá sản phẩm đến một số người hoạt động định hướng về tiêu dùng thực phẩm tại các nước châu Âu, trường dạy nấu ăn, khách sạn… để tiếp cận người tiêu dùng tại các thị trường mới.
* Ngoài nước mắm Phú Quốc, EU – MUTRAP còn hỗ trợ nông sản nào khác của VN?
– Ngoài sản phẩm nước mắm Phú Quốc, chúng tôi cũng đang hỗ trợ bốn nông sản khác của VN, đó là cà phê Buôn Ma Thuột, hoa hồi Lạng Sơn, thanh long Bình Thuận và xoài cát Hòa Lộc lấy chứng nhận bảo hộ địa lý tại châu Âu.
Theo thông lệ, việc đăng bạ một sản phẩm sẽ kéo dài khoảng năm năm với một khối lượng công việc khổng lồ. Do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị tài liệu, bổ sung thông tin, thuyết minh sản phẩm… bằng tiếng Anh. Ngoài ra, cần có một hiệp hội mạnh đứng sau các doanh nghiệp không chỉ cho giai đoạn đăng ký, mà cả trong việc quản lý, đảm bảo các tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi thương hiệu chung và của các hội viên.
Tuy nhiên, thông tin tích cực đối với các sản phẩm được bảo hộ địa lý VN là trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định thương mại tự do VN – EU, có một số chương dành riêng cho vấn đề chỉ dẫn địa lý và quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau một số chỉ dẫn địa lý của hai bên và tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm giảm vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Có thể gọi đó là cơ chế giải quyết nhanh đang được đàm phán mà theo đó hai nước sẽ thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các chỉ dẫn địa lý tại hai bên. Theo cơ chế này, các chỉ dẫn địa lý đã được công nhận tại VN sẽ được tự động công nhận, bảo hộ tại EU và ngược lại. Khi đó các nhà sản xuất VN chỉ còn thực hiện việc dịch các tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh để nộp sang châu Âu thay vì làm các thủ tục đăng bạ khá phức tạp như nước mắm Phú Quốc đã làm. Thời gian có thể rút ngắn từ vài năm xuống còn vài tháng.
TRẦN MẠNH