Nhật sẽ phòng vệ tập thể với ai?
Quyền phòng vệ tập thể sẽ cho phép Nhật xây dựng liên minh quân sự với những quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Nhật sẽ phòng vệ tập thể với ai?
Quyền phòng vệ tập thể sẽ cho phép Nhật xây dựng liên minh quân sự với những quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
|
Nội các Nhật ngày 1.7 đã phê chuẩn đề xuất cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ các quốc gia có quan hệ gần gũi bị tấn công. Quyết định cũng cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật đóng vai trò quốc tế lớn hơn bằng cách nới lỏng hạn chế đối với những “vùng xám”, tức các xung đột ở mức thấp, chưa đủ trở thành một cuộc chiến toàn diện.
3 điều kiện tham chiến
Theo nghị quyết của nội các, Nhật có thể triển khai Lực lượng phòng vệ tham chiến ở hải ngoại nếu hội đủ 3 điều kiện: một đồng minh hoặc một quốc gia bạn bè bị tấn công; cuộc tấn công đó đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với sự tồn tại của nước Nhật; cuộc tấn công đe dọa hủy hoại quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Jeremy Yellen thuộc Đại học Harvard (Mỹ) trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài DW của Đức, vấn đề nằm ở chỗ ai là người xác định “mối đe dọa rõ ràng” đối với Nhật trong trường hợp một quốc gia bạn bè bị tấn công. Nhiều khả năng quyền diễn giải điều này sẽ nằm trong tay chính phủ Nhật và đó có thể là một “tấm séc khống” để Tokyo viện đến quyền phòng vệ tập thể mỗi khi cần. Về cơ bản, khi một quốc gia có quan hệ gần gũi bị một nước khác tấn công quân sự, Nhật có quyền can thiệp quân sự và ngăn chặn cuộc tấn công ngay cả khi Nhật không phải là mục tiêu.
Một trong những đích ngắm được Thủ tướng Shinzo Abe nêu ra khi giải thích về việc thực thi quyền phòng vệ tập thể là CHDCND Triều Tiên. Theo đó, Nhật có thể bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên tấn công Mỹ hoặc bảo vệ tàu bè Mỹ bị tấn công. Như phát biểu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trường võ bị West Point vào tháng trước, Washington trông đợi các đồng minh và đối tác ở khu vực chia sẻ trách nhiệm lớn hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định. Và tại châu Á, việc mở rộng vai trò an ninh của Nhật đáp ứng đúng mong muốn của Washington. Đó là lý do giới chức Mỹ nhanh chóng hoan nghênh động thái mới của Tokyo.
Ngược lại, Trung Quốc (TQ) phản đối mạnh mẽ bước đi của Nhật. Mặc dù không đề cập trực tiếp nhưng theo giới quan sát, mục tiêu thứ hai trong sự thay đổi chính sách của Nhật chính là TQ, nước láng giềng hiện có tranh chấp lãnh thổ. Một trong những kịch bản để Nhật tham chiến là trường hợp hỗ trợ Mỹ bảo vệ Đài Loan một khi TQ phát động cuộc tấn công thống nhất hòn đảo này. Một liên minh quân sự Mỹ – Nhật ở quy mô lớn hơn sẽ cho phép Nhật có ảnh hưởng trực tiếp trong các vấn đề Đài Loan, bán đảo Triều Tiên hoặc biển Hoa Đông và điều này có thể đi ngược lại lợi ích của TQ.
Ngoài ra, Nhật cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Úc, Ấn Độ và các nước ASEAN trong các vấn đề an ninh để hình thành đối trọng với TQ, nước ngày càng hung hăng trong việc đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Manh nha “NATO” châu Á
Theo nhà sử học Yellen, dưới danh nghĩa “hòa bình chủ động”, ông Abe từng gợi ý rằng quyền phòng vệ tập thể có thể mở rộng với các nước như Hàn Quốc, Úc, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ nếu các mối đe dọa từ TQ hoặc các quốc gia gây hấn khác châm ngòi khủng hoảng. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2014, ông Abe từng khẳng định Nhật sẵn sàng “hỗ trợ tối đa” các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong việc duy trì “an ninh ở các vùng biển và vùng trời”. Mặc dù không nêu đích danh TQ, ông Abe rõ ràng ám chỉ đến các kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không cũng như mở rộng tuần tra bán quân sự của TQ ở biển Đông.
Là một quốc gia khan hiếm năng lượng, an ninh của Nhật sẽ chịu tác động đối với bất kỳ tình huống xung đột nào ở biển Đông. Nhật thậm chí phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải đi qua biển Đông còn nhiều hơn Mỹ. Chính vì vậy, Nhật “không thể thờ ơ với tình hình tại biển Đông”, theo ông Shinichi Kitaoka, một cố vấn về an ninh của Thủ tướng Abe.
Sự manh nha của một liên minh tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á thậm chí đã được các quan chức Nhật nhắc đến khi bình luận về quyền phòng vệ tập thể. Trong cuộc phỏng vấn với AP, nghị sĩ Takeshi Iwaya, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu về an ninh của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, phát biểu: “Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta nên hình thành một chiếc ô an ninh rộng lớn cho toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như ở châu Âu. Đó là đường hướng chúng tôi theo đuổi dưới khẩu hiệu mà chính quyền Abe đang quảng bá: “đóng góp chủ động cho hòa bình dựa trên hợp tác quốc tế”. Trong tương lai sẽ có một khối tự do thương mại lớn ở khu vực và để bảo vệ nó, tôi tin việc thiết lập một khuôn khổ an ninh tập thể rộng lớn nên là mục tiêu dài hạn trong khu vực”.
Sơn Duân