Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó “tình huống xấu”
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2014 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phương án ứng phó khi xảy ra các tình huống xấu.
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó “tình huống xấu”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên
Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên công bố tại cuộc họp báo chiều 1-7.
Không điều chỉnh mục tiêu kinh tế
“Qua báo cáo của các cơ quan chức năng, với các tình huống đó, kể cả xấu nhất, sự ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta tuy có nhưng không phải quá lớn đến mức gặp khó khăn không giải quyết được.” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết phát biểu kết luận phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; quyết tâm, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội chủ yếu đã đề ra từ đầu năm.
Thủ tướng nhấn mạnh không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra từ đầu năm.
Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế – xã hội do tình hình phức tạp trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương VN xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. VN hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”…
Trả lời câu hỏi của báo chí “tình huống xấu” ở đây được hiểu như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói tình huống xấu có thể dự đoán là Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu ở biên giới, cao hơn nữa là rút tổng thầu…
Tuy nhiên, qua báo cáo của các cơ quan chức năng, với các tình huống đó, kể cả xấu nhất, sự ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta tuy có nhưng không phải quá lớn đến mức gặp khó khăn không giải quyết được.
Theo Bộ trưởng Nên, tại phiên họp Chính phủ lần này, lãnh đạo nhiều tỉnh cũng đã phát biểu với nội dung như trên và Chính phủ cũng thống nhất nhận định trong các tình huống thì mức độ ảnh hưởng là có nhưng không phải lớn lắm.
“Hiện nay có ý kiến nói rằng một số cửa khẩu nguy cơ đóng cửa, thì trong phiên họp một số tỉnh biên giới khẳng định đó là sự hạn chế lưu thông do kiểm soát tiểu ngạch chứ không phải đóng cửa, các phần còn lại tới giờ này đều lưu thông bình thường”
– Bộ trưởng Nên khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, đến nay nhìn chung các dự án do phía Trung Quốc làm tổng thầu đều có tiến độ thực hiện theo cam kết, chưa có thông tin vì lý do nào khác dẫn đến khó khăn. Tuy nhiên, cũng có tỉnh phản ảnh xuất hiện dự án phía Trung Quốc trúng thầu giá thấp nên đã đưa ra lý do để trì hoãn.
Tiếp tục chuẩn bị hồ sơ pháp lý
Theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ, phát biểu kết luận về tình hình trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền VN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kiên định, kiên trì các giải pháp, biện pháp, đối sách đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên thực địa, bằng chính trị – ngoại giao, bằng thông tin, truyền thông trong nước và nước ngoài, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của VN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về thông tin này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết việc chuẩn bị hồ sơ đã thực hiện lâu nay, tuy nhiên chỉ sử dụng khi nào thấy thật sự cần thiết và có lợi cho đất nước.
Thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng tiếp tục tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về dự án Formosa (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chủ đầu tư dự án này là người Đài Loan, tổng thầu lò cao (của dự án thép) là người Trung Quốc, sau sự cố vừa rồi thì đến giờ này hầu hết công nhân đã trở lại làm việc.
Vừa qua một số cơ quan báo chí nêu Formosa Hà Tĩnh xin lập khu kinh tế đặc biệt thật ra họ xin cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư phát triển khu vực này theo dự án của họ đề ra, nhất là cơ chế thủ tục hành chính, nhưng không phù hợp với quy định pháp luật nên Chính phủ VN không đồng ý”.
Chỉ phạt hai hành vi liên quan đến mũ bảo hiểm Trả lời câu hỏi liên quan đến việc xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm không đúng chuẩn, ông Nguyễn Văn Nên cho biết tại phiên họp lần này, Chính phủ có bàn vấn đề nêu trên và thống nhất theo quy định hiện nay, việc xử phạt chỉ áp dụng với hai hành vi là: không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm mà không cài dây an toàn. “Như vậy thông tin thời gian qua có chỗ chưa chuẩn xác khiến người dân bất an. Chúng ta muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, nhưng trong điều kiện hiện nay chỉ xử phạt như nêu trên, còn mũ bảo hiểm giả là vấn đề khác” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói. |
V.V.THÀNH