10/01/2025

Trường rộng 6.600m2 bỏ hoang giữa lòng thành phố

Chiếm giữ một vị trí rất đẹp ở Q.6, TP.HCM với bốn mặt tiền, tổng diện tích khuôn viên hơn 6.600m2, Trường tiểu học Trần Văn Kiểu chỉ hoạt động được năm năm sau ngày khánh thành và bỏ hoang từ năm 2010 tới nay.

 

Trường rộng 6.600m2 bỏ hoang giữa lòng thành phố

Chiếm giữ một vị trí rất đẹp ở Q.6, TP.HCM với bốn mặt tiền, tổng diện tích khuôn viên hơn 6.600m2, Trường tiểu học Trần Văn Kiểu chỉ hoạt động được năm năm sau ngày khánh thành và bỏ hoang từ năm 2010 tới nay.

Khuôn viên hoang hóa, đầy rác - Ảnh: Minh Giảng

Bàn ghế vứt chỏng chơ – Ảnh: Minh Giảng

 

Trường Trần Văn Kiểu có bốn dãy phòng học cao ba tầng với sân trường khá rộng. Cổng trường khóa kín. Tường rào sắt cao 3m vẫn rất kiên cố. Nhưng quan sát bên trong có thể thấy rõ sự hoang phế và xuống cấp trầm trọng.

Tan hoang

Trường được xây dựng vào tháng 8-2003 với 26 phòng học, các phòng chức năng, hội trường… Kinh phí xây dựng hơn 19 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng tháng 9-2004. Cùng thời gian này, Trường tiểu học Phú Định (gần đó) cũng được phá bỏ xây mới, học sinh chưa có chỗ học nên Q.6 đã bố trí học sinh Trường tiểu học Phú Định sang học tại ngôi trường vừa hoàn thành này.

Thế nhưng ngay sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã bắt đầu lún sụt, hư hỏng. Tháng 6-2009, vì các phòng học xuống cấp, hư hỏng quá nặng, có nguy cơ sụp đổ, ban giám hiệu Trường tiểu học Phú Định đã di dời khẩn cấp bốn lớp sang học nhờ tại trường khác. Năm 2010, ngôi trường này bị bỏ hoang tới nay. Được đầu tư xây mới với hơn 19 tỉ đồng (chưa tính kinh phí sửa chữa) nhưng chỉ sử dụng được năm năm, ngôi trường đã hoang phế.

Sự hoang phế thấy rõ nhất khi khuôn viên trường bị cây cối và các loại rác phủ lấp. Toàn bộ mặt sân đều sụt lún 30-60cm. Ghế đá, các dụng cụ ở khu vực vui chơi gãy, xiêu vẹo. Các bậc tam cấp nối sân trường với sàn nhà đều lún sụp hoặc nứt toác tách hẳn với phần nền nhà. Phía sau các dãy phòng học, sân bị lún vài chục centimet, quan sát có thể thấy cả đà, kiềng nền móng sâu bên trong.

Sàn các phòng học ở tầng trệt đều bị lún, nứt, lồi lõm khắp nơi. Thậm chí có phòng bục giảng bị lún xuống, thấp hơn cả phần nền nhà. Tường bị nứt loang lổ, gạch vữa bong tróc vương khắp nền nhà. Phần kết nối giữa hai dãy nhà bị hở khoảng 30cm. Ở những chỗ hở này đều có dấu hiệu được sửa chữa bằng cách đóng các miếng tôn che lại, nhưng rất nhiều chỗ các miếng tôn đã bị bong ra.

Bàn ghế và dụng cụ học tập đã được di dời. Tuy nhiên ở một số phòng bàn ghế vẫn còn xếp chồng, bụi phủ và mạng nhện giăng đầy.

 

Nền lún sụt, bục giảng lún sâu hơn cả nền phòng học – Ảnh: Minh Giảng

 

Chậm góp kinh phí khắc phục

Trường được quy hoạch và xây mới hoàn toàn với mục đích thành lập Trường tiểu học Trần Văn Kiểu. Với những hư hỏng ngày càng trầm trọng, tháng 8-2010 UBND TP.HCM có công văn cho phép UBND Q.6 tạm ứng ngân sách để sửa chữa và thuê đơn vị tư vấn độc lập kiểm định, quan trắc toàn bộ công trình. UBND TP cũng giao Sở Xây dựng chủ trì xác định trách nhiệm, xử phạt và xử lý bồi thường đối với các đơn vị liên quan để thu hồi hoàn trả ngân sách Q.6 đã tạm ứng.

Sau khi kiểm định, UBND Q.6 đã xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan: trách nhiệm chính thuộc về đơn vị thiết kế là Xí nghiệp tư vấn thiết kế Bình Phú, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc và xây dựng TP.HCM. Bên cạnh đó, còn có một phần trách nhiệm do chưa làm hết vai trò quản lý dự án của chủ đầu tư lúc bấy giờ là ban giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6 thời điểm thực hiện dự án. UBND Q.6 cũng đưa ra phương án khắc phục sự cố công trình với kinh phí dự kiến gần 6,5 tỉ đồng. Các bên liên quan sẽ phải đóng góp để khắc phục sự cố với tỉ lệ: chủ đầu tư (ban giám đốc thời điểm thực hiện dự án): 5%, tư vấn thiết kế: 25%, nhà thầu thi công: 45%, tư vấn giám sát: 25%.

Xác định các đơn vị phải “đóng góp để khắc phục sự cố” một cách rõ ràng và từ tháng 6-2013, UBND Q.6 đã có văn bản gửi các bên liên quan đề nghị chậm nhất đến ngày 20-6-2014 phải nộp. Thế nhưng theo ông Nguyễn Thế Mỹ – giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6, tính đến ngày 20-6 Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, đơn vị thi công Trường Trần Văn Kiểu đồng thời cũng là đơn vị phải đóng góp nhiều nhất, vẫn chưa nộp khoản tiền theo quy định, mặc dù các đơn vị khác đều đã đóng góp. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng đến việc sửa chữa công trình, nhất là khi năm học mới đã sắp bắt đầu.

MINH GIẢNG - HOÀNG HƯƠNG

 

 

Nhật ký… sửa chữa

* Ngay khi đưa vào sử dụng (tháng 9-2004), công trình đã có hiện tượng lún sụt nền, gây hư hỏng hệ kết cấu chịu lực, hệ bao che, công trình phụ trợ như sân nền, nhà vệ sinh, cầu thang thoát hiểm.

* Tháng 7-2009, Ban quản lý dự án Q.6 trình Sở Xây dựng hồ sơ thiết kế gia cố móng kèm báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa Trường tiểu học Trần Văn Kiểu.

* Tháng 11-2009, Ban quản lý dự án Q.6 sửa chữa, gia cố móng chống lún.

* Tháng 5-2010, Sở Xây dựng chủ trì cuộc họp vì sau khi sửa chữa, các hạng mục khác của công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và hư hỏng nặng.

 

 

 

 

 

Dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2015

Trả lời câu hỏi bao giờ có thể sửa chữa để đưa ngôi trường trở lại hoạt động, ông Nguyễn Thế Mỹ – giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.6 – cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ công việc để có thể khởi công sửa chữa công trình và đưa vào sử dụng cuối năm 2015”. Dự kiến như vậy nhưng đến thời điểm này, bên chịu trách nhiệm lớn nhất về kinh phí vẫn chưa đóng góp thì kế hoạch này chưa chắc thực hiện được.