10/01/2025

Bố mẹ làm phụ hồ nuôi con đoạt HCV Olympic Toán quốc tế

Thi vào THPT, Hoàn đỗ liền ba trường chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học tự nhiên và chuyên Thái Bình. Ngày Hoàn nhập trường cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi phụ hồ.

 

Bố mẹ làm phụ hồ nuôi con đoạt HCV Olympic Toán quốc tế

Ngày đưa con vào lớp 10 chuyên Khoa học tự nhiên ở Hà Nội, vợ chồng anh Hoà cũng khăn gói rời làng quê, lang bạt thủ đô làm thuê nuôi con.

 

5h sáng 14/7, gia đình của Nguyễn Thế Hoàn (lớp 11, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên) háo hức bắt xe lên sân bay đón nam sinh trở về sau kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2014. Người mẹ mặc chiếc sơ mi trắng cổ bèo, quần jean, dép quai hậu, tay cầm bó hoa, mắt không thôi hướng về cửa làm thủ tục. Gặp được con trai, chị Thạch ôm chầm lấy, mắt rớm lệ. “Con cái chăm ngoan, học giỏi là tài sản quý giá nhất của gia đình”, người mẹ nói.

 

 

Hoàn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hoà Bình, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm của cha mẹ chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn chứ chưa nói đến việc đóng học phí, mua sắm đồ cho hai cậu con trai đang tuổi lớn.

 

 

Thương bố mẹ làm lụng vất vả, Hoàn luôn chăm chỉ học hành. Với năng khiếu bẩm sinh, suốt những năm cấp 1, 2, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, rinh nhiều giải cao cấp tỉnh. Ngôi nhà nhỏ của gia đình em treo chi chít 34 giấy khen, bằng khen.

 

 

 

 

 

Nguyễn Thế Hoàn (lớp 11, THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH QGHN) là một trong ba thí sinh của đoàn Việt Nam đoạt HCV Olympic Toán quốc tế 2014. Ảnh: Quỳnh Trang.

 

 

Thi vào THPT, Hoàn đỗ liền ba trường chuyên Sư phạm Hà Nội, Khoa học tự nhiên và chuyên Thái Bình. Ước mơ là được học tại ngôi trường của nhiều anh chị đạt giải cao thi Olympic quốc tế như Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn…, Hoàn xin bố mẹ cho lên Hà Nội học.

 

 

“Lúc đó con bảo, lên Hà Nội học cũng chỉ ăn từng ấy gạo thôi. THPT chuyên Khoa học tự nhiên lại là ước mơ từ lâu của cháu, thương Hoàn và mong con được học hành tiến tới, tôi cùng chồng quyết định lên Hà Nội làm thuê”, chị Nguyễn Thị Thạch (38 tuổi), mẹ em Hoàn nói.

 

 

Ngày Hoàn nhập trường cũng là lúc bố mẹ em rời làng quê, khăn gói lên thủ đô đi phụ hồ. Vợ chồng anh chị không thuê nhà trọ mà cứ công trình ở đâu thì dựng lều bạt sống tạm tại đó. Ngày ốm vừa vừa, khi nắng gắt, mưa bay, họ vẫn ra công trường luôn chân luôn tay đảo vữa, bê đồ. Mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được 6-7 triệu. Quá nửa số đó giành cho Hoàn đóng tiền học phí, sinh hoạt. Số còn lại anh chị gửi về quê cho ông bà chăm sóc giúp cậu con út đang học lớp 9 chuyên Văn.

 

 

Chị Thạch mắt đỏ hoe nhớ những tháng con nhịn ăn sáng để tiết kiệm chi phí. Khi ốm, em cũng chẳng gọi phụ huynh vì sợ bố mẹ lo và phải tốn tiền. “Đến lúc con sốt cao, miệng nôn trôn tháo, bạn bè sợ quá gọi điện báo thì Hoàn mới để chúng tôi đưa vào viện truyền nước”, chị Thạch kể.

 

 

Nhận được tiền học bổng, Hoàn đều đưa cho bố mẹ. Em động viên  đấng sinh thành giữ sức khoẻ hoặc về quê cấy lúa, làm may cho đỡ nhọc nhằn. Hoàn dự định vào lớp 12 sẽ đi làm gia sư để đỡ đần bố mẹ.

 

 

Cha mẹ sống tạm trong lều bạt nhưng chưa một lần Hoàn tự ti trước chúng bạn, ngược lại em còn thấy tự hào. “Ai cũng có nghề nghiệp của mình và em tự hào khi có bố mẹ sống hết mình vì con”, Hoàn tâm sự. Tấm HCV Olympic Toán quốc tế chính là món quà quý giá để em báo đáp công lao của bố mẹ.

 

 

Biết tin Hoàn giành HCV, mẹ em khóc mừng đến suýt ngất. Suốt ngày hôm đó, cả công trường nơi chị Thạch làm việc chỉ bàn tán và xuýt xoa ngưỡng mộ. Tại quê nhà Thái Bình, hai ngày liền ông bà của Hoàn chỉ lo tiếp họ hàng, bà con, thầy cô giáo… đến chia vui. Cả gia đình đều tự hào, mong ngóng từng ngày được đón con trai mang “vàng” về làng.

 

 

 

 

 

Nguyễn Thế Hoàn bên bố mẹ, em trai và ông ngoại.  Ảnh: Quỳnh Trang.

 

 

Chia sẻ về chiến thắng của bản thân, nam sinh lớp 11 THPT chuyên Khoa học tự nhiên cười hiền: “Em rất vui vì đạt được ước mơ thời học sinh của mình. Lúc thi xong, em chỉ nghĩ sẽ đạt HCB chứ chẳng tin được HCV”. Trong đoàn thi Olympic Toán quốc tế của năm nay, Hoàn là thí sinh nhỏ tuổi nhất.

 

 

Những ngày ở Nam Phi thi đấu, Hoàn chia sẻ rằng, đoàn Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do đồ ăn lạ, chệch múi giờ và thời tiết đêm lạnh dưới 10 độ. Tuy nhiên, với sự quan tâm và những biện pháp hữu hiệu của các thầy, 6 học sinh đều khoẻ mạnh, thoải mái thi cử.

 

 

Đề thi Toán Olympic quốc tế năm nay hơi khác một chút, chú trọng nhiều vào tổ hợp. Tuy nhiên, phần hình học – thế mạnh của Hoàn, vẫn có 2 câu trong bài thi. “Em cảm thấy rất may mắn vì điều đó. Lúc biết điểm 29 của mình cũng đoạt HCV, em thấy vui không chỉ cho riêng mình mà cả đoàn vì thành tích sẽ được nâng lên”, Hoàn tâm sự.

 

 

Yêu thích môn học phải vận dụng và rèn luyện trí thông mình từ bé, Hoàn dự định sẽ theo Toán ứng dụng lâu dài. Dự định sắp tới của em là học thêm tiếng Anh để nộp hồ sơ xin học bổng du học. “Em sẽ cố gắng kiếm được học bổng cao để bố mẹ đỡ phải lo lắng chuyện học hành, chi phí”, Hoàn chia sẻ.

 

 

 

Quỳnh Trang