09/01/2025

Xả quỹ, hạ thuế để giảm giá xăng?

Cuối tuần qua, người tiêu dùng trong nước bất ngờ khi Bộ Tài chính công bố số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) lên tới 1.600 tỉ đồng.

 

Xả quỹ, hạ thuế để giảm giá xăng?

Cuối tuần qua, người tiêu dùng trong nước bất ngờ khi Bộ Tài chính công bố số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) lên tới 1.600 tỉ đồng.

Dữ liệu: L.T. – Ảnh: Quang Định – Đồ họa: V.Cường

Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, liệu cơ quan quản lý có tính đến phương án tăng mức sử dụng quỹ và hạ thuế nhập khẩu để giảm giá bán lẻ?

Thực tế cho thấy bên cạnh BOG đang tồn rất lớn, thuế nhập khẩu hiện cũng ở mức rất cao: 18%. Đây chính là những điểm mà chuyên gia xăng dầu cho rằng việc điều hành giá xăng dầu hiện chưa phù hợp, chưa tính đến lợi ích của người dân.

Gồng mình nộp thuế, phí

 

Quyền điều hành của Bộ Tài chính

Một cán bộ chịu trách nhiệm điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương cho biết việc yêu cầu doanh nghiệp trích lập và sử dụng BOG như thế nào thuộc quyền điều hành của Bộ Tài chính. Với số quỹ hiện lên tới gần 1.600 tỉ đồng, nếu tăng mức sử dụng lên cao nữa thì với tình hình thế giới đầy biến động hiện nay sẽ điều hành rất khó khăn. Trường hợp, tới đây giá xăng dầu tăng mạnh, lúc cần sử dụng BOG để bình ổn giá sẽ khó khi quỹ này cạn.

Theo quan chức trên, giá xăng dầu thế giới có quy luật tăng khá rõ, thường tăng vào cuối năm, khi mùa đông đến. Vì vậy, nếu cứ giá thế giới tăng là nghĩ ngay đến tăng xả quỹ sẽ khó bền vững. Việc xả quỹ phải tính toán dựa trên nhiều yếu tố vì số tiền 1.600 tỉ đồng là con số tuyệt đối lớn, nhưng nếu xả mạnh cũng chỉ cần 1-2 tháng là hết. Đó là chưa kể quỹ ở mỗi doanh nghiệp khác nhau, không phải doanh nghiệp nào cũng dồi dào quỹ. Trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu, theo quan chức Bộ Công thương, thời điểm xả quỹ cũng khá rõ. Dự kiến, quỹ chỉ được xả khi giá cơ sở tăng từ trên 3% đến 7%, lúc này doanh nghiệp được quyền tăng giá đến 3%. Trường hợp từ 3-7% sẽ xem xét trích quỹ bình ổn.

 

Hiện nay, để tiêu thụ mỗi lít xăng, dầu (tùy loại), người tiêu dùng đang phải gánh 6.000-8.244 đồng/lít tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường… Bên cạnh đó, dù đang gồng mình nộp thuế xăng dầu nhưng để sử dụng mỗi lít xăng, dầu, người tiêu dùng phải nộp thêm 300 đồng để xây dựng quỹ BOG.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, lý do tăng giá xăng ngày 7-7 là do giá bán lẻ đang thấp hơn giá cơ sở 918 đồng/lít xăng, khiến doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ. Do vậy, bộ này đã cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu từ 137-418 đồng/lít, kg, đồng thời sử dụng BOG 500 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tránh gây sốc cho người tiêu dùng, với số dư BOG lên tới 1.600 tỉ đồng, Bộ Tài chính hoàn toàn tăng mức sử dụng BOG đối với mặt hàng xăng để không phải tăng giá. Cụ thể, thay vì cho doanh nghiệp sử dụng BOG ở mức 500 đồng/lít nên tăng lên 918 đồng/lít xăng.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp đang quá khó khăn, sức mua kiệt quệ như hiện nay, việc tăng giá xăng dầu liên tục như vừa qua sẽ khiến đầu vào của nhiều sản phẩm tăng thêm.

Vì vậy để chia sẻ khó khăn với người dân, ông Ngô Trí Long đề nghị Bộ Tài chính cần tăng mức sử dụng BOG bởi số dư của quỹ này hiện ở mức 1.600 tỉ đồng, một khoản không nhỏ của người dân đóng góp vào đây. “Chỉ cần cơ quan quản lý điều hành phù hợp là hỗ trợ được người dân và doanh nghiệp” – ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu VN cho rằng việc tồn tại BOG là sai hoàn toàn. Ông này phân tích: Người dân không có trách nhiệm phải bình ổn giá mà chỉ có quyền được thụ hưởng kết quả chính sách bình ổn. Việc bình ổn giá là trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp.

 Như hiện nay, để tiêu dùng 1 lít xăng dầu, người dân đang phải nộp 300 đồng để tại doanh nghiệp là bất hợp lý.

Ông này phân tích: “Việc sử dụng quỹ là rất bất cập, không công bằng đối với người tiêu dùng khi doanh nghiệp nghiễm nhiên sử dụng miễn phí hàng ngàn tỉ đồng của dân. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ Tài chính ở đâu?”.

Chia sẻ vấn đề này, ông Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh Nhà nước cần xem xét trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc hưởng lợi từ BOG.

Như số dư quỹ này tại Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) hiện lên tới trên 1.000 tỉ đồng, so với lãi suất tiền gửi của ngân hàng chỉ 2-3%/năm thì mỗi tháng doanh nghiệp này cũng nhận được vài tỉ đồng.

Do vậy, ông Long đề nghị trường hợp doanh nghiệp sử dụng quỹ này để làm vốn kinh doanh thì buộc phải trả lãi. Mức thấp nhất bằng với lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng thương mại.

 

Để tiêu dùng 1 lít xăng A92 (25.640 đồng), người dân phải gánh bốn khoản thuế cùng các khoản thu khác – Nguồn: Hiệp hội Xăng dầu VN – Dữ liệu: L.T. – Đồ họa: V.Cường

 

Nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Không chỉ bất hợp lý ở việc sử dụng BOG, 1 lít xăng hiện đang cõng tới bốn loại thuế. Và mức thuế cao nhất là thuế nhập khẩu với 18%, được Bộ Tài chính giữ ổn định suốt hơn một năm qua.

Các chuyên gia cho rằng chỉ cần giảm một vài phần trăm chắc chắn giá xăng có thể giảm, chứ không thể quá cao như hiện nay.

Cùng quan điểm với việc Nhà nước nên hạ thuế nhập khẩu xăng dầu, ông Ngô Trí Long cho rằng việc hạ thuế xăng dầu lúc này sẽ có lợi ích kép cho toàn xã hội vì không những giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn mà còn khuyến khích tăng nguồn thu.

Bởi xăng dầu là đầu vào của mọi ngành sản xuất, tiêu dùng, khi giảm thuế xăng, đồng nghĩa với việc giá xăng sẽ hạ. Lúc đó, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm và họ có thêm nguồn để đầu tư, thêm lợi nhuận, nộp tăng tiền thuế cho Nhà nước.

Bên cạnh sự chia sẻ bằng tài chính, người dân, doanh nghiệp còn tin tưởng hơn vào điều hành như Bộ Tài chính vẫn thường công bố là hài hòa quyền lợi giữa người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp. Cái được sẽ rất lớn cho toàn xã hội.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2 vừa diễn ra trong tuần qua, trả lời câu hỏi tại sao Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu thay vì cho phép doanh nghiệp tăng giá mặt hàng này, ông Nguyễn Anh Tuấn – cục trưởng Cục Quản lý giá – cho rằng liên bộ Tài chính – Công thương đã đánh giá, cân nhắc kỹ, tuy nhiên vì thuế là khoản thu của ngân sách nhà nước.

Song, có nhiều câu hỏi của cơ quan báo chí liên quan đến mặt hàng xăng dầu không được lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như Cục Quản lý giá trả lời. Cụ thể: việc tăng giá xăng dầu vừa qua vì nguồn thu cho ngân sách nhà nước hay vì chỉ số tăng giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm đạt mức thấp? Việc tính toán tác động của việc năm lần tăng giá xăng dầu từ đầu năm tới nay sẽ tác động tới lạm phát sáu tháng cuối năm như thế nào?…

Theo vị chuyên gia của Hiệp hội Xăng dầu VN, đây chính là bất cập khiến người tiêu dùng cảm thấy bức xúc, cho rằng việc điều hành xăng dầu không minh bạch.

“Những lúc mà giá xăng dầu thế giới tăng thì mình cũng tăng vù vù, còn nhiều khi giá thế giới giảm thì giá trong nước lại giảm không tương xứng, thậm chí có lúc tăng. Qua theo dõi, tôi thấy nguyên nhân giá xăng dầu trong nước không giảm thông thường là do Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu mặt hàng này. Điều này nhận thấy rất dễ dàng trong suốt hai năm vừa qua, khi mà Bộ Tài chính đã liên tiếp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh” – ông này bức xúc.

L.THANH – C.V.KÌNH

 

 

Xăng Việt Nam cao thứ 4 khu vực

Từ đầu năm tới nay, giá xăng trong nước đã tăng năm lần. Sau năm lần tăng, giá xăng hiện đã lên mức 25.640 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.

Với mức giá trên, giá xăng Việt Nam đang ở mức cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Singapore, Lào và Campuchia.

 

Nguồn: Bloomberg, đơn vị tính: đồng/lít.

 

HỒNG QUÝ