10/01/2025

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc về tranh chấp biển

Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ – Trung lần 6 khai mạc trong bối cảnh bất đồng sâu sắc về an ninh biển và gián điệp mạng.

 

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc về tranh chấp biển

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc về tranh chấp biển 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ngồi) quan sát Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khi ông này chuẩn bị phát biểu khai mạc đối thoại – Ảnh: Reuters

Quan hệ Mỹ – Trung đang trên đà tuột dốc trong năm nay và cuộc hội đàm cấp cao hai nước hiện diễn ra tại Bắc Kinh là dịp để các bên nỗ lực xoa dịu những khúc mắc và quan ngại. Trong ngày đầu tiên của hội nghị, hai phái đoàn đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong những lĩnh vực được xem là “an toàn”, chẳng hạn như thay đổi khí hậu, chống khủng bố và vấn đề hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên, Iran.

 

Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã ký tổng cộng 8 thỏa thuận đối tác để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp hai quốc gia đứng nhất nhì bảng xếp hạng thải khí carbon toàn cầu xích lại gần nhau trong vấn đề chính sách khí hậu, theo Reuters. Tuy nhiên, những vấn đề nhức nhối hơn như tranh chấp lãnh hải tại Hoa Đông và biển Đông, tình báo mạng và tỷ giá tiền tệ bị khống chế ở mức thấp giả tạo mới thu hút được sự quan tâm của không những giữa Mỹ – Trung mà còn cả các nước trong khu vực. 

Nghi kỵ song phương

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cảnh báo: “Sự đối đầu giữa TQ với Mỹ chắc chắn sẽ là một thảm họa cho cả hai quốc gia và cả thế giới”. Tuy nhiên, ám chỉ đến các tranh chấp lãnh thổ giữa TQ và các nước láng giềng, ông Tập tuyên bố Mỹ phải tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ” của nước ông.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh Mỹ không tìm cách kiềm chế TQ nhưng đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hãy thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì ổn định ở châu Á. “Chúng tôi hoan nghênh sự nổi lên của một TQ hòa bình, ổn định, thịnh vượng, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của khu vực và chọn đóng vai trò trách nhiệm trong các vấn đề thế giới”, hãng BBC dẫn lời ông Kerry.

Trước khi hai nước bước vào cuộc đối thoại, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích TQ về thái độ và cách hành xử “gây hấn” trong khi theo đuổi những mục tiêu thâu tóm lãnh hải tại châu Á. Ông gọi những hành vi này “có khả năng gây bất ổn hoặc đe dọa” an ninh  khu vực. Còn một quan chức khác tháp tùng phái đoàn Mỹ đã dùng từ “có vấn đề” khi mô tả việc TQ sử dụng các chứng cứ lịch sử mù mờ để biện bạch cho yêu sách chủ quyền phi lý. Đến tối qua, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao không nêu tên của Mỹ cho hay trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Kerry đã “rất mạnh mẽ” cảnh báo với phía TQ rằng: “Không nước nào có thể được phép hành động đơn phương để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình”.

Trong bài bình luận mới đây trên tạp chí Forbes, các chuyên gia cho rằng “Mỹ nên đơn phương hỗ trợ những quốc gia nhỏ hơn tại biển Đông”. Theo phân tích, nếu không vấp phải các phản ứng quân sự đáng kể và tương ứng, khiến phải tổn thất về kinh tế, chính quyền Bắc Kinh sẽ ngày càng lấn tới và chiếm lấy nhiều lãnh hải hơn, gây tổn hại uy tín của Mỹ và ép buộc các nước khác phải nhượng bộ trong tranh chấp. Mặt khác sự liên minh chặt chẽ của các nước trong khu vực về nhiều lĩnh vực có thể dần dần lớn mạnh thành các lực lượng đối trọng, nhằm tiến tới bảo vệ các ranh giới đã được quốc tế thừa nhận.

Các chuyên gia nhận định sự phản ứng yếu ớt từ Mỹ và các nước trong khu vực sẽ càng khuyến khích TQ sử dụng đến chiêu bài kinh tế lẫn vũ lực để thực hiện tham vọng tại Hoa Đông và biển Đông. Bài viết trên tờ Forbes thậm chí kêu gọi các nước cân nhắc xúc tiến những chiến dịch đặc biệt và bí mật để chống lại các công cụ như giàn khoan mà TQ triển khai trái phép tại vùng biển Việt Nam.