Giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang đề xuất một loạt các chính sách miễn, giãn và xóa nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước tình hình số lượng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản không ngừng tăng lên.
Giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang đề xuất một loạt các chính sách miễn, giãn và xóa nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước tình hình số lượng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản không ngừng tăng lên.
|
Xóa nợ tiền phạt, chậm nộp thuế đến 31.12.2013
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) chưa thực sự được cải thiện. Hầu hết DN vẫn gặp khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, chưa mở rộng được quy mô. Do đó, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Thuế nghiên cứu đề xuất một số giải pháp về thuế để hỗ trợ, giúp đỡ DN.
Một trong số giải pháp trọng tâm mà Tổng cục Thuế đang xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội DN là xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mà gốc là tiền nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến 31.12.2013. Theo thống kê, tổng số tiền thuế nợ đến 31.12.2013 là 60.919 tỉ đồng, tăng 10,64% so với thời điểm 31.12.2012; tính đến hết 31.5.2014 là 68.500 tỉ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2013 (nợ khó thu chiếm 16,8%, nợ đến 90 ngày chiếm 22,9%, nợ trên 90 ngày chiếm 54,9%, nợ chờ xử lý chiếm 5,4%).
Nguyên nhân nợ thuế tăng, theo Tổng cục Thuế, do suốt mấy năm qua DN gặp khó khăn về tài chính phải ngừng kinh doanh, giải thể. Bên cạnh đó, DN bỏ địa chỉ kinh doanh không thông báo cho cơ quan thuế. Một số DN hoạt động xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách chưa được thanh toán… Ông Nam cho biết, Tổng cục Thuế đang đề xuất phương án xóa các khoản nợ đọng thuế quá lâu, không còn khả năng thu hồi. Đối với các khoản phạt thuế do chậm nộp thì xem xét khoanh lại, cho nộp dần, hoặc cũng có thể xóa nợ.
TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ nhận định, các biện pháp khoanh, giãn và đặc biệt xóa nợ tiền thuế của Chính phủ sẽ giúp DN giảm bớt được phần nào áp lực trả nợ, tập trung vốn vào duy trì, tăng cường sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Nhiều ưu đãi khác
Thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm cả nước đã có khoảng 33.500 DN dừng hoạt động, giải thể. Vì vậy, giải pháp hỗ trợ DN cần phải được mở rộng hơn nữa không chỉ dừng lại ở việc xóa, khoanh, giãn nợ thuế. Thông tin từ một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ đề xuất trình Chính xem xét gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn NSNN nhưng ngân sách thanh toán chậm. Bên cạnh đó, thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các khu công nghiệp thuộc các TP, quận huyện mới thành lập; cho phép DN được trừ vào chi phí tính thuế TNDN khoản chi phúc lợi cho người lao động có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Ngoài ra, sẽ ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư được cấp phép trước 1.1.2014 mà trong hồ sơ đăng ký đầu tư đã nêu rõ phân kỳ đầu tư. Bổ sung dự án đầu tư có quy mô tối thiểu 6.000 tỉ đồng vào diện được kéo dài thời hạn hưởng thuế suất thuế TNDN 10% thêm 15 năm. Khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa là tài sản cố định của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, tàu dùng để khai thác hải sản có công suất từ 380 CV trở lên. “Bộ sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng và dự án đầu tư vào khu công nghiệp giai đoạn 2009 – 2013 và đối với công nghiệp hỗ trợ”, lãnh đạo này cho hay. phủ