10/01/2025

Những sai lầm cần tránh khi làm bài thi

Sáng 6-7, bốn giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM đã cùng nhau chia sẻ “chiến lược làm bài thi” cho thí sinh dự thi ĐH năm nay.

 Những sai lầm cần tránh khi làm bài thi

Sáng 6-7, bốn giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM đã cùng nhau chia sẻ “chiến lược làm bài thi” cho thí sinh dự thi ĐH năm nay.

Đây là chương trình “Tự tin trên ghế nóng” do Hội sinh viên trường tổ chức, thu hút gần 100 thí sinh và cả… phụ huynh tham dự.

Trong ba giờ, lần lượt PGS.TS Đặng Văn Hoài (trưởng bộ môn hoá ĐH Y dược), nghiên cứu sinh Võ Văn Khoa (bộ môn toán ĐH Y dược), TS Trần Khánh Linh (bộ môn sinh ĐH Y dược) và ThS Văn Thị Thuỳ Dương (bộ môn dinh dưỡng ĐH Y dược) đã cùng thí sinh hệ thống hoá kiến thức, những điểm chú ý và giữ gìn sức khoẻ cho kỳ thi.

Làm từng bước một

“Tôi đi gác thi. Vừa phát đề xong thấy câu dễ có em làm ầm ầm liền – thầy Võ Văn Khoa kể – Tôi biết em này làm bài được. Lúc sau bất ngờ em bối rối xin lại giấy vì làm sai một chút. Đó là các em bị cảm xúc chi phối khi thấy câu dễ. Các em cần bình tĩnh hơn một chút khi làm bài”. Thầy Khoa cũng khuyên trước khi đi thi, thí sinh nên để đầu óc thoải mái, không có áp lực sẽ làm toán tốt hơn. “Trong đầu mình đầy công thức toán thì rất nguy hiểm vì toán phân lập theo từng bước. Tới khúc đó đạo hàm, cứ đạo hàm rồi tính sau. Đến denta thì nghĩ denta chứ không nghĩ đạo hàm nữa. Đừng nghĩ chuyện khác, giải cho đúng đã. Đầu óc mình đầy rẫy công thức thì mình đang làm cái này lại nghĩ đến cái phía dưới. Để đầu óc trống rỗng là vậy. Các em nên làm từng bước một” – thầy Khoa đúc kết.

Từng chấm thi ĐH, thầy Khoa khuyên thí sinh trong đề có 80% câu cơ bản, 20% câu khó và làm cái cơ bản để “có vốn” trước. Thầy hướng dẫn: “Có vốn rồi mình sẽ tự tin hơn, não bộ thong thả hơn. Ngoài ra, khi phát đề có 15 phút để đọc đề. Nên đọc lướt từ trên xuống và suy nghĩ trong đầu nên làm câu nào trước, câu nào sau. Khi làm bài thì làm câu nào chỉ tập trung suy nghĩ câu đó, đừng nghĩ đến câu khác. Tránh tình trạng trong đề có năm câu dễ. Mình đang làm câu 1, thấy câu 2 dễ nên lật đật nhảy qua. Làm câu nào dứt điểm câu đó. Đầu óc phân lập rõ ràng”. Khi chấm thi, thầy Khoa bảo nhiều bạn mất điểm vì phương trình quên đặt điều kiện, vội quá lấy đạo hàm sai, dồn sức quá nhiều vào một câu khiến hụt hơi không còn thời gian làm câu khác…

Tâm lý thoải mái

Nói về “chiến lược làm bài thi môn sinh”, TS Trần Khánh Linh nhấn mạnh: “Chiến lược là vào phòng thi với tâm lý thoải mái. Phân tích đề với hai kỹ năng đọc lướt, đọc dò và đánh dấu từ khoá quan trọng. Chọn làm các câu từ ngắn đến dài, từ dễ đến trung bình, khó. Cần mang theo đồng hồ để canh giờ. Kiểm tra và tô đáp án bài làm khi còn 15 phút cuối”. Cô Linh cũng nói về một số sai lầm thường gặp khi làm bài thi như: không phân tích đề, không chủ động bố trí thời gian hợp lý, không kiểm tra lại bài làm, đọc vội đề và chọn nhầm đáp án…

TS Trần Khánh Linh cũng hướng dẫn những chi tiết quan trọng nhưng thí sinh không để ý: “Kinh nghiệm cho thấy máy tính nên thay pin mới. Đừng dùng máy tính mới mua mà dùng máy tính của mình nhưng phải thay pin mới. Không nên dùng máy lạ so với mình. Năm trước tôi đi gác thi có em làm bài được 2/3 thì máy tính hết pin. Cũng may là đã hết 2/3 thời gian” – TS Trần Khánh Linh đưa ra lời khuyên. Ở môn sinh, thí sinh cần bám sát cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH để ôn bài. Ngoài ra, cần nắm vững những kiến thức trong sách giáo khoa (kể cả hình họa) vì phần này chiếm 60% lý thuyết. Khi học lý thuyết nên lập sơ đồ tư duy để khi vào phòng thi không bị rối. Lập bảng tổng kết các công thức và các dạng bài tập chuẩn, công thức tính nhanh, luyện kỹ năng sử dụng thành thạo máy tính casio và kỹ năng giải đề nhanh…

Còn PGS.TS Đặng Văn Hoài khuyên thí sinh khi làm bài thi môn hoá: “Khi đọc đề, các em nên đọc qua một lần và xác định câu hỏi lý thuyết không cần dùng máy tính vẫn có thể tính được, suy luận, suy đoán và trả lời ngay. Các em cần đánh dấu chéo bên cạnh câu hỏi đó để biết và trả lời, khi nhận dạng sẽ thuận lợi hơn…”.

 

HÀ BÌNH