Trung Quốc dùng súng bắt người, làng chài nghèo lo âu
Từ sáng sớm, hàng trăm ngư dân có mặt tại cảng cá Sa Huỳnh chết lặng khi trên tàu chỉ còn hai ngư dân Trần Xi và Nguyễn Ngọc Quý trở về. Những ánh mắt lo lắng cho tính mạng của sáu ngư dân cùng chiếc tàu QNg 94912 đang bị Trung Quốc bắt giữ. Thuyền trưởng tàu QNg 94913 Trần Xi kể: “Anh em đánh bắt hợp pháp trên vùng biển đánh bắt chung ở vịnh Bắc bộ được năm ngày, thu về hơn 5 tấn hải sản. Khoảng 7g sáng 3-7 sau khi thả lưới thì tàu Trung Quốc màu trắng số hiệu 3103 chạy vòng quanh, sau đó bất ngờ tăng tốc về phía hai tàu chúng tôi, thả canô truy đuổi, áp sát”.
Trung Quốc dùng súng bắt người, làng chài nghèo lo âu
Người thân các ngư dân khóc nghẹn khi chỉ có một tàu về cảng – Ảnh: Trần Mai
“Con ơi, con đâu rồi? Đi tám người mà giờ về chỉ có hai” – giọng bà Trần Thị Mầy, mẹ ngư dân Võ Tấn Tèo, gào thét trong nước mắt giàn giụa khi chỉ thấy chiếc tàu QNg 94913 trở về cảng Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngày 5-7.
Từ sáng sớm, hàng trăm ngư dân có mặt tại cảng cá Sa Huỳnh chết lặng khi trên tàu chỉ còn hai ngư dân Trần Xi và Nguyễn Ngọc Quý trở về. Những ánh mắt lo lắng cho tính mạng của sáu ngư dân cùng chiếc tàu QNg 94912 đang bị Trung Quốc bắt giữ.
Lên đạn trấn áp, bắt giữ ngư dân
Yêu cầu phía Trung Quốc trao trả tàu cùng ngư dân Chiều 5-7, ông Phạm Trường Thọ – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – cho biết trong ngày 3-7 tỉnh đã có báo cáo Bộ Ngoại giao và các cơ quan trung ương vụ việc tàu cá QNg 94912 cùng sáu ngư dân trên tàu ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ khi đang khai thác hải sản ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Tỉnh cũng kiến nghị thông qua đường ngoại giao, yêu cầu phía Trung Quốc đối xử đàng hoàng và trao trả tàu cùng ngư dân về nước. Tiếp đến, tỉnh cũng xem xét cụ thể thiệt hại trường hợp này để có sự hỗ trợ thích đáng cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. VIỆT HÙNG |
Khuôn mặt sạm đen còn in hằn sự hốt hoảng, hai ngư dân kể lại sự việc tàu Trung Quốc bắt giữ sáu ngư dân khi đang đánh bắt ở vịnh Bắc bộ. Thuyền trưởng tàu QNg 94913 Trần Xi kể: “Anh em đánh bắt hợp pháp trên vùng biển đánh bắt chung ở vịnh Bắc bộ được năm ngày, thu về hơn 5 tấn hải sản. Khoảng 7g sáng 3-7 sau khi thả lưới thì tàu Trung Quốc màu trắng số hiệu 3103 chạy vòng quanh, sau đó bất ngờ tăng tốc về phía hai tàu chúng tôi, thả canô truy đuổi, áp sát”.
Anh Xi biết có chuyện chẳng lành, lấy bộ đàm gọi anh Tèo trên tàu QNg 94912 chuẩn bị tinh thần, thu lưới chuẩn bị tăng tốc tránh né nếu bị tàu Trung Quốc tấn công. Khoảng 30 phút, khi thu lưới vừa xong, tàu QNg 94912 và QNg 94913 tăng tốc vòng tránh thì tàu QNg 94912 bị tàu Trung Quốc chắn ngang. “Tèo nói qua bộ đàm bảo họ lên đạn chĩa súng rồi. Tôi nói Tèo giảm tốc độ kẻo va vào tàu 3103, họ lấy cớ mình tông nổ súng thì chết hết” – anh Xi kể lại.
Sau đó, anh Xi cho tàu QNg 94913 tăng tốc, đồng thời qua bộ đàm nói: “Để cậu chạy trước kẻo nó bắt hai chiếc thì không ai báo tin về nhà được và báo cho gần 20 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt gần đó biết sự việc”. Ngồi bần thần như người mất hồn, ngư dân Quý bức xúc: “Họ dùng súng để trấn áp, bắt giữ ngư dân không một tấc sắt trong tay khi đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường lâu nay chúng tôi vẫn đánh bắt. Thật quá vô lý”.
Mong sớm đoàn tụ
Trong số sáu ngư dân bị bắt, có bốn ngư dân ở tuổi đôi mươi, có người có vợ đang mang thai. Chị Đỗ Thị Thùy Diệu – vợ ngư dân Lê Văn Thun (20 tuổi) – nghẹn ngào nơi bến cảng khi không thấy chồng trở về. Chỉ còn một tháng nữa chị sinh đứa con đầu lòng. Đôi tay cứ giữ chặt con trong bụng, chị kể: “Tụi em mới cưới nhau được một năm. Chuyến rồi ảnh nói đi xong rồi về chăm vợ sinh, giờ thế này…”.
Hai ngư dân lớn tuổi nhất bị bắt là Nguyễn Thành Chương (45 tuổi) và Võ Lành (45 tuổi) đều có gia cảnh khốn khó. Chị Ngô Thị Nửa, vợ anh Lành, phải ở nhà để chăm đứa con trai bị tật nguyền, chốc chốc lên cơn động kinh lại gào thét quấy phá. Còn gia đình anh Chương có đến năm người con, thu nhập chính trong nhà phụ thuộc vào những chuyến đi biển của anh. Chị Trương Thị Chút, vợ anh Chương, cho hay trong số năm đứa con đang tuổi ăn học có một đứa bị bệnh tâm thần. Mỗi ngày phải có thuốc để vượt qua những cơn đau hành hạ. Chị Chút bần thần: “Anh Chương mà không về, sáu mẹ con biết dựa vào đâu?”.
Trung Quốc xác nhận bắt 6 ngư dân Việt Nam
Ngày 4-7, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận đã bắt giữ sáu ngư dân Việt Nam, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Vụ bắt tàu cá và sáu ngư dân này xảy ra ngày 3-7. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược cáo buộc tàu cá Việt Nam bị bắt giữ vì “hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Trung Quốc, cách đảo Hải Nam 7 hải lý (13 km)” về phía nam.
“Các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đang điều tra vụ việc theo pháp luật” – ông Hồng nói. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí trên vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5.
Đến 17g45 ngày 5-7, tức sau gần ba ngày tàu cá QNg 94912 cùng sáu ngư dân của xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị phía Trung Quốc bắt giữ ở vịnh Bắc bộ sáng 3-7 thì phía các cơ quan chức năng như Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) hay Hội Nghề cá Việt Nam vẫn chưa có thông tin chính thức về vụ việc này.
Cả ông Hà Lê, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư cùng ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, đều cho biết các cơ quan này đã yêu cầu và vẫn đang chờ đợi báo cáo chính thức từ phía các đơn vị chức năng địa phương. Lãnh đạo hai cơ quan này cho biết họ mới chỉ biết thông tin qua báo chí, và trong ngày 5-7 lại biết thêm thông tin phản ảnh về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bắt giữ tàu cá này khi đang đánh bắt cá ở vùng biển của Trung Quốc. “Đây chỉ là thông tin một chiều từ phía Trung Quốc, chúng tôi cần phải có báo cáo từ phía địa phương cũng như thông báo chính thức từ cơ quan ngoại giao. Dù việc bắt giữ có như thế nào, kể cả trong trường hợp ngư dân Việt Nam có vi phạm vùng biển các nước thì sau khi bắt giữ, phía bắt giữ phải có thông báo chính thức tới cơ quan ngoại giao Việt Nam. Chứ như hiện nay, sau gần ba ngày rồi chúng tôi không hề hay biết thông tin gì về số phận tàu cá cũng như các ngư dân trên tàu đó” – ông Trần Cao Mưu nói.
TRẦN MAI – ĐỨC BÌNH – HẢI MINH